Đúng ra là tổ chức từ tháng 6 đến tháng 7/2020 nhưng đại dịch COVID-19 đã làm mọi thứ đình trệ; liệu trong năm nay EURO 2020 có diễn ra được hay không sau 1 năm hoãn lại?
Đúng ra là tổ chức từ tháng 6 đến tháng 7/2020 nhưng đại dịch COVID-19 đã làm mọi thứ đình trệ; liệu trong năm nay EURO 2020 có diễn ra được hay không sau 1 năm hoãn lại?
Sân vận động Olimpico, Roma - Italia, sức chứa 72.698 người, nơi dự kiến diễn ra trận khai mạc UEFA Euro 2020 |
60 năm cho một giải đấu
Có thể nói 2020 là một năm buồn với thể thao thế giới. Vì là năm chẵn nên rất nhiều sự kiện thể thao lớn của thế giới diễn ra trong năm này, chẳng hạn như Vòng chung kết Euro 2020, như Copa America 2020, như Olympic Tokyo 2020... Nhưng rồi tất cả đều phải hoãn lại vì cơn sóng dữ của đại dịch COVID-19 ập đến, cả thế giới ngừng trệ chứ đâu riêng gì thể thao.
Riêng Vòng chung kết Euro 2020, đây là một sự kiện lớn nên Liên đoàn Bóng đá châu Âu - UEFA đã lên lịch từ rất lâu trước đó nhằm kỷ niệm 60 năm giải đấu ra đời. Đây sẽ là một ngày hội châu lục, một cuộc trình diễn bóng đá huy hoàng trên khắp sân cỏ các quốc gia châu Âu trong mùa hè, chính xác là sẽ có các trận đấu bóng đá diễn ra trên 12 thành phố khác nhau trong thời gian từ 12/6 đến 12/7/2020. Tuy nhiên, ngay trong đầu năm 2020, khi mọi thứ đã sẵn sàng thì dịch bệnh hung hãn ập đến, Ban tổ chức buộc phải ngừng lại và quyết định hoãn đến mùa hè năm sau. Dù hoãn và tổ chức lại trong năm 2021 này nhưng giải đấu vẫn cứ mang tên là UEFA Euro 2020.
Theo lịch trình dự kiến, Euro 2020 diễn ra cũng trong mùa hè năm 2021 này, từ 11/6 đến 11/7/2021. Các trận đấu của giải vẫn theo lịch trước đó, diễn ra trên 12 sân vận động đã xác định gồm sân Olympic tại thành phố Baku - Azerbaijan; sân Parken, thành phố Copengagen -Đan Mạch; sân Wembley, thành phố London - Anh; sân Allianz Arena, thành phố Munich - Đức; sân Puskas Arena, thành phố Budapest - Hungary; sân Olimpico, thành phố Roma - Ý; sân Johan Cruyff Arena, thành phố Amsterdam - Hà Lan; sân Aviva, thành phố Dublin - Cộng hòa Ireland; sân Arena Nationala, thành phố Bucharest - Romania; sân Krestovsky, thành phố Saint Peterburg - Nga; sân Hampden Park, thành phố Glasgow - Scotland; sân San Mames, thành phố Billbao - Tây Ban Nha.
Có thể thấy các sân cỏ được đăng cai các trận đấu này trải dài từ Đông Âu sang Tây Âu, từ Nam Âu sang Bắc Âu. Đây là những sân được chọn một cách cẩn thận thông qua đấu thầu công khai của UEFA. Không chỉ là bóng đá, đây là cơ hội cho một châu Âu đến gần với nhau hơn, còn du khách khi đến đây xem bóng đá có thể xuyên suốt qua các vùng miền của Lục địa già này với những đặc trưng văn hóa khác nhau. Sân Olimpico, thành phố Roma - Ý sẽ là nơi tổ chức lễ khai mạc giải với trận chủ nhà Ý ra quân gặp Thổ Nhĩ Kỳ, còn sân Wembley, thành phố London - Anh với sức chứa rất lớn, đến 90 nghìn người của mình sẽ là nơi diễn ra trận chung kết.
Tuy nhiên, mỗi sân dịp này chỉ được đăng cai gói mình trúng thầu, nghĩa là có sân chỉ trúng thầu cho vòng bảng, có sân được tổ chức vòng 1/16, có sân cho tứ kết, cho bán kết, cho chung kết. Chẳng hạn Wembley, sân cỏ tại thủ đô London của Anh được tổ chức đến 7 trận đấu, trong đó có các trận bán kết và chung kết do thắng thầu, nhưng sân này còn tổ chức thêm các trận đấu vòng loại và vòng 1/16, do sân Euro tại Brussels, Bỉ chuyển sang bởi quốc gia này trì hoãn việc xây dựng sân Euro, nên Ban tổ chức quyết định đưa các trận đấu này về cho sân Wembley luôn.
Cũng nói thêm một chút theo lịch cũ là như vậy, nhưng gần đây, Ban tổ chức giải đã có thông tin rằng có thể thay đổi lịch thi đấu của các sân và có thể giảm số sân thi đấu xuống khi giải diễn ra, tùy theo tình hình dịch bệnh COVID-19 kiểm soát ra sao trên từng quốc gia.
Liệu có diễn ra trong mùa hè năm nay?
Tổng cộng có 24 đội tranh tài tại Euro 2020, chia thành 6 bảng, mỗi bảng có 4 đội.
Tại Bảng A, 4 đội trong bảng gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Wale và Thụy Sỹ; trong Bảng B gồm Đan Mạch, Phần Lan, Bỉ và Nga; Bảng C có Hà Lan, Ukraina, Áo và Bắc Macedonia; Bảng D có Anh, Croatia, Scotland, Cộng hòa Czech; Bảng E gồm Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ba Lan và Slovakia; Bảng F có Hungary, Bồ Đào Nha, Pháp và Đức.
Cũng cần biết rằng, trước đây các vòng chung kết Euro (vốn diễn ra 4 năm 1 lần) chỉ có 16 đội tuyển quốc gia tranh tài với 31 trận đấu, mãi cho đến Vòng chung kết UEFA Euro 2016 tại Pháp, Liên đoàn Bóng đá châu Âu mới mở rộng đến 24 đội với tổng cộng 51 trận đấu, Euro 2020 lần này vẫn tiếp tục có 24 đội trong vòng chung kết.
Để có mặt trong vòng chung kết này, tất cả 55 thành viên của Liên đoàn Bóng đá châu Âu bao gồm cả 12 đội tuyển quốc gia chủ nhà của 6 bảng đấu đều phải tham gia vòng loại để chọn 24 đội vào vòng chung kết. May mắn là vòng loại Euro 2020 diễn ra trong năm 2019 khi dịch bệnh chưa đến châu Âu nên khá suôn sẻ. Tính cho đến giữa tháng 11/2019 đã có 20 đội giành quyền vào vòng chung kết; 4 suất còn lại phải đến giữa tháng 11 năm 2020 này mới quyết định được, 4 đội này là Hungary, Scotland, Bắc Macedonia và Slovakia, trong đó riêng Bắc Macedonia lần đầu tiên tham dự Euro.
Để khuyến khích các đội thi đấu, Ban tổ chức phân phối tiền thưởng tùy vào thành tích của từng đội trong vòng chung kết. Toàn bộ 24 đội khi lọt vào vòng chung kết được Ban tổ chức trao 9,25 triệu Euro thưởng như là phần “tạm ứng” để xuất phát. Mỗi trận đấu trong vòng bảng đội thắng được nhận 1,5 triệu Euro, hòa thì mỗi đội nhận 750 nghìn Euro, thua thì chẳng xu nào. Khi vào vòng 1/16 thì cả 16 đội mỗi đội được thưởng 2 triệu Euro; vào đến vòng tứ kết 8 đội, mỗi đội nhận thêm 3,25 triệu Euro; đến vòng bán kết 4 đội, mỗi đội nhận thưởng 5 triệu Euro; thắng trận chung kết đội thắng có tấm ngân phiếu 10 triệu Euro, còn đội thua chung kết cũng được 7 triệu Euro. Tính tổng cộng đội vô địch sẽ nhận được khoảng 34 triệu Euro. Trong năm nay, đội vô địch Euro 2016 Bồ Đào Nha liệu có bảo vệ được danh hiệu đương kim vô địch của mình hay không, hay nhà vô địch sẽ là một khuôn mặt khác?
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là mức thưởng trên được đưa ra từ năm 2018, khi mọi thứ an bình, khán giả đến sân bình thường. Còn hiện nay qua gần 1 năm bùng phát, COVID-19 đang quay trở lại tại nhiều nước châu Âu với những chủng virus biến thể nguy hiểm hơn nhiều. Nhiều quốc gia đã phải vất vả phong tỏa cục bộ trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh khi nền kinh tế đang đình trệ và sa sút trầm trọng, cho nên mức thưởng có duy trì được như thế hay không cũng là một vấn đề.
Cũng cần biết rằng nhiều giải bóng đá các quốc gia hàng đầu châu Âu hiện nay như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý đang vật vã với khó khăn, dù đã lên lịch trước đó nhưng vẫn chưa dám đưa khán giả trở lại sân để tăng thêm nguồn thu tiền vé vào sân cho mình. Mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực từ các hãng dược phẩm trong những tháng đầu năm nay khi lần lượt các loại vaccine ra đời, tuy nhiên cũng chưa biết tốc độ sản xuất và tiêm phòng vaccine của châu Âu ra sao để nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại bình thường và lúc đó mới hy vọng Euro 2020 diễn ra được.
GIA KHÁNH