Việc hoàn thành Nhà thi đấu đa năng huyện trong cuối năm nay với 4 sân cầu lông bên trong, sẽ tạo thêm sân chơi để phong trào cầu lông Di Linh phát triển.
Việc hoàn thành Nhà thi đấu đa năng huyện trong cuối năm nay với 4 sân cầu lông bên trong, sẽ tạo thêm sân chơi để phong trào cầu lông Di Linh phát triển.
|
Các thành viên trong CLB Cầu lông Di Linh tham gia giải Trung cao tuổi toàn tỉnh Lâm Đồng năm 2020 vừa qua tại Đà Lạt |
Những người đam mê cầu lông
Cứ sau mỗi ngày làm việc, đúng 18 giờ 30, các thành viên của CLB Cầu lông Di Linh lại tập trung tại sân cầu lông Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Di Linh để cùng nhau thi đấu. Từ nhiều năm nay, nơi đây đã trở thành một điểm hẹn quen thuộc của những người đam mê cầu lông ở Di Linh.
Một trong những thành viên tích cực của CLB, ông Lâm Trọng Tường, 52 tuổi, người thị trấn Di Linh, chia sẻ với chúng tôi rằng, ông đã chơi cầu lông trên 10 năm nay. Ông đến với cầu lông như một sự tình cờ. Là họa sỹ chuyên vẽ quảng cáo, phải ngồi làm việc nhiều giờ trước máy tính, ông thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt. Bác sĩ khuyên ông nên tìm một môn thể thao phù hợp lứa tuổi để vận động, nâng cao sức khỏe. Khi ông Tường thử tìm đến sân tập luyện tại Trung tâm thể thao, được giới thiệu, ông tập cầu lông và rồi “dính” với môn thể thao này luôn.
Ông Tường bảo ngày trẻ, ông cũng đã từng chơi một vài môn thể thao khác, nhất là bóng đá, nhưng bóng đá phù hợp cho lớp trẻ, còn với lứa tuổi này ông cho rằng, cầu lông là môn thể thao phù hợp nhất đối với mình, vừa rèn luyện nâng cao sức khỏe, vừa dễ chơi và cũng vừa sức. “Từ ngày chơi cầu lông, sức khỏe tôi tốt lên hẳn, hầu như chẳng bệnh lặt vặt gì” - ông cười. Nhưng cái được nhất với ông Tường chính là không khí CLB gắn kết như một gia đình. “Vài ngày bận không lên tập, không gặp được mọi người thì lại nhớ, thế là phải thu xếp vác vợt đến thôi”- ông nói.
Một trong những thành viên tích cực khác của CLB chính là anh Trần Quốc Lộc. Anh Lộc người thị trấn Di Linh, năm nay 36 tuổi, mới chơi cầu lông chỉ 6 năm nhưng là một thành viên nòng cốt với nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của CLB Cầu lông Di Linh những năm gần đây.
Anh Lộc cho biết, anh mê cầu lông từ nhỏ nên ngoài công việc nhiếp ảnh của mình, anh còn dành nhiều thời gian “đầu tư” cho cầu lông. “Đầu tư cho thể thao là đầu tư cho sức khỏe. Tham gia CLB rất vui, mọi người nơi đây gắn bó với nhau nên tôi rất quý CLB, mong muốn CLB và phong trào cầu lông ngày càng phát triển ở Di Linh”- anh Lộc suy nghĩ.
Từ mong muốn này, anh Lộc không chỉ nỗ lực tập luyện để mang về thành tích cho CLB khi có dịp mà anh còn tích cực tìm kiếm, mời những tay vợt chuyên nghiệp có trình độ về huấn luyện cho mọi người trong CLB nâng cao kỹ năng thi đấu. Bằng sự nhiệt tình và năng động của mình, anh cùng với Ban Chủ nhiệm CLB tổ chức các chuyến giao lưu đến với các CLB khác trong tỉnh, mời các CLB này về giao lưu cùng những thành viên trong CLB trên sân nhà, vận động mọi người trong CLB khi có điều kiện nên tham gia giải huyện, giải tỉnh “Để ra ngoài coi người ta thi đấu ra sao mà học hỏi nữa” - anh cười.
Để cầu lông Di Linh phát triển
Theo ông Võ Văn Tiến, 54 tuổi - Phó Chủ nhiệm, CLB Cầu Lông Di Linh thành lập từ năm 2007, ban đầu chỉ có 8 thành viên, tất cả đều là những người có chung niềm đam mê cầu lông. Ngày đó, ông cho biết điều kiện tập luyện của CLB còn rất hạn chế, phải chơi ngoài trời, ngày mưa ngày gió không chơi được, sau đó mới mượn được mặt bằng trong nhà tiền chế của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện để có chỗ thi đấu. Từ 8 thành viên ban đầu, đến nay CLB đã tăng lên 55 thành viên, đa phần đều ở lứa tuổi trung niên, từ 30 tuổi trở lên, thành viên lớn tuổi nhất cũng hơn 74 tuổi.
Ông Tiến cho biết, để có được sân tập như hôm nay là nhờ vào sự đóng góp của rất nhiều thành viên trong CLB. Ngày mới chuyển vào đây, sân sơ sài không có gì, mọi người cùng chung tay sửa sang lại, góp tiền mua lưới, mua thảm tập, người góp công sơn lại tường, căng dây, vẽ sân. Mỗi thành viên đều gửi gắm tình cảm của mình vào sân chơi này, thế nên ai cũng đều gắn bó với nơi này.
Đông người nhưng chỉ có 2 sân thế nên theo ông Tiến, CLB phải chia làm 4 ca, ca đầu từ 5 giờ - 7 giờ, ca thứ 2 từ 16 giờ đến 18 giờ 30, rồi từ 18 giờ 30 đến 20 giờ 30, ca từ 20 giờ 30 trở đi là lớp nâng cao, ai có thời gian rảnh lúc nào thì đăng ký theo ca tập của mình.
“Tuy điều kiện sân bãi hạn chế nhưng tinh thần thể thao, đoàn kết của các thành viên trong CLB phải nói rất cao. Bởi có những lúc người chơi đến đông, sân nhỏ không đủ chơi, mọi người tự nhường nhau, người đến trước lại nhường cho người đến sau, người trẻ thì nhường cho người lớn tuổi chơi trước, ai cũng đều vui vẻ” - ông Tiến cho biết.
Theo ông Tiến, những năm gần đây, bên cạnh sinh hoạt thể thao, CLB còn đứng ra tổ chức các hoạt động xã hội, làm từ thiện, giúp đỡ các thành viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ việc làm. Các thành viên CLB cũng gặt hái được nhiều thành tích, giành được nhiều huy chương trong các giải cấp huyện, cấp tỉnh.
Để nâng cao chuyên môn cho các thành viên, giúp phát triển phong trào cầu lông ở huyện ông Tiến cho biết, trong thời gian đến, vẫn tiếp tục mời HLV về giúp các thành viên trong đội nâng cao kỹ thuật thi đấu, đồng thời tổ chức các hoạt động giao lưu cũng như vận động thành viên tiếp tục tham gia giải huyện, giải tỉnh hằng năm. Trong câu chuyện, ông Tiến luôn mong muốn CLB và phong trào địa phương ngày càng phát triển, có thêm người chơi, nhất là các em học sinh lứa tuổi thiếu nhi, thiếu niên để có lớp lớn tuổi cùng lớp trẻ, phát triển bền vững hơn. “Hi vọng thời gian tới, Di Linh sẽ trở thành một trong những địa phương có phong trào cầu lông mạnh của Lâm Đồng”- ông nói.
Theo ông Lê Hùng Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Di Linh, phong trào cầu lông đang phát triển nhanh tại thị trấn Di Linh và các xã vùng ven những năm gần đây. Về phía huyện, những năm vừa qua Di Linh cũng đã tổ chức giải cầu lông cấp huyện để khuyến khích phong trào phát triển; địa phương cũng sẵn sàng hỗ trợ cho các VĐV cầu lông khi đại diện cho huyện tham gia giải tỉnh hằng năm.
Tuy nhiên, như ông Cường cho biết, điểm hạn chế là trên địa bàn Di Linh hiện chưa có nhiều các sân thi đấu trong nhà cho bộ môn cầu lông. “Do mùa mưa kéo dài, sân ngoài trời rất khó chơi, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cầu lông lâu nay chưa phát triển rộng ở các xã” - ông Cường nói. Điều này theo ông Cường sẽ được khắc phục khi Nhà thi đấu đa năng của huyện (trị giá khoảng 20 tỷ đồng, được khởi công từ cuối năm 2018) hoàn thành đưa vào sử dụng trong cuối năm nay, trong đó huyện sẽ bố trí nơi đây 4 sân cầu lông bên trong. “Với 4 sân mới này cộng với 2 sân hiện nay, hy vọng đủ chỗ cho người chơi để đưa cầu lông Di Linh lên bước phát triển mới” - ông Cường khẳng định.
VIẾT TRỌNG - NHẬT QUỲNH