Olympic Tokyo 2020: Các nhà tài trợ thu hẹp kế hoạch quảng bá sản phẩm

07:07, 09/07/2021

60 công ty Nhật Bản đã chi trả hơn 3 tỷ USD để giành quyền tài trợ Olympic và Paralympic Tokyo 2020, tiếp đó là 200 triệu USD để gia hạn hợp đồng, song họ rất thất vọng vì lượng khán giả bị hạn chế.

60 công ty Nhật Bản đã chi trả hơn 3 tỷ USD để giành quyền tài trợ Olympic và Paralympic Tokyo 2020, tiếp đó là 200 triệu USD để gia hạn hợp đồng, song họ rất thất vọng vì lượng khán giả bị hạn chế.
 
Một quảng cáo cho Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 được hiển thị tại sân bay quốc tế Narita
Một quảng cáo cho Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 được hiển thị tại sân bay quốc tế Narita
 
Các nhà tài trợ cho sự kiện Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đang lên kế hoạch thu hẹp, thậm chí hủy bỏ các quầy hàng và các sự kiện quảng cáo cho hai sự kiện này.
 
Các nhà tài trợ cũng bày tỏ sự thất vọng trước quyết định "vào phút chót" của ban tổ chức cũng như sự chậm trễ trong việc ra tuyên bố có mở cửa cho khán giả tới xem các cuộc thi đấu hay không.
 
Hơn chục công ty, trong đó bao gồm nhiều tên tuổi lớn như Canon, Tokio Marine & Nichido Fire Insurance và Ajinomoto, đã nêu rõ những vấn đề mà họ gặp phải khi ký hợp đồng tài trợ đối với hai sự kiện thể thao đang bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19, đồng thời vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của công chúng.
 
Khoảng 60 công ty Nhật Bản đã chi trả khoản tiền kỷ lục hơn 3 tỷ USD để giành quyền tài trợ Olympic và Paralympic Tokyo 2020, tiếp đó là khoản tiền 200 triệu USD để gia hạn hợp đồng sau khi sự kiện này buộc phải lùi thời điểm tổ chức vì dịch bệnh.
 
Không giống như các "đối tác toàn cầu" với nhiều hợp đồng khác kéo dài trong nhiều năm, các nhà tài trợ của Nhật Bản chỉ tập trung "rót tiền" vào Olympic Tokyo. Do đó, họ tỏ ra rất thất vọng với những quyết định mà theo họ là "mang tính ngẫu hứng" của các nhà tổ chức, đặc biệt là sự trì hoãn kéo dài hàng tháng về việc liệu khán giả có được phép tới xem các cuộc thi đấu hay không.
 
Các nhà tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã thông báo không cho khán giả nước ngoài tham gia sự kiện này, đồng thời lên kế hoạch giới hạn người xem trong nước chỉ ở mức tối đa là 10.000 người tại một địa điểm thi đấu.
 
Thậm chí, số lượng khán giả được dự báo sẽ còn ít hơn trong bối cảnh Nhật Bản ngày 8/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo trong suốt thời gian diễn ra sự kiện này.
 
Một nhà tài trợ yêu cầu được giấu tên chia sẻ với báo giới: “Cuối cùng, chúng tôi cũng đang tự đưa ra quyết định của riêng mình mà không cần chờ đợi quyết định của ban tổ chức. Đó là một tình huống 'tiến thoái lưỡng nan" đối với các nhà tài trợ, nhưng dù sao thì chúng tôi cũng đang bắt đầu hành động."
 
Theo truyền thông Nhật Bản, hai nhà sản xuất máy ảnh Canon Inc và Tokio Marine & Nichido Fire Insurance Co đã buộc phải hủy bỏ kế hoạch thiết lập các gian hàng quảng bá sản phẩm dọc theo "Olympic Promenade."
 
Khu vực quanh vịnh Tokyo này được đánh giá là "nơi mát mẻ, có khu vực nghỉ ngơi và không gian ăn uống" và mở cửa cho mọi đối tượng công chúng - kể cả những người không mua vé xem thi đấu.
 
Tuy nhiên, các nhà tổ chức đã yêu cầu khán giả di chuyển "thẳng một lèo" từ bãi đỗ xe tới các địa điểm thi đấu và ngược lại mà không "vãn cảnh đường vòng" để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
 
Đây được xem là một "rào cản rất lớn" đối với các nhà tài trợ, vì điều đó đồng nghĩa với việc khán giả sẽ không thể tham quan các gian hàng của họ./.
 
(Theo Vietnam+)