Những bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao

05:04, 26/04/2021

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 08 ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ thể dục, thể thao đến năm 2020"...

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 08 ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ thể dục, thể thao đến năm 2020”, công tác thể dục, thể thao (TDTT) tại tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển TDTT của đất nước và đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
Các vận động viên tranh tài ở môn bóng rổ
Các vận động viên tranh tài ở môn bóng rổ
 
Sau khi có Nghị quyết số 08, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động số 28 ngày 3/2/2012 về việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào chương trình hành động của Tỉnh ủy, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Nghị quyết tại địa phương, đơn vị. 
 
Qua hơn 10 năm triển khai Nghị quyết đã tổ chức được 1 hội thảo khoa học, hơn 40 lớp tập huấn, thực hiện 10 phóng sự phát trên sóng phát thanh truyền hình tỉnh, xây dựng 16 cụm pano, treo trên 1.000 băng rôn, gần 5.000 phướn và phát trên 60.000 tờ rơi tuyên truyền về hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh.
 
Đến nay, công tác giáo dục thể chất và TDTT trong trường học trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; 100% trường học có sân chơi, phục vụ môn giáo dục thể chất; 80% trường học có cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, tập luyện và thi đấu TDTT. Ngành Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện theo giai đoạn, chương trình môn học giáo dục thể chất bảo đảm cân đối, thống nhất, linh hoạt, có tính kế thừa và phát triển giữa các cấp học; cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho học sinh; hình thành và duy trì thói quen tập luyện TDTT thường xuyên, gắn với giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh, rèn luyện ý chí, phẩm chất phù hợp với đặc điểm thể chất, tâm sinh lý, lứa tuổi và điều kiện cụ thể của học sinh. Hiện nay, hình thức tổ chức và nội dung tập luyện TDTT cho học sinh ở các đơn vị trên địa bàn tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng như: võ thuật, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, cờ vua... Đặc biệt, một số trò chơi dân gian cũng được đưa vào lồng ghép với phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tính đến nay, có khoảng trên 300 CLB thể thao tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. 
 
Phong trào TDTT quần chúng ở cơ sở tiếp tục được phát triển rộng trên tất cả các đối tượng và địa bàn theo hướng xã hội hóa với nhiều hình thức đa dạng; chất lượng phong trào từng bước được nâng lên. Việc chỉ đạo, phối hợp với các ngành, địa phương tuyên truyền, phát động và tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và phong trào toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước; hoạt động TDTT của người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm hơn. Các phương pháp dưỡng sinh cổ truyền, các trò chơi dân gian và một số môn thể thao dân tộc được khôi phục, phát triển mạnh mẽ như: kéo co, bắn nỏ, bắn ná, đẩy gậy, chạy cà kheo, gùi lúa, múa sạp, xâu chuỗi hạt cườm...
 
Hằng năm, tỉnh Lâm Đồng tham gia từ 50 - 55 giải thể thao khu vực, quốc gia và quốc tế của từ 10 - 15 môn với hơn 500 vận động viên tham gia; số huy chương đạt được tại các giải quốc gia, quốc tế và khu vực năm sau luôn cao hơn năm trước, luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Từ năm 2010 đến nay, số lượng huy chương tham gia các giải đạt được hơn 2.000 huy chương các loại, góp phần vào thành tích của thể thao Việt Nam nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Nhiều vận động viên của tỉnh Lâm Đồng được đưa vào đội tuyển quốc gia tham gia các giải quốc tế ở các môn võ cổ truyền, cầu lông, bóng bàn, cờ vua... Trong những năm qua, Lâm Đồng đã đào tạo được một số VĐV thể thao đỉnh cao như: Cao Sang (môn cờ vua); Đặng Văn Hợp, Lê Thị Tuyết Vân (môn võ cổ truyền); Nguyễn Đình Hoàng, Trần Đình Mạnh (môn cầu lông); Đỗ Nguyễn Uyên Nhi (môn bóng bàn); K’Brưm (môn cử tạ)...
 
Việc triển khai quy hoạch, bố trí đất và xây dựng công trình TDTT; củng cố, tăng cường hệ thống thiết chế về TDTT phục vụ hoạt động TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm thực hiện. Đến nay, có 12/12 huyện, thành phố đã quy hoạch đất dành cho TDTT. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để phục vụ tổ chức các hoạt động TDTT và các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đang quản lý, sử dụng 1 khu liên hợp thể thao (gồm 1 nhà thi đấu đa năng 800 chỗ, 1 sân bóng đá 11 người cỏ nhân tạo). Toàn tỉnh có 12 trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao của 12 huyện, thành phố với 9 nhà thi đấu đa năng, 55 sân vận động có khán đài và 121 sân vận động dành cho các hoạt động thể thao, văn hóa. 139/142 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao xã (chiếm tỷ lệ 94,55%); 1.321/1.541 khu dân cư có nhà văn hóa - khu thể thao (chiếm 85,7%).
 
Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 08, các cấp ủy đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều giải pháp thiết thực chỉ đạo công tác phát triển TDTT ở địa phương, đặc biệt là các giải pháp nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp TDTT, nhiều địa phương đưa chỉ tiêu phát triển sự nghiệp TDTT thành một trong những chỉ tiêu thi đua hằng năm. Việc tham gia tập luyện TDTT thường xuyên dần trở thành ý thức tự giác và là nhu cầu của đại đa số người dân trong tỉnh.
 
ĐỨC TÚ