Một hội thảo về côn pháp Bình Định đã được Phân viện Đà Lạt - Lâm Đồng thuộc Học viện Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam phối hợp với Tạp chí Võ thuật và Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Lâm Đồng tổ chức tại Đà Lạt trong tháng 12/2020 với sự hiện diện của gần 100 võ sư, huấn luyện viên Võ cổ truyền trong khắp cả nước.
Một hội thảo về côn pháp Bình Định đã được Phân viện Đà Lạt - Lâm Đồng thuộc Học viện Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam phối hợp với Tạp chí Võ thuật và Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Lâm Đồng tổ chức tại Đà Lạt trong tháng 12/2020 với sự hiện diện của gần 100 võ sư, huấn luyện viên Võ cổ truyền trong khắp cả nước.
|
Các võ sư và học viên tại cuộc hội thảo, tập huấn |
Thực chiến
“Côn” trong võ học có nghĩa là đoạn cây, cũng có những từ khác để gọi thay như là “bổng”, “gậy” và “roi”. Roi là cách gọi của người Bình Định cho thứ vũ khí này với câu ca dao nổi tiếng: “Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định múa roi đi quyền”!
Gậy gỗ hay roi này được sử dụng từ rất sớm trong lịch sử loài người, được dùng như là một công cụ sản xuất, dùng để tự vệ trước thú dữ và kẻ thù như là vũ khí. Dễ tìm, dễ làm, dễ sử dụng, côn có mặt cùng con người trước khi các loại vũ khí khác ra đời nên được mệnh danh là “bách binh chi tổ” (tổ của các loại binh khí).
Côn trong Võ cổ truyền Việt thường làm bằng các loại tre (rất phổ biến ở các làng quê Việt), song mây hay gỗ cứng có 2 đầu tròn, đường kính bằng nhau. Côn có độ dài khá đa dạng như trường côn - vốn khá dài; tề mi côn - côn ngắn đến ngang chân mày người tập (rất phổ biến với Võ cổ truyền Bình Định với tên gọi là roi chiến); trung côn - côn cao đến nách người tập; đoản côn - khá ngắn, thường dài bằng cánh tay người tập (có thể sử dụng cả 2 đoản côn trên tay để đánh gọi là song côn, hiện nay đoản côn được dùng rất phổ thông với tên gọi dùi cui). Ngoài ra, còn có tiểu đoản côn, quải, côn nhiều khúc (côn nhị khúc, côn tam khúc…). Dù khác nhau tên gọi nhưng về cơ bản, kỹ thuật đánh của các loại hình côn này khá gần giống nhau.
Nét độc đáo nhất của Võ cổ truyền Việt Nam, trong đó có côn pháp, cụ thể là côn pháp Võ cổ truyền Bình Định, theo võ sư Huỳnh Ngọc Bình chính là tính thực chiến của nó.
Sinh năm 1957, người Bình Định, lương y - võ sư Huỳnh Ngọc Bình là một danh sư trong côn pháp của vùng đất võ Bình Định. Ông từng trực tiếp huấn luyện cho rất nhiều thế hệ nơi đây. Võ sư Bình được Phân viện Đà Lạt - Lâm Đồng thuộc Học viện Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam do võ sư Trương Văn Bảo - Phó Viện trưởng Học viện Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam, Phụ trách Phân viện Đà Lạt kiêm Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng mời lên trực tiếp giảng dạy tại hội thảo và lớp tập huấn.
“Binh khí là một phần cánh tay nối dài của con người. Với côn, cần phân biệt giữa côn pháp biểu diễn và côn pháp thực chiến” - võ sư Bình nhấn mạnh.
Côn pháp trong các loại hình biểu diễn, theo võ sư Bình, thường rất đa dạng, phong phú, độ khó cao, chiêu thức hoa mỹ, mang tính nghệ thuật. Tuy nhiên, các bài côn này chỉ để… biểu diễn là chính, nặng tính hình thức, chỉ cốt múa cho đẹp, còn khi áp dụng vào thực tế thì tính chiến đấu không cao. Còn côn pháp Bình Định được tập luyện theo hình thức thực chiến, không hoa mỹ, không hình thức, chiêu thức không nhiều, kỹ thuật sử dụng không quá phức tạp nhưng hiệu quả chiến đấu cực cao.
|
Võ sư Huỳnh Ngọc Bình đang biểu diễn kỹ thuật côn pháp Bình Định cho các học viên |
Những tuyệt kỹ
Theo võ sư Bình, đất võ Bình Định là cái nôi của những tuyệt kỹ sử dụng côn (roi). Đặc điểm của nhiều đòn thế côn Bình Định là công phá cả 2 đầu, luôn đánh theo chiều nghịch, luôn lấy nghịch để chế thuận, làm cho đối phương mất phương hướng rơi vào lúng túng, bất ngờ.
“Côn Bình Định có thể đánh được 2 đầu, cả đầu ngọn và đầu gốc (đốc), đánh rộng, đánh xa cũng được mà đánh chật trong một khoảng không gian hẹp, cận chiến, tiếp cận đối thủ cũng được, chỉ cần uyển chuyển thân pháp trong mọi tình huống, nắm vững kỹ thuật thì côn vô cùng lợi hại” - ông Bình cho biết.
Theo võ sư Bình, kỹ thuật côn yêu cầu người đánh phải biết tuân thủ triệt để phép âm dương ngũ hành cùng năng lực biến hóa của đồ hình bát quái để khai triển đấu pháp và bộ pháp di chuyển. Khi bị tấn công thì không đỡ để thủ thân mà lập tức vung roi áp sát lượn theo chiều côn của địch thủ để công đòn, đồng thời khống chế tầm roi để thực hiện thế “đâm so đũa” - một thế võ bí truyền của Võ Bình Định đến nay chưa có cách hóa giải. Thế võ này là công lực tuyệt kỹ, “xuất quỷ nhập thần” có một không hai của môn binh khí lừng danh đất Việt.
Trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn - Bình Định, kỹ thuật dùng côn - roi chiến là một trong những bí mật của hệ thống huấn luyện ngắn ngày của quân đội Tây Sơn. Những thể thức roi chiến này rất ít động tác, khá đơn giản nhưng được nghiên cứu kỹ, để khi nhập trận là có ngay kết quả với sức xuyên phá khủng khiếp, hiệu quả đánh gần như tuyệt đối. Một đòn roi đánh đúng kỹ thuật luôn mang tính sát thương cực lớn.
Cũng theo võ sư Bình, rất nhiều võ đường tại Bình Định hiện nay vẫn lưu giữ các tuyệt kỹ đánh roi qua nhiều thế hệ, tiêu biểu như 2 vùng đất vang danh “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”. Cùng với tuyệt chiêu “đâm so đũa”, nhiều tuyệt kỹ khác như “Không tiên”, “Lạc côn”, “Roi đánh nghịch”, “Đánh văng roi”, “Phá vây”, “Roi chiến”… vẫn tiếp tục lưu truyền như những báu vật của Võ cổ truyền Bình Định.
Điều đáng mừng hiện nay, theo võ sư Bình, Võ cổ truyền Việt đang phát triển rất mạnh trong nước, được đưa vào trường học, được xây dựng một hệ thống giải đấu trong nước khá hoàn chỉnh hằng năm và đang lan tỏa ra khắp thế giới. Sự ra đời của Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam là một minh chứng.
Tuy nhiên, từng môn phái, võ phái, từng võ đường, Câu lạc bộ Võ cổ truyền hiện nay trong nước như võ sư Trương Văn Bảo nhận xét, vẫn chưa có sự đồng bộ về thuật ngữ, tên gọi, kỹ thuật, phương pháp giảng dạy trong quá trình dạy và học. Chính vì vậy, hội thảo này được Phân viện Đà Lạt tổ chức là một nỗ lực cấp thiết để củng cố, bảo tồn và phát triển nền võ học dân tộc.
Với võ sư Huỳnh Ngọc Bình, hội thảo còn là cơ hội để các võ sư, huấn luyện viên trong nước có dịp tiếp xúc, tìm hiểu trao đổi thêm về nền tảng cơ bản, phần “gốc nhất” của côn pháp Bình Định. “Hiểu và thuộc được phần căn bản này, các môn phái, các môn sinh, võ đường, võ phái có thể phát triển thêm bộ môn, tạo nên bản sắc riêng cho môn phái của mình” - ông nói.
Võ sư Bình cũng mong sẽ có thêm những hội thảo, những cuộc tập huấn như vậy được tổ chức trong nước nhằm phổ biến kiến thức võ học còn ẩn khuất trong dân gian. “Có dịp nên gặp nhau để hiểu nhiều hơn về võ học, hiểu và yêu mến hơn về lịch sử dân tộc để cùng giữ gìn bảo tồn và phát huy những nét đẹp này đến các thế hệ tương lai” - Võ sư Huỳnh Ngọc Bình nói.
VIẾT TRỌNG