Tập hợp từ những người làm nhiều nghề khác nhau, nhiều lứa tuổi, chỉ chung nhau tình yêu bóng đá; những câu lạc bộ này là hạt nhân của thể thao cộng đồng, giờ rảnh rủ nhau ra sân, khi có giải có tài trợ là lên đường thi đấu.
Tập hợp từ những người làm nhiều nghề khác nhau, nhiều lứa tuổi, chỉ chung nhau tình yêu bóng đá; những câu lạc bộ này là hạt nhân của thể thao cộng đồng, giờ rảnh rủ nhau ra sân, khi có giải có tài trợ là lên đường thi đấu.
Các thành viên trong CLB Dalat Sport vừa giành chức vô địch tại Giải Bóng đá mini các doanh nghiệp Lâm Đồng 2020. |
Cùng ra sân buổi tối
“Cả ngày chúng tôi đều đi làm, mỗi người mỗi việc, nên cứ tối đến là hẹn cùng ra sân” - anh Nguyễn Trung Kiên - phụ trách Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Bảo Lộc nói với tôi khi giới thiệu về hoạt động của CLB mình.
Gọi là “phụ trách” nhưng thực ra lâu nay anh chỉ là người đứng ra vận động anh em, tập hợp mọi người trong CLB tại Bảo Lộc để cùng chơi bóng đá trên tinh thần tự nguyện. “Bóng đá là môn chơi tập thể, cần tinh thần tập thể, cần phối hợp chứ không thể chơi riêng rẽ một mình được” - anh Kiên nói
Với trên 20 thành viên, CLB này thành lập đã trên 3 năm nay, các thành viên trong CLB làm đủ nghề, từ buôn bán, kinh doanh, làm tự do..., có nhiều lứa tuổi, tất cả cùng chung tình yêu bóng đá. Ban ngày đi làm nên theo anh Kiên, các thành viên của CLB anh thường hẹn nhau chiều tối chơi bóng cùng nhau ở các sân cỏ nhân tạo tại thành phố Bảo Lộc.
Và không chỉ thi đấu với các CLB bóng đá khác tại Bảo Lộc, thỉnh thoảng CLB còn tổ chức các chuyến giao lưu với các CLB khác trong tỉnh, tham gia giải bóng đá thành phố và đặc biệt khi có giải tỉnh, CLB lại đi vận động tài trợ từ các doanh nghiệp để có kinh phí tham dự.
Như Giải Bóng đá mini các doanh nghiệp 2020 năm nay, CLB Bảo Lộc đã thi đấu trong màu áo của Doanh nghiệp Quốc Thành Mỹ - một đơn vị vận tải thực hiện vận chuyển hàng hóa trên địa bàn Bảo Lộc. “Mỗi khi có giải, mọi người lại thu xếp công việc riêng để chơi bóng đá vài ngày. Tất cả đều cố gắng hết sức, nếu được giải thì vui, không thì cũng là dịp được chơi bóng với các đội lớn, học tập kinh nghiệm để lần tới thi đấu tiếp” - anh Kiên tươi cười.
Các thành viên trong CLB Bóng đá Bảo Lộc dự giải tỉnh. |
Vì phong trào thể thao địa phương
Không nhiều sân cỏ nhân tạo như tại Bảo Lộc nhưng Lâm Hà cũng có những CLB bóng đá rất mạnh, một trong số này là CLB Bóng đá thị trấn Nam Ban.
Theo anh Nguyễn Trường Sơn - người phụ trách, CLB này thành lập từ năm 2014, ban đầu chỉ một vài thành viên rồi dần đông lên, đến nay trên 30 người. Thành viên đội hiện nay đủ cả, lớn có trẻ có, có người là nông dân ngày ngày ra vườn chăm cà phê, có người trồng rau trồng hoa trong vùng, có người là giáo viên, là công chức nhà nước…, tập hợp nhau lại, cùng hẹn nhau tại các sân cỏ nhân tạo về chiều tối, cuối tuần có dịp hẹn nhau chơi bóng đá sân lớn 11 người.
Dù chỉ mới thành lập trong khoảng 6 năm nhưng CLB Bóng đá Nam Ban duy trì hoạt động rất tốt, hằng tháng tổ chức được các chuyến giao lưu thi đấu với các CLB khác trong tỉnh, có lúc ra cả tỉnh ngoài. CLB từng giành rất nhiều thành tích tại huyện Lâm Hà và cả ở cấp tỉnh Lâm Đồng. “Cứ khi có nhà tài trợ cần, đội sẽ tập hợp anh em trong CLB lại để tập luyện và tham gia trong màu áo doanh nghiệp” - anh Sơn cho biết.
CLB Nam Ban, theo anh Sơn, từng vô địch tỉnh giải bóng đá 11 người cấp tỉnh năm 2016, giành giải nhì cấp tỉnh năm 2019 cũng trong giải bóng đá 11 người; còn giải thưởng của bóng đá mini sân cỏ nhân tạo từ cấp huyện đến cấp tỉnh đều rất nhiều “không tính hết được”. Như trong năm nay, trong màu áo của DH Sport - Lâm Hà, CLB anh Sơn đã giành Huy chương Bạc, đứng nhì tỉnh giải bóng đá mini 5 người sân cỏ nhân tạo các doanh nghiệp Lâm Đồng - 2020 do tỉnh tổ chức.
Đặc biệt, dù là một CLB bóng đá cộng đồng nhưng CLB này trong vài năm gần đây còn nhận đào tạo trẻ. “Cứ dịp hè chúng tôi lại mở các lớp bóng đá cho thiếu nhi, học sinh trong vùng” - ông Sơn cho biết. Các lớp này có các HLV nhiều kinh nghiệm huấn luyện nên rất đông học sinh các cấp học tham gia, dù học phí 200 - 300 nghìn đồng/ tháng nhưng các phụ huynh trong vùng cũng rất hoan nghênh.
Yêu bóng đá đẹp
Không nói hết niềm vui của các thành viên CLB Dalat Sport - Đà Lạt khi lên bục nhận Huy chương Vàng cùng Cúp vô địch từ Ban tổ chức Giải Bóng đá mini các doanh nghiệp Lâm Đồng năm 2020 vừa được tổ chức trong đầu tháng 6 tại Đà Lạt.
“Trước đây, chúng tôi có một lần đứng nhì tỉnh, nhưng năm nay đây là lần đầu tiên giành chức vô địch tỉnh nên toàn đội rất vui” - anh Tống Phước Lâm, người Phường 10 - Đà Lạt, Đội trưởng phụ trách CLB Dalat Sport không giấu được nụ cười tươi.
Cũng thành lập khoảng 5 năm gần đây tại Đà Lạt, CLB lúc đầu chỉ chừng chục thành viên nhưng đến nay đã có trên 40 người tham gia. Giống các CLB bóng đá cộng đồng khác trong tỉnh, thành viên Dalat Sport có đủ nghề, từ làm vườn, buôn bán, tài xế tắc xi, tài xế xe tải đường dài, công chức, viên chức Nhà nước… tất cả cùng tập hợp nhau trong màu áo CLB, tối tối rủ nhau ra sân tranh tài với các CLB khác tại các sân cỏ nhân tạo Đà Lạt.
Một trong những cầu thủ đóng góp rất lớn cho chức vô địch của đội Dalat Sport trong năm nay chính là thủ môn Võ Thái Bảo, 25 tuổi, làm vườn ở Phường 11. Anh cho biết tham gia CLB từ những ngày đầu, ngày ngày đi làm rau với gia đình, tối tối ra sân thi đấu cùng các anh em trong đội . “Ngày trước tôi chơi tiền đạo, bị chấn thương chân, sau đó chơi thủ môn” - anh cho biết.Chính thủ môn này đã dùng chân đẩy luôn cả 2 quả phạt đền trong trận chung kết để CLB Dalat Sport vượt qua DH Sport Lâm Hà, giành chức vô địch.
Còn với anh Lâm, CLB duy trì được đến nay cũng vì phong trào chung của Đà Lạt. Bóng đá, đặc biệt bóng đá sân cỏ nhân tạo phát triển rất mạnh hiện nay. Để cạnh tranh, các thành viên trong CLB, theo anh Lâm, cũng phải chịu khó nâng trình độ chơi bóng của mình lên để có thể chiến thắng trong các giải lớn.
Đặc biệt, là một đội bóng đá ở Đà Lạt nên CLB lâu nay luôn duy trì một lối chơi bóng rất “Đà Lạt”, nghĩa là trong thi đấu luôn yêu cầu các thành viên của mình chơi đẹp “fair play”, không đá xấu, không đá rát, không cay cú, không triệt hạ đối thủ, không la lối trên sân...”. Mình là người Đà Lạt, vì phong trào, chơi thể thao cho khỏe, cho vui, đá bóng có thắng có thua, nhưng chơi đẹp, thắng đẹp, chơi trong tinh thần đẹp của một người Đà Lạt” - anh cho biết.
GIA KHÁNH