Khi tính mạng con người mới là quan trọng

07:04, 16/04/2020

Trong lịch sử của mình, Thế vận hội Mùa hè (Olympic Games) mới chỉ hủy bỏ 3 lần vì chiến tranh. Còn lần này không cần một tiếng súng nào, con virus Corona chết chóc đã làm cho vòng quay của Thế vận hội bị lạc nhịp!

Trong lịch sử của mình, Thế vận hội Mùa hè (Olympic Games) mới chỉ hủy bỏ 3 lần vì chiến tranh. Còn lần này không cần một tiếng súng nào, con virus Corona chết chóc đã làm cho vòng quay của Thế vận hội bị lạc nhịp!
 
 Thế vận hội Tokyo 2020 được chuyển sang tháng 7/2021
Thế vận hội Tokyo 2020 được chuyển sang tháng 7/2021
 
Quyết định lịch sử 
 
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan gây chết chóc khắp nơi trên thế giới, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Chính phủ Nhật Bản trong gần cuối tháng 3 vừa qua trước sức ép của nhiều quốc gia thành viên đã phải đưa ra quyết định lùi thời hạn tổ chức Thế vận hội Mùa hè Olympic Tokyo 2020 lại 1 năm. 
 
Cụ thể, thay vì tổ chức trong tháng 7 năm nay như lịch trình đã công bố, Olympic Tokyo 2020 sẽ được chuyển sang vào 23/7 - 8/8 năm 2021. 
 
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thế vận hội mà Ban tổ chức đã phải đưa ra quyết định lùi lại thời gian tổ chức. Cần biết rằng để có quyết định hoãn lại 1 năm như thế này, Chính phủ Nhật và IOC đã phải cân nhắc rất kỹ, vì ở thời điểm đó đại dịch viêm phổi cấp COVID -19 vẫn chưa tác động nhiều đến xứ sở mặt trời mọc. Nhưng thời điểm giữa tháng 4 này, khi Tokyo và các khu vực xung quanh thành phố này đang nâng cao mức báo động dịch bệnh và không biết diễn biến sắp đến ra sao, thì việc hoãn lại thế vận hội trong thời gian đó lại là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. 
 
Nếu tính theo chu kỳ cứ 4 năm diễn ra một lần, từ năm 1896 - năm đầu tiên được tổ chức tại Hy Lạp, Thế vận hội Mùa hè đến nay đã phải hủy bỏ đến 3 lần, đó là vào các năm 1916, 1940 và 1944 bởi lý do chiến tranh. 
 
Thế vận hội Mùa hè 1916 do nước Đức đăng cai, dự kiến tổ chức tại Berlin, nước này đã chi tiền để xây sân vận động rất lớn tại thành phố này từ năm 1912 với 18 nghìn chỗ ngồi, hoàn thành sau đó 1 năm với một lễ khai trương hoành tráng. Nhưng rồi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra năm 1914 và kéo dài nhiều năm sau đó, đã khiến kỳ Olympic lần thứ VI bị hủy bỏ. Từ việc hủy bỏ kỳ Olympic Mùa hè năm này đã khiến nhiều nước châu Âu sau đó tổ chức 1 tuần lễ các môn thể thao mùa Đông, dẫn đến việc ra đời Olympic Mùa đông sau này.
 
Còn Thế vận hội Mùa hè 1940 sau đó bị hủy bỏ do sự tham chiến của chủ nhà Nhật Bản vào Chiến tranh thế giới thứ hai. Dự kiến kỳ Thế vận hội lần thứ XII năm này diễn ra tại Tokyo nhưng Nhật Bản trước đó đã tuyên bố từ bỏ, sau đó IOC đã giao cho Phần Lan - quốc gia về nhì trong đăng cai để tổ chức tại Helsinki, nhưng nước này cũng không tổ chức được vì chiến tranh. Riêng Thế vận hội Mùa hè lần thứ XIII vào năm 1944, dự kiến ban đầu tổ chức tại London - Anh, nhưng thời điểm này Chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra ác liệt, nên Thế vận hội London 1944 bị hủy và IOC sau đó đã trao quyền cho Anh được tổ chức Thế vận hội Mùa hè lần thứ XIV năm 1948 tại London. 
 
Cũng nói thêm một chút rằng, sau 12 năm thế vận hội bị gián đoạn bởi Chiến tranh thế giới lần thứ hai làm cho nhiều quốc gia kiệt quệ về kinh tế, Thế vận hội Mùa hè London 1948 đã diễn ra khá đơn giản, không có nhiều cơ sở vật chất thi đấu, không có làng cho vận động viên (VĐV) và cũng ít quốc gia tham dự, số lượng VĐV tranh tài khá khiêm tốn (chỉ 59 quốc gia với hơn 4.000 VĐV tranh tài), nên không hoành tráng như những kỳ thế vận hội sau này khi thế giới sống trong hòa bình. 
 
Khi tính mạng con người mới là quan trọng 
 
Lùi Olympic Tokyo 2020 lại 1 năm đã để lại nhiều hệ lụy cho nước Nhật cũng như cho giới thể thao. Với Nhật, quốc gia này theo nhiều hãng truyền thông, đã chi khoảng 12,6 tỷ USD cho kỳ đăng cai thế vận hội lần này, bao gồm mọi thứ, từ sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, sân vận động, làm mới nhà thi đấu, mở rộng hệ thống giao thông công cộng, đào tạo tình nguyện viên… Để lùi lại một năm, nước này theo dự tính phải chi ra thêm một số tiền khá lớn, gần nửa số trên, để sắp xếp mọi việc từ nay đến ngày diễn ra khai mạc vào năm sau. 
 
Một tính toán của các nhà chuyên môn cho biết, vì Olympic không thể diễn ra đúng kế hoạch, thiệt hại kinh tế với Nhật Bản vào khoảng 6 tỷ USD, bao gồm nhiều thứ trong đó có cả du lịch. Trong lĩnh vực du lịch, rất nhiều nhà đầu tư và người kinh doanh du lịch đã bỏ tiền vào nâng cấp hệ thống nhà hàng, khách sạn của mình để chào đón khách du lịch trong mùa thế vận hội năm nay, đặc biệt là khách nước ngoài từ Mỹ. Theo ước tính của hãng Nomura Securities, chỉ riêng ngành du lịch thôi, việc hủy thế vận hội cũng khiến cho ngành du lịch xứ hoa anh đào mất toi khoảng 2 tỷ USD.
 
Theo Ban tổ chức, mọi thứ đến đầu tháng 3 năm nay đã đâu vào đó, việc phải lùi lại một năm sẽ làm chi phí bị đội lên gấp đôi, chưa kể khoản bồi thường do phá vỡ hợp đồng. Chỉ riêng làng Olympic dành cho VĐV thôi, Ban tổ chức không thể để không, nên ngay sau có quyết định hoãn lại nước này đã phải cải tạo thành hơn 4 nghìn căn hộ cao cấp. 
 
Nhưng không chỉ chủ nhà Nhật Bản, IOC cũng bị thiệt hại đáng kể. Một báo cáo của IOC cho biết, giai đoạn 2013 - 2016, với Olympic Mùa đông tại Sochi 2014 và Olympic Mùa hè tại Brazil 2016, tổng doanh thu của họ từ bán bản quyền truyền hình, tiếp thị và các nguồn thu khác đã lên đến 5,7 tỷ USD.
 
Với làng thể thao thế giới, việc lùi lịch tổ chức thế vận hội đã làm đảo lịch đấu của nhiều giải đấu quốc tế. Thông thường các giải quốc tế lớn phải sắp trước lịch thi đấu của mình trong năm, cộng với việc một số giải lớn năm nay, chẳng hạn như EURO 2020, do COVID-19 hoành hành nên phải dời sang năm đến. Chính vì vậy, khi Olympic Tokyo 2020 lùi lại sang năm sau, kéo theo một cuộc hoãn, hủy dây chuyền. Hàng loạt giải đấu, sự kiện thể thao lớn tất nhiên buộc phải nhường chỗ cho Olympic Tokyo theo cách không hề mong muốn, kèm theo rất nhiều hệ lụy như phá vỡ các hợp đồng quảng cáo, tiếp thị, bản quyền truyền hình… 
 
“Chúng tôi có cảm giác giống như mất 7 năm để xây dựng trò chơi ghép hình lớn nhất thế giới mà chỉ trục trặc với một mảnh ghép, mọi thứ phải bắt đầu lại nhưng có ít thời gian hơn để kết thúc” - một quan chức của Ủy ban Paralympic Quốc tế nhận xét.
 
Nhưng như ông Thomas Bach, việc hoãn Olympic Tokyo năm nay lại là một quyết định đúng đắn vì “bảo vệ cuộc sống của con người”. Còn ông Yoshiro Mori - Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 khẳng định rằng, trận chiến với sức khỏe mới quan trọng nhất: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Sức khỏe con người là vốn quý và việc tổ chức thế vận hội sau đó tốt hơn thời điểm dịch bệnh bùng phát này”.
 
GIA KHÁNH