Sau hoãn lại 1 năm, Thế vận hội mùa hè - 2020 Summer Olympics diễn ra tại thành phố Tokyo - Nhật nhưng vẫn không thể mở cửa cho khán giả vào sân vì lý do an toàn khi đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 đang càn quét khắp châu Á.
Sau hoãn lại 1 năm, Thế vận hội mùa hè - 2020 Summer Olympics diễn ra tại thành phố Tokyo - Nhật nhưng vẫn không thể mở cửa cho khán giả vào sân vì lý do an toàn khi đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 đang càn quét khắp châu Á.
Đoàn thể thao Việt Nam trong lễ xuất quân tham dự Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Internet |
Trên 11.200 VĐV tranh tài
Đây đã là lần thứ 32 Thế vận hội mùa hè được tổ chức trên thế giới và là lần thứ 2 thành phố Đông Kinh - Tokyo của Nhật Bản được chọn đăng cai ngày hội thể thao mùa hè lớn nhất hành tinh này. Tokyo với sự kiện này đã trở thành thành phố đầu tiên tại châu Á vinh dự 2 lần được chọn tổ chức Thế vận hội mùa hè.
Trước đó, Nhật Bản - một nền kinh tế hùng cường ở châu Á, cũng đã từng đăng cai rất thành công 3 kỳ thế vận hội. Một kỳ trong số này là Thế vận hội mùa hè - Tokyo 1964, còn 2 kỳ sau là Thế vận hội mùa đông gồm Sapporo 1972 và Nagano 1998. Thông thường, Thế vận hội mùa đông với các môn thể thao xứ lạnh thường ít nước tham dự, đặc biệt là những nước trong vùng nhiệt đới vốn xa lạ với các môn thể thao mùa đông. Trong khi đó Thế vận hội mùa hè với các môn thể thao phổ biến nên thu hút rất đông các quốc gia tranh tài.
Đúng ra, theo chu kỳ 4 năm 1 lần, Tokyo 2020 đáng lẽ phải diễn ra trong năm 2020, theo lịch trình dự kiến từ ngày 24/7 đến 9/8/2020. Nhưng đại dịch COVID-19 xuất hiện mang bóng đen lan tràn khắp thế giới nên nước Nhật đã ra quyết định hoãn lại đúng 1 năm. Trong năm nay, Thế vận hội mùa hè chính thức khai mạc vào ngày 23/7 - thứ Sáu tuần này và kéo dài đến 8/8. Dù diễn ra trong năm nay nhưng như Vòng chung kết UEFA Euro 2020 vừa rồi, cái tên Tokyo 2020 vẫn được giữ nguyên.
Là một quốc gia hùng cường, Nhật đã làm mọi thứ tốt nhất để chuẩn bị cho thế vận hội lần này. Quốc gia này đã chi không ít tiền để nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện giao thông thành phố Tokyo - địa điểm đăng cai, nối với các vùng phụ cận nơi có diễn ra các trận đấu; xây làng Olympic, xây mới lại Sân vận động Olympic Tokyo nơi diễn ra lễ khai mạc. Tổng cộng có 33 địa điểm thi đấu tại thành phố Tokyo và 28 địa điểm thi đấu quanh làng Olympic, trong đó có 11 địa điểm được xây mới hoàn toàn.
Cùng đó, quốc gia này đã tuyển chọn và huấn luyện một lượng lớn khoảng 200 nghìn tình nguyện viên (Volunteers) để hỗ trợ cho Ban tổ chức, giúp đỡ các đoàn thể thao nước ngoài khi đến đây thi đấu. Tuy nhiên, do tình hình COVID-19 bùng phát trở lại gần đây và do khán giả không được phép vào sân nên lượng tình nguyện viên này đã phải giảm bớt rất nhiều cho đến thời điểm này.
Với khẩu hiệu “Đoàn kết trong cảm xúc - United by Emotion”, Tokyo 2020 năm nay có 206 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký cử trên 11.200 VĐV đến tham dự, tranh tài trong 339 nội dung của 33 môn thể thao với 50 phân môn.
Như mục tiêu của Ủy ban Olympic Quốc tế đặt ra trước đó cho một kỳ thế vận hội trẻ trung, “thành thị hóa” hơn, tăng số lượng VĐV nữ tranh tài, thế vận hội tại Tokyo 2020 năm nay có thêm một số môn thể thao mới đưa vào thi đấu lần này như Không thủ đạo (Karatedo - môn võ của người Nhật), môn leo vách thể thao (Sport Climbing), môn lướt sóng (Surfing), trượt ván (Skateboarding), đồng thời đưa trở lại một số môn đã từng tổ chức thi đấu trước đây cũng như thêm một số nội dung mới trong các môn thi đấu đã có lâu nay.
Không khán giả
Một ước tính rằng khi hoãn lại việc tổ chức Thế vận hội mùa hè 1 năm vừa qua, nước Nhật đã thiệt hại khoảng 5,8 tỷ USD, chủ yếu số tiền mất đi này dành cho việc bảo trì các cơ sở phục vụ cho Tokyo 2020 đã xây dựng xong nhưng chưa đưa vào sử dụng. Còn nếu trong trường hợp hủy luôn Tokyo 2020, nước Nhật tính sơ cũng thiệt hại chừng 41,5 tỷ USD, chủ yếu là tiền rót vào xây dựng cơ sở vật chất, tiền rót vào công tác tổ chức lâu nay lẫn tiền thu được từ du lịch khi sự kiện này diễn ra với một lượng lớn du khách quốc tế đến quốc gia này.
Nhưng dù dịch bệnh người Nhật vẫn tổ chức thế vận hội. Tuy nhiên, vì lý do an toàn cho người dân, nước Nhật quyết định không tiếp đón các khách nước ngoài đến Nhật để dự khán các trận đấu tại Olympic Games, ngay cả với Thế vận hội mùa hè dành cho người khuyết tật (Paralympich Games) diễn ra liền sau đó cũng vậy, cũng không mở cửa cho người nước ngoài. Toàn bộ các vé quốc tế bán trước đó được Ban tổ chức hoàn tiền trở lại.
Còn với khán giả trong nước, ban đầu Ban tổ chức đã đưa ra kế hoạch hạn chế lượng người vào sân, có nghĩa là tùy theo tình huống cụ thể có thể cho phép một lượng khán giả có hạn vào sân cổ vũ các cuộc tranh tài. Tuy nhiên, trước việc gia tăng các trường hợp nhiễm COVID-19 gần đây tại thành phố Tokyo, cùng với tiến độ chủng ngừa Vaccine COVID-19 khá chậm trong nước nên Ban tổ chức đã quyết định các trận đấu tại Tokyo (và cả 2 tỉnh Fukushima cùng Hokkaido) không có khán giả. Những nơi còn lại tại Nhật tùy theo tình huống cụ thể về dịch bệnh để có thể cho khán giả vào sân nhưng không quá 30% theo qui định. Trước thời điểm khai mạc, các quan chức của Ủy ban Olympic Quốc tế đã đề nghị với Thủ tướng Suga Yoshihide của Nhật nên xem xét đưa khán giả vào sân nếu dịch bệnh có dấu hiệu thuyên giảm.
Ngay cả với các VĐV và các quan chức, đội ngũ báo chí của các quốc gia đi cùng khi đến đây đều phải tuân thủ nghiêm nhặt các qui định của nước Nhật về phòng dịch ngay từ lúc nhập cảnh. Tất cả các VĐV và quan chức được đưa về ở riêng trong làng Olympic hay những địa điểm do Ban tổ chức chỉ định, mọi người được yêu cầu phải giữ khoảng cách, mang khẩu trang trừ lúc thi đấu hay luyện tập, hạn chế đến các điểm tập trung đông người, các khu du lịch, không được dùng các phương tiện giao thông công cộng nội địa của nước chủ nhà trừ khi được phép. Tất cả các VĐV cũng phải kiểm tra COVID-19 trong vòng 4 ngày một lần, trường hợp dương tính sẽ bị cách ly ngay.
Ban tổ chức cho biết cũng sẵn sàng cung cấp Vaccine COVID-19 cho VĐV trong trường hợp họ muốn tiêm phòng. Hãng dược phẩm sản xuất Vaccine Pfizer nổi tiếng của Mỹ trong tháng 5/2021 trước đó cũng đã loan báo sẽ hỗ trợ vaccine cho Ban tổ chức Thế vận hội để phục vụ cho việc tranh tài kỳ này.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gần đây đã nhấn mạnh rằng nước Nhật quyết tâm đảm bảo một thế vận hội an toàn với nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt. “Tôi muốn gửi một thông điệp tới thế giới rằng chúng tôi có thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay bằng nỗ lực và trí tuệ của nhân loại bằng cách xích lại gần nhau vào thời điểm thế giới đang phải đối mặt với thách thức lớn”.
Để giảm thiểu các tác động tâm lý của một sân vận động không có khán giả, Nhật Bản và Ủy ban Olympic Quốc tế cam kết sẽ thực hiện một chiến dịch tương tác kỹ thuật số, khuyến khích khán giả có thể theo dõi và cổ vũ các trận đấu từ xa qua màn hình, giao tiếp với VĐV nhà của mình bằng các phương tiện truyền thông hiện đại.
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 với tổng cộng 43 thành viên, do ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT làm Trưởng đoàn.
Trong đoàn có 2 bác sĩ, 4 cán bộ, 1 phóng viên, 18 VĐV, 18 người còn lại là HLV, chuyên gia, lãnh đội.
Các VĐV sẽ thi đấu trong 11 bộ môn, gồm Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ), Quách Thị Lan (điền kinh), Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Trương Thị Kim Tuyền (Taekwondo), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung), Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Lường Thị Thảo, Đinh Thị Hảo (đua thuyền Rowing), Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Văn Đương (Boxing), Nguyễn Thị Thanh Thủy (Judo), Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (cử tạ).
Mục tiêu của Đoàn thể thao Việt Nam là giành được huy chương tại Olympic Tokyo 2020.
|
VIẾT TRỌNG