Thể thao châu Âu từng bước đưa khán giả trở lại sân

05:09, 24/09/2020

Dù đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 vừa lại bùng lên ở châu Âu sau một thời gian tạm lắng, nhưng các giải thể thao châu Âu vẫn đang từng bước đưa khán giả trở lại sân như là một nỗ lực để phần nào bình thường hóa cuộc sống khi dịch bệnh còn hoành hành. 

Dù đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 vừa lại bùng lên ở châu Âu sau một thời gian tạm lắng, nhưng các giải thể thao châu Âu vẫn đang từng bước đưa khán giả trở lại sân như là một nỗ lực để phần nào bình thường hóa cuộc sống khi dịch bệnh còn hoành hành. 
 
Khán giả đã đến sân trở lại tại một trận đấu của đội Borussia Dormund trong đầu mùa giải mới
Khán giả đã đến sân trở lại tại một trận đấu của đội Borussia Dormund trong đầu mùa giải mới
 
Nước Đức tiên phong  
 
Sẽ không khỏi ngạc nhiên cho nhiều người khi bật truyền hình xem các trận đấu mùa bóng mới của giải vô địch quốc gia Đức - Bundesliga vừa xuất phát trong tuần vừa rồi. 
 
Do tác động của đại dịch COVID-19, mùa giải của Bundesliga năm nay đã bắt đầu từ 18/9 và dự kiến kết thúc vào 22/5/2021, chậm hơn nhiều so với lịch đấu đưa ra trước đó. Tổng cộng có 18 đội tranh tài, đây là một giải đấu đầy sôi động với lượng khán giả đến sân rất đông ở châu Âu, rất đáng được xem không kém gì Ngoại hạng Anh, mặc dù tính cạnh tranh của giải đấu này chưa cao so với bóng đá xứ sương mù.  
 
Điều ngạc nhiên ở mùa giải mới này chính là việc khán giả đã được phép bắt đầu trở lại sân ngay từ đầu. Thay vào cái cảnh treo băng rôn hay để hình ảnh khán giả lấp các hàng ghế cùng tiếng reo hò phát ra từ loa tạo không khí cho cầu thủ thi đấu thì nay với việc khán giả đến sân từ đầu, dù còn rất ít và thưa thớt, có giá trị hơn rất nhiều trong việc động viên cho cầu thủ. 
 
Có thể thấy rằng nước Đức với Bundesliga đã đi trước một bước ở châu Âu trong việc mở cửa trở lại các sân vận động để khán giả vào sân ngay từ vòng đầu mùa giải năm nay, trong khi các giải bóng đá khác vẫn còn lưỡng lự.
 
Cũng chính Đức là quốc gia tiên phong cho phép bóng đá trở lại sớm nhất trong mùa giải vừa qua trong thời điểm đại dịch đang diễn biến phức tạp khắp thế giới. Tất cả là nhờ sự kiểm soát tốt dịch bệnh của nước này, đi cùng một hệ thống y tế vào hàng dẫn đầu ở châu Âu.
 
Tất nhiên, việc mở cửa này vẫn phải đảm bảo những yêu cầu nhất định cho công tác phòng dịch. Theo qui định, chỉ có các khán giả nhà mới được phép hiện diện trên các khán đài của 18 sân bóng tại Bundesliga mùa này, và họ chỉ được sử dụng hàng ghế ngồi và giữ khoảng cách xã hội theo qui định, các sân bóng không sử dụng các khán đài đứng. Các cổ động viên có mặt tại sân cũng phải cung cấp thông tin cá nhân khi mua vé nhằm giúp các cơ quan y tế có giải pháp kiểm soát trong trường hợp phát hiện có ca nhiễm COVID-19 mới nào xuất hiện.  
 
Cùng đó, các đội bóng cũng phải đưa ra các giải pháp phòng dịch đảm bảo an toàn cho cầu thủ và khán giả trong các trận đấu của mình, trong đó có việc khử trùng quanh lối đi đến sân cũng như bên trong sân bóng. Những giải pháp phòng dịch đưa ra này phải được cơ quan y tế địa phương phê duyệt trước khi các đội được phép đón khán giả đến sân. Tùy theo độ lớn của sân để chính quyền có thể quyết định số lượng khán giả đến sân, tối đa chỉ khoảng 20% sức chứa và cũng tùy theo từng địa phương. Các địa phương sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh nơi đó để cho phép Ban tổ chức đưa một lượng khán giả phù hợp vào sân.
 
Có thể thấy, các quyết định trên không chỉ là nỗ lực của Đức trong việc bình thường hóa cuộc sống trở lại mà đây cũng là một phần trong việc cứu vãn “hầu bao” cho các đội bóng có thể sống sót trong những ngày tháng dịch bệnh đe dọa. Chẳng hạn như với Dortmund, đội bóng này có một sân bóng rất lớn với hơn 81 nghìn chỗ ngồi; mỗi trận đấu nơi đây khán giả thường lấp đầy sân. Khi đại dịch đến, cứ mỗi trận thi đấu trên sân trống không có khán giả mua vé vào sân, đội bóng này thiệt hại khoảng 4 triệu Euro. Tất nhiên, các đội bóng nhỏ có sân nhỏ hơn sẽ có mức thiệt hại nhỏ hơn, nhưng rõ ràng dù lớn hay nhỏ, nếu thiếu nguồn thu bán vé này về lâu dài, sẽ khiến tất cả các đội bóng kiệt quệ về mặt tài chính.
 
Vẫn còn sớm để có thể nói về ngày Bundesliga chật kín khán đài trở lại như trước thời điểm đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với việc thí điểm mở cửa trở lại này, các giải bóng đá lớn của châu Âu đang nhìn vào Bundesliga học hỏi để có bước đi phù hợp cho mình. Như Ngoại hạng Anh chẳng hạn, Ban tổ chức giải đấu này cũng đã lên kế hoạch cho khán giả đến sân trở lại trong tháng 10 và rõ ràng Bundesliga sẽ là một ví dụ cụ thể để họ có thể tham khảo.
 
Đến lượt Grand Slam
 
Và đến lượt quần vợt, giải Roland Garros trên sân đất nện - Grand Slam thứ hai trong năm của làng quần vợt thế giới tại Pháp do dịch bệnh nên dời lại, sẽ diễn ra trong cuối tuần này với sự hiện diện của khán giả trên sân.
 
Theo lịch trình, Roland Garros hằng năm đã phải diễn ra từ cuối tháng 5 và kết thúc trong khoảng đầu tháng 6, tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 nên giải đấu này lần đầu tiên trong lịch sử, đã phải dời đến tháng 9. Theo lịch dự kiến, các trận đấu chính bắt đầu từ ngày 20/9 và kéo dài đến ngày 4/10; tuy nhiên, sau đó, Ban tổ chức giải đấu này đã phải lùi lại thêm 1 tuần, chủ nhật 27/9 cuối tuần này mới diễn ra các trận đấu chính và kéo dài đến ngày 11/10, cách đúng 2 tuần sau khi giải Quần vợt Mỹ mở rộng - US Open, kết thúc. 
 
Nhưng khác với US Open tại New Yorrk phải thi đấu trong sân đóng kín cửa thì Roland Garros tại Paris lần này sẽ mở cửa cho người xem vào sân dự khán. 
 
Trong ngày 7/9 vừa qua, Ban tổ chức giải đấu này đã thông báo 3 sân chính của tổ hợp Roland Garros sẽ được phép đưa khán giả vào dự khán với tổng cộng số người vào sân nhiều nhất là 11,5 nghìn người, trong đó 2 sân gồm sân Philippe Chatrier và sân Suzanne Lenglen mỗi sân được phép chứa 5 nghìn người, còn sân Simonne Mathieu nhỏ hơn chỉ cho phép cho 1.500 người vào. Toàn bộ các sân còn lại không được phép cho người vào, kể cả trong thời gian đấu loại và đấu chính.
 
Và cũng tương tự như tại các sân bóng tại Đức, Ban tổ chức Roland Garros đã đưa ra các quy tắc kiểm soát chặt chẽ, nhằm tạo sự an toàn cho các tay vợt lẫn người xem. Khán giả vào sân phải tuân thủ các chỉ dẫn của Ban tổ chức, trong đó có yêu cầu đảm bảo giữ khoảng cách xã hội. Với các tay vợt và các thành viên huấn luyện đi cùng, Ban tổ chức sẽ tiến hành việc kiểm tra virus khi họ đến Paris và 72 giờ sau sẽ được kiểm tra lại. Toàn bộ VĐV tham gia giải sau khi hoàn tất việc kiểm tra virus sẽ được tập trung ở riêng tại 2 khách sạn do Ban tổ chức bố trí. 
Tuy nhiên, vào ngày 17/9 gần đây, do tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại với lượng ca nhiễm gia tăng tại Pháp, Ban tổ chức Roland Garros đã buộc phải điều chỉnh số lượng khán giả vào sân từ 11,5 nghìn người như lúc đầu nay chỉ còn 5 nghìn người cho tổng cộng cả 3 sân mỗi ngày.
 
GIA KHÁNH