Đà Lạt cần được đầu tư cơ sở vật chất cho thể thao

06:03, 18/03/2021

Là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào thể dục thể thao (TDTT) của Lâm Đồng trong nhiều năm nay, nên  Đà Lạt đang rất cần được đầu tư cơ sở vật chất sân bãi để Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thành phố có thể chủ động tổ chức các giải thi đấu hằng năm. 

Là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào thể dục thể thao (TDTT) của Lâm Đồng trong nhiều năm nay, nên  Đà Lạt đang rất cần được đầu tư cơ sở vật chất sân bãi để Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thành phố có thể chủ động tổ chức các giải thi đấu hằng năm.
 
Đào tạo trẻ là thế mạnh của bóng bàn Đà Lạt hiện nay. Trong ảnh: Giải bóng bàn toàn thành phố Đà Lạt năm 2020
Đào tạo trẻ là thế mạnh của bóng bàn Đà Lạt hiện nay. Trong ảnh: Giải bóng bàn toàn thành phố Đà Lạt năm 2020
 
Điểm sáng về xã hội hóa thể thao
 
Là thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng với dân số trên 230 nghìn người, Đà Lạt là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào TDTT tại Lâm Đồng hiện nay, đặc biệt là điểm sáng của tỉnh về công tác xã hội hóa thể thao.
 
Mạnh nhất hiện nay tại Đà Lạt, theo ông Hồ Hữu Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao Đà Lạt, đấy chính là bộ môn bóng bàn. Bộ môn này đang có rất nhiều câu lạc bộ (CLB) xã hội hóa, do tư nhân đầu tư và vận hành rất bài bản. 
 
Không chỉ quy tụ rất đông người đến chơi, tập luyện thường xuyên hằng ngày trong các độ tuổi, điểm nổi bật của những CLB bóng bàn này là công tác đào tạo trẻ - điều mà cho đến nay chỉ một vài địa phương trong tỉnh làm được, trong đó Đà Lạt như là một tấm gương dẫn đầu để các địa phương khác trong tỉnh đi theo. 
 
Điển hình về đào tạo bóng bàn trẻ hiện nay tại Đà Lạt có thể kể đến các CLB như CLB Phù Đổng, CLB Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, CLB Trưng Vương, CLB Trung tâm Huấn luyện Thi đấu TDTT tỉnh, CLB Nguyễn Công Trứ, và gần đây có thêm CLB Trần Quý Cáp. Không chỉ đầu tư rất tốt về cơ sở vật chất, mua sắm bàn bóng mới, trang bị thảm tập, máy bắn bóng hiện đại (đầu tư thấp nhất cho một CLB cũng tốn vài trăm triệu đồng); các CLB này hầu hết đều có huấn luyện viên là những VĐV từng nổi tiếng trong tỉnh đứng ra chiêu sinh và trực tiếp huấn luyện nên thu hút rất đông học viên trong độ tuổi học sinh, từ tiểu học đến trung học cơ sở đến tập luyện hằng ngày. 
 
Điều đáng nói nhất, theo ông Tường, từ một môn thể thao với những người lớn tuổi chơi trước đây thì nay bóng bàn tại Đà Lạt đã thành một bộ môn phổ thông cho cả giới trẻ; trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 người tập luyện thường xuyên bộ môn này chủ yếu trong đó là lớp trẻ. Còn giải Vô địch Bóng bàn thành phố Đà Lạt, hằng năm lượng VĐV tranh tài không kém gì một giải cấp tỉnh. Trong thực tế, hầu như toàn bộ VĐV trong đội tuyển bóng bàn tỉnh hiện nay đều người của Đà Lạt.
 
Cùng với bóng bàn, bóng đá cũng đang phát triển rất mạnh, nhất là bóng đá sân cỏ nhân tạo. “Do đô thị hóa cao, quỹ đất ngày càng eo hẹp, các sân bóng đá 11 người ở các phường xã dần biến mất, toàn thành phố giờ chỉ còn 3 sân nên các sân bóng đá cỏ nhân tạo đang phát triển rất mạnh” - ông Tường cho biết.
 
Hiện Đà Lạt có khoảng 40 sân bóng đá cỏ nhân tạo - chiếm khoảng một nửa số sân cỏ nhân tạo trong tỉnh, hầu hết là do tư nhân tự bỏ tiền túi ra xây dựng để kinh doanh bên cạnh một số sân do cơ quan, trường học xây dựng. Nếu tính chi phí đầu tư mỗi sân chừng 500 triệu đồng thì tổng số tiền đầu tư cho sân cỏ nhân tạo này khoảng 20 tỷ đồng. 
 
Và điều đáng nói, tại các sân này theo ông Tường, hiện có trên 100 đội bóng sinh hoạt hằng ngày, trung bình mỗi đội có trên 10 thành viên chơi bóng sân cỏ nhân tạo 5-7 người. Hằng năm, Đà Lạt thường xuyên tổ chức các giải bóng đá cấp thành phố, giải các lứa tuổi học sinh trong hè với đông đảo các đội tham dự. Hầu như các giải bóng đá cấp tỉnh những năm gần đây khi tổ chức chủ yếu là các đội Đà Lạt tham dự.
 
Cùng đó, cầu lông và quần vợt cũng là một thế mạnh của Đà Lạt hiện nay. Toàn thành phố hiện có trên 10 CLB cầu lông hoạt động, mỗi CLB như thế có từ 40-80 người sinh hoạt tập luyện hằng ngày, trong đó có những CLB rất mạnh như Dã Quỳ, Bình Minh... Với quần vợt, toàn thành phố hiện có khoảng 25 sân do các cơ quan, đơn vị, tư nhân dầu tư xây dựng, mỗi sân đều có CLB của mình. Tất cả các CLB cầu lông và quần vợt này đều hoạt động theo phương thức xã hội hóa. Bên cạnh vận động hội viên tham gia các giải thành phố, giải tỉnh, các CLB hằng năm còn tự đứng ra tổ chức các giải đấu cho riêng CLB mình và mời các CLB trong tỉnh, trong nước tham gia.
 
Võ thuật cũng là một điểm mạnh của Đà Lạt. Toàn thành phố hiện có trên 20 CLB võ thuật với sự có mặt hầu hết các môn võ hiện nay như Võ cổ truyền, Taekwondo, Karatedo, Judo, Aikido, Vovinam… Thành phố cũng có rất nhiều CLB, điểm tập dưỡng sinh, Yoga, thể dục thẩm mỹ, thể hình… thu hút hàng nghìn lượt người tập luyện mỗi ngày. Đà Lạt cũng có 3 hồ bơi dạy bơi, không ít các trường học hiện nay hợp đồng với các hồ bơi này để dạy bơi cho học sinh theo chương trình phòng, chống đuối nước. 
 
Một ước tính, toàn thành phố Đà Lạt hiện có trên 200 cơ sở tập luyện TDTT như thế, thu hút cả chục nghìn người tập luyện hằng ngày.
 
Một giải thể thao người khuyết tật do thành phố Đà Lạt tổ chức
Một giải thể thao người khuyết tật do thành phố Đà Lạt tổ chức
 
Cần đầu tư cơ sở thích đáng  
 
Để phát triển phong trào, những năm gần đây Đà Lạt trung bình mỗi năm tổ chức khoảng 10 giải thể thao cho các bộ môn phổ biến trên địa bàn như bóng bàn, bóng đá, cầu lông, quần vợt, võ thuật, cờ tướng, việt dã... và gần đây còn tổ chức thêm giải thể thao cho người khuyết tật. 
 
Theo ông Tường, ngoài ra Trung tâm còn phối hợp với các cơ quan đơn vị trên địa bàn tổ chức định kỳ các giải hằng năm như ngành Giáo dục với giải thể thao học sinh; hội thao lực lượng vũ trang; phối hợp với các đơn vị ngoài tỉnh như Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh  tổ chức giải đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh cho chặng đua vòng hồ Xuân Hương hằng năm khi đi qua địa phận Đà Lạt. Đặc biệt, 4 năm 1 lần thành phố tổ chức rất tốt Đại hội TDTT cấp cơ sở xã phường, cấp thành phố và cử VĐV tham gia tốt các nội dung thi đấu tại Đại hội TDTT cấp tỉnh. 
 
Theo ông Tường, trong thời gian tới, thành phố vẫn tiếp tục đẩy mạnh công cuộc vận động xã hội hóa TDTT, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp tục tham gia xây dựng các công trình TDTT; hỗ trợ kinh phí để tổ chức các hoạt động thi đấu TDTT phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu của người dân, nâng tỷ lệ người dân tập luyện TDTT từ 20% dân số hiện nay lên mức 25% vào năm 2025.
 
Tuy nhiên, như đánh giá của Đà Lạt, cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu TDTT của thành phố này trong nhiều năm nay “có tiến triển” nhưng vẫn còn thiếu, chưa tương xứng với quy mô của đô thị loại I trực thuộc tỉnh; một số sân bãi ở các xã, phường đã xuống cấp, chưa có sự đầu tư khắc phục; kinh phí dành cho TDTT ở cơ sở còn thấp làm ảnh hưởng đến chất lượng các giải thể thao. 
 
Cho đến nay trong khi hầu hết các Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các huyện, thành trong tỉnh đều có cơ sở sân bãi để phát triển phong trào tại địa phương thì tại Đà Lạt hầu như chẳng có gì, mỗi khi muốn tổ chức giải Trung tâm đều phải đi thuê mướn.
 
“Chúng tôi đã đề nghị trong nhiều năm nay, rất cần tỉnh quan tâm bố trí quỹ đất để Đà Lạt đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho TDTT tương xứng với một đô thị loại I của tỉnh” - ông Tường mong muốn.
 
VIẾT TRỌNG