Từng là một vận động viên bóng bàn phong trào có tiếng của Lâm Đồng, ông đã truyền tình yêu thể thao cho cả hai con của mình; một trong hai người con của ông giờ lại là một VĐV trẻ nổi tiếng về bóng bàn của tỉnh.
Từng là một vận động viên (VĐV) bóng bàn phong trào có tiếng của Lâm Đồng, ông đã truyền tình yêu thể thao cho cả hai con của mình; một trong hai người con của ông giờ lại là một VĐV trẻ nổi tiếng về bóng bàn của tỉnh.
|
Ông Trần Anh Kiệt trên bục nhận huy chương |
“Gen” bóng bàn
“Gia đình tôi có “gen” bóng bàn, yêu thể thao nên con tôi cũng thích và đam mê bóng bàn như tôi” - ông Trần Anh Kiệt vui vẻ khi giới thiệu về 2 con của mình với chúng tôi.
Là người Đà Lạt, sinh năm 1968, ông Kiệt cho biết, ông làm quen với bóng bàn từ khi còn nhỏ. “Ngày đó, trẻ đâu có nhiều chọn lựa như bây giờ, đâu có điện thoại, trò chơi điện tử, nên có được cây vợt chơi bóng bàn là thích lắm rồi. Cũng do trong xóm gần nhà có bàn bóng, ngày ngày khi rảnh đến đây chơi, cầm vợt thấy chơi được là mê luôn” - ông kể lại.
Đam mê và có khiếu về bóng bàn nên chỉ chừng khoảng 10 tuổi, đang học lớp 4 nhờ có thành tích nên ông đã được nhận vào đội tuyển năng khiếu tỉnh Lâm Đồng. Ngày đó, đội tuyển năng khiếu bóng bàn tỉnh không đông lắm, chỉ vài thành viên trong đội. “Cứ ngày nào đi tập thì mỗi người được “thưởng” công bằng một ly nước chanh hay một chai nước xá xị thơm thôi, chẳng có tiền bạc bồi dưỡng gì nhưng như vậy đã là tốt lắm rồi!” - ông nhớ lại.
Trong những năm tập trung tập luyện trong đội năng khiếu tỉnh, cũng có nhiều lần ông được vinh dự đại diện tỉnh đi thi đấu ở các giải trong nước. Nhưng như cách ông nói vui, ông chẳng có duyên gì với giải quốc gia nên chẳng được tấm huy chương nào. Mà hầu như đội tuyển năng khiếu bóng bàn tỉnh giai đoạn đó cũng chưa có nhiều thành tích với các giải trong nước như những năm sau này. “Thế hệ chúng tôi thời đó khó tranh huy chương, vì nhiều tỉnh, thành trong nước có những đội tuyển rất mạnh”- ông kể.
Tuy nhiên, trong tỉnh thì ông đã giành được rất nhiều huy chương, từ các giải thành phố Đà Lạt đến giải cấp tỉnh, từng một lần vô địch tỉnh trong nội dung đơn nam A. Hầu hết những danh thủ một thời của bóng bàn Lâm Đồng tại Đà Lạt và Bảo Lộc - 2 địa phương có phong trào bóng bàn mạnh của tỉnh, ông đều biết và đã từng có dịp so tài với nhiều người trong số này.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông đi làm, lập gia đình rồi mải bận rộn công việc, thỉnh thoảng mới có dịp chơi bóng, mãi đến những năm gần đây khi công việc đã ổn ông mới có thời gian trở lại nhiều hơn với bóng bàn; nhất là khi con ông cũng rất thích bóng bàn, hằng ngày ông dành thời gian đưa 2 con cùng mình đi chơi bóng bàn.
Điều đặt biệt, cả 2 con ông từ cô con gái đầu Trần Trâm Anh - sinh năm 2005 và cậu con trai sau Trần Anh Nguyên - sinh năm 2012, đều rất thích bóng bàn như ông đã từng. Chính vì vậy, ông Kiệt nói vui, “gen” bóng bàn của tôi đã được truyền sang cho con”.
|
Ông Kiệt cùng 2 con của mình |
Đồng hành với con
Cùng chơi bóng bàn từ nhỏ, cũng vào đội tuyển năng khiếu bóng bàn tỉnh từ rất sớm nhờ năng khiếu thể thao nổi bật của mình, nhưng với Trần Trâm Anh - cô con gái lớn của ông Trần Anh Kiệt, việc giành huy chương từ các giải trong nước lại khá dễ dàng hơn nhiều so với ông ngày trước bên cạnh rất nhiều huy chương có được từ các giải tỉnh hằng năm.
Trong tháng 7/2016, khi cô bé Trâm Anh đang học lớp 5, trong lần tham dự đầu tiên Giải Bóng bàn trẻ thiếu niên nhi đồng toàn quốc tại Đà Nẵng, cây vợt nhí này đã giành ngay tấm Huy chương Vàng cùng danh hiệu vô địch cá nhân của lứa tuổi nhi đồng nữ toàn quốc. Cũng trong giải này, Trâm Anh còn giành thêm một tấm Huy chương Vàng nữa trong nội dung đồng đội nữ cùng đội tuyển năng khiếu Lâm Đồng.
Một tháng sau đó, tại giải 16 cây vợt nữ xuất sắc toàn quốc lứa tuổi nhi đồng tại Hải Dương, Trâm Anh cũng giành giải Nhất với tấm Huy chương Vàng về cho thể thao Lâm Đồng.
Năm 2017, khi lên 12 tuổi, cây vợt nhí Trâm Anh đã giành giải Nhì - Huy chương Bạc đơn nữ tại Giải Bóng bàn trẻ thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm này. Năm 2018, trong đội hình năng khiếu Lâm Đồng, Trâm Anh giành giải Nhất đồng đội nữ; giải Nhì đơn nữ và giải Ba đôi nam nữ lứa tuổi 12-13 tại Giải Bóng bàn trẻ thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Cũng trong năm này, Trâm Anh đã lọt vào vòng 1/16 tại giải các cây vợt trẻ Đông Nam Á tổ chức ở Philippines. Còn năm 2019, Trâm Anh cũng đoạt được Huy chương Bạc đơn nữ tại Giải Bóng bàn trẻ thiếu niên nhi đồng toàn quốc. “Hầu như năm nào cháu cũng có huy chương từ giải quốc gia” - Trâm Anh tự tin.
Điều đáng nói trong sự thành công của cây vợt trẻ này luôn có bóng dáng của cha mình. Như ông cho biết, trong suốt nhiều năm nay, từ khi con ông còn nhỏ gia đình đã tạo điều kiện tốt nhất cho con phát triển năng khiếu thể thao, đưa đón con đi tập luyện thi đấu hằng ngày. Bất kỳ giải đấu nào trong nước khi con tham gia ông đều thu xếp công việc, tự bỏ tiền túi của gia đình ra để đi cùng, cổ vũ cho con mình.
“Cháu muốn sau này theo bóng bàn chuyên nghiệp, muốn thi đấu và trở thành huấn luyện viên bóng bàn” - Trâm Anh cho biết.
Riêng cậu con trai của ông - Trần Anh Nguyên cũng làm quen với bóng bàn từ rất sớm, năm nay chỉ 8 tuổi nhưng đã nhiều lần tham dự và giành được thành tích từ các giải bóng bàn Đà Lạt và của tỉnh hằng năm. Năm ngoái Anh Nguyên giành được Huy chương Đồng nội dung đồng đội nam Giải Bóng bàn trẻ thiếu niên nhi đồng toàn quốc, còn trong Giải Bóng bàn thành phố Đà Lạt trong năm nay, Anh Nguyên khi chung bảng với các tay vợt lớn tuổi nhưng đã giành được Huy chương Đồng đơn nam B. “Sau này cháu sẽ thi đấu bóng bàn như chị” - anh Nguyên tự tin.
Trong Giải Bóng bàn Lâm Đồng 2020 của tỉnh đầu tháng 8 vừa qua, trong khi Trâm Anh giành được 2 huy chương từ giải vô địch tỉnh thì ông Kiệt trong giải trung cao tuổi cũng giành được 2 huy chương cho mình, gồm: 1 Huy chương Vàng cho nội dung đánh đơn nam từ 45 - 54 tuổi và 1 Huy chương Vàng nội dung đánh đôi nam nữ 45 tuổi trở lên. “Tôi chỉ mong 2 con tìm thấy niềm vui và sức khỏe từ thể thao là tôi vui rồi” - ông Kiệt chia sẻ.
GIA KHÁNH