Australian Open 2021: Khi ''người cũ'' lên ngôi

06:02, 25/02/2021

Đã không có một ngạc nhiên nào, một khuôn mặt mới nào đăng quang ở giải quần vợt Australian Open 2021 - giải Grand Slam đầu tiên trong năm...

Đã không có một ngạc nhiên nào, một khuôn mặt mới nào đăng quang ở giải quần vợt Australian Open 2021 - giải Grand Slam đầu tiên trong năm. Chỉ có một điều mang lại niềm hy vọng cho mọi người khắp nơi trên thế giới rằng khán giả đã từng bước được phép trở lại sân bất chấp dịch bệnh đang hoành hành.
 
Naomi Osaka trên bục nhận Cúp vô địch Australian Open 2021. Ảnh: Internet
Naomi Osaka trên bục nhận Cúp vô địch Australian Open 2021. Ảnh: Internet
 
Thời của Naomi Osaka? 
 
Khi tay vợt nữ 23 tuổi người Nhật Naomi Osaka (cha là người Haiti, mẹ người Nhật, lấy họ mẹ và quốc tịch Nhật, sinh sống tại Mỹ) vươn cao chiếc cúp vô địch đơn nữ để đăng quang Australian Open 2021 sau trận chung kết thắng nhẹ nhàng bằng tỷ số 6-4, 6-3 trước tay vợt Mỹ Jennifer Brady lớn hơn mình 2 tuổi, nhiều người đã đồng ý rằng có lẽ thời của Naomi Osaka rồi cũng đã đến. 
 
Đây đã là lần thứ tư tay vợt trẻ này đăng quang tại Grand Slam. Năm 2018, cô như một ngôi sao vụt sáng để giành cúp vô địch tại giải quần vợt Mỹ mở rộng US Open 2018; năm 2019 giành thêm chức vô địch Australian Open 2019; năm 2020 trong cơn bão dữ của đại dịch COVID-19, cô vẫn giành được vô địch US Open và năm nay lại là Australian Open lần thứ 2. Đã có 4 danh hiệu Grand Slam khi cô mới chỉ 23 tuổi!
 
Trên đường đến với chức vô địch năm nay, Naoomi Osaka - hạt giống thứ 3 tại giải năm nay đã phải vượt qua rất nhiều đối thủ rất mạnh. Đáng kể nhất trong đó là trận bán kết gặp tay vợt đàn chị người Mỹ Serena Williams, một đối thủ ngang tầm ngang sức của mình. Trận đấu này được coi là một trận chung kết sớm của nội dung đơn nữ vì cả 2 đều thi đấu rất ấn tượng trong giải cho đến thời điểm đó. Cả hai đều có lối đánh gần như nhau, thiên về sức mạnh, đôi công tốt, áp đảo đối thủ bằng những cú giao bóng sấm chớp. Một thống kê gần đây cho biết, cũng như Serena Williams thời đỉnh cao, tay vợt Naomi Osaka có những cú giao bóng đạt tốc độ kinh hoàng với trên 200 km/giờ!
 
Thật ra, “cô bé” Naomi Osaka này sẽ chẳng là gì khi đối mặt với Serena Williams trong thời huy hoàng của mình. Cho đến nay Serena Williams vẫn là một tượng đài vào hàng huyền thoại của làng quần vợt nữ thế giới với 23 danh hiêu Grand Slam, một kỷ lục rất khó có người vượt qua được. Nhưng nay Serena đã 39 tuổi, lập gia đình và có con, nghỉ rồi trở lại. Tại giải, với giới hạn tuổi tác của mình Serena vào đến bán kết đã là một nỗ lực rất lớn của tay vợt này. Biết đâu nếu không gặp Naomi Osaka trong trận bán kết này mà gặp một tay vợt dễ chịu hơn thì Serena Williams đã có thể tiến sâu hơn thì sao? 
 
Và như thế, đã có thể nói đến một sự chuyển giao thế hệ từ Serena Williams sang Naomi Osaka thay nhau thống trị làng quần vợt nữ được hay chưa? Đây vẫn là một câu hỏi tùy thuộc vào chính phong độ của Naomi Osaka trong thời gian đến, đặc biệt là tay vợt này phải chứng minh được khả năng của mình trên những mặt sân không phải là sân cứng như sân cỏ của Wimbledon, sân đất nện của Roland Garros chẳng hạn.
 
Cần biết rằng, so với sự ổn định của quần vợt nam thế giới thì các ngôi sao quần vợt nữ rất nhanh thay đổi. Kể từ khi Serena Williams vắng bóng thì quần vợt nữ liên tục đổi ngôi, có những ngôi sao vụt chói sáng tại một Grand Slam nào đó rồi sau đó lặn mất tăm. Với một Naomi Osaka mới 23 tuổi mà đã giành 4 danh hiệu Grand Slam và tổng tiền thưởng đến nay đã lên đến gần 20 triệu USD, hy vọng mọi sự sẽ tiếp tục tốt đẹp với tay vợt này.
 
Novak Djokovic vẫn là một cỗ máy chiến thắng. Ảnh: Internet
Novak Djokovic vẫn là một cỗ máy chiến thắng. Ảnh: Internet
 
Người “muôn năm cũ” 
 
Xin mượn chữ trong khổ thơ “Ông Đồ” nổi tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên để nói về sự tiếp tục lên ngôi vô địch của một “khuôn mặt cũ” trong nội dung đơn nam tại giải Australian Open 2021 năm nay, đó chính là Novak Djokovic.
 
Có thể nói với những gì thể hiện tại Úc năm nay, tay vợt 33 tuổi người Serbia này vẫn chứng tỏ luôn là một ứng viên hàng đầu cho bất kỳ một giải đấu nào mà anh có mặt. Sự cố Djokovic bị loại khỏi US Open trong năm 2020 trước đó dường như chỉ là một “tai nạn nghề nghiệp”, một việc đáng ra không nên có với một tay vợt danh tiếng như anh vì lỗi sơ đẳng sơ ý đánh bóng trúng trọng tài. Tại giải đấu này, được xếp là hạt giống số 1, Novak Djokovich lại như một cỗ máy, bền bỉ, chắc chắn, công thủ toàn diện như mọi khi, điềm tĩnh vượt qua tất cả các đối thủ để vào thẳng trận chung kết gặp Daniil Medvedev người Nga, một tay vợt trẻ năm nay mới 25 tuổi. 
 
Không có một chút bất ngờ nào diễn ra trong trận chung kết này. Sau một hiệp đầu có vẻ ngang ngửa với tỷ số 7-5, Daniil Medvedev đã nhanh chóng bị Djokovic khuất phục bằng 2 hiệp đấu với tỷ số 6-2, 6-2 và giành quyền bước lên bục giành danh hiệu Australian Open lần thứ 9 của mình. Đây cũng là danh hiệu Grand Slam thứ 18 trong sự nghiệp của anh cho đến nay.
 
Rõ ràng làng quần vợt nam thế giới vẫn chưa thấy sự lật đổ, đổi ngôi giữa lớp trẻ và nhóm các tay vợt “lão làng” thuộc nhóm bộ ba “Big three” gồm Novak Djokovic, Rafael Nadal (người Tây Ban Nha) và Roger Federer (người Thụy Sỹ) vốn liên tục dẫn đầu trong nhiều năm nay. Tại giải Úc mở rộng năm nay, cả Djokovic và Nadal đều có mặt, chỉ riêng Federer không dự giải. Còn với các tay vợt trẻ, nổi bật nhất hiện nay có thể kể đến như Dominic Thiem (người Áo), Daniil Medvedev (người Nga), Stefanos Tsitsipas (người Hy Lap), Alexande Zverev (người Đức); lần lượt họ cũng vào rất sâu trong giải, trong đó Tsitsipas đã loại được Nadal trong trận tứ kết còn Medvedev vào đến tận chung kết. Nhưng đó là tất cả những gì các tay vợt trẻ này làm được. 
 
Cũng nói thêm một chút về nhóm “Big three” này. Thống kê cho biết trong 8 năm, từ năm 1990 đến 1998, có đến 16 tay vợt nam khác nhau giành chức vô địch Grand Slam; 6 người trong số này giành danh hiệu lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong sự nghiệp của mình. Và rồi mọi chuyện đã khác từ khi nhóm bốn người “ Big four” xuất hiện gồm Federer, Djokovic, Nadal và Andy Murray (người Anh). Hầu như khi nhóm bộ 4 này có mặt họ đều áp đảo. Andy Murray bị chấn thương dai dẳng sau đó, dần bỏ cuộc chơi, nhóm “Big four” còn lại 3, thành nhóm “Big three”. Bộ ba của nhóm “Big three” này gồm Federer, Djokovic và Nadal đã thay nhau thống trị làng quần vợt nam thế giới trong suốt một thời gian dài cho đến nay. Trong 70 chức vô địch Grand Slam gần đây, nhóm bộ 3 này bỏ túi 58 danh hiệu cùng giải thưởng đi kèm, trong đó Federer có 20 danh hiệu, Nadal có 20 danh hiệu và Djokovic nay đã có 18 danh hiệu.
 
Hiện Novak Djokovic năm nay 33 tuổi, Rafael Nadal 34 tuổi, còn Federer đã 39 tuổi; trong bộ ba này chỉ riêng Federer thì khó có cơ hội giành thêm danh hiệu Grand Slam nào nữa trong khi Nadal vẫn là vua sân đất nện còn Djokovic như một cỗ máy chiến thắng. Các tay vợt lớp trẻ kế cận phía sau muốn lật đổ sự thống trị của họ cũng quả không dễ chút nào.
 
VIẾT TRỌNG