Thủ tướng yêu cầu ngành thể dục, thể thao vận dụng sáng tạo, căn cứ chế độ, chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các vận động viên yên tâm, phấn khởi thi đấu.
Thủ tướng yêu cầu ngành thể dục, thể thao vận dụng sáng tạo, căn cứ chế độ, chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các vận động viên yên tâm, phấn khởi thi đấu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Bằng khen cho Đội tuyển bóng đá nam vì có thành tích xuất sắc. |
Chiều 13/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch về công tác thể dục, thể thao; gặp mặt các vận động viên tiêu biểu và Đoàn Thể thao Việt Nam trước khi lên đường sang Tokyo, Nhật Bản dự Olympic 2020.
Dự buổi làm việc, gặp mặt còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; các đơn vị của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu.
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, thể dục, thể thao Việt Nam trong thời gian qua phát triển với 4 điểm sáng gồm: Phong trào thể dục, thể thao quần chúng có nhiều chuyển biến trên phạm vi cả nước, các chi tiêu cơ bản về thể dục, thể thao quần chúng đều đạt mục tiêu đề ra; công tác đầu tư phát triển các môn thể thao thành tích cao được chú trọng, số lượng huy chương vàng tại các giải thế giới và châu Á tăng gấp đôi so với năm 2015; bóng đá Việt Nam có nhiều khởi sắc, tạo được những hiệu ứng xã hội tích cực; hợp tác quốc tế về thể dục, thể thao ngày càng được mở rộng, đăng cai và tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao quốc tế.
Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế như: Công tác tham mưu, xây dựng hoàn thiện thể chế chưa được chủ động, kịp thời; công tác cán bộ của ngành chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng không đồng đều; công tác đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa xử lý khắc phục dứt điểm các hạn chế được chi ra tại Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2020; việc triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 còn gặp nhiều lúng túng; hiệu quả hoạt động của các Liên đoàn, hiệp hội thể thao còn khiêm tốn...
Tại buổi làm việc, đại diện các vận động viên bày tỏ sự vui mừng đối với sự quan tâm và tình cảm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho các vận động viên nói riêng và thể thao nước nhà nói chung.
Các vận động viên cũng mong muốn tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị tập luyện để tiếp tục nâng cao hơn thành tích thi đấu; đồng thời hứa với Thủ tướng sẽ tiếp tục rèn luyện để có thành tích xứng đáng với sự tin yêu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Các vận động viên tham dự Olympic Tokyo 2020 hứa với Thủ tướng sẽ chấp hành nghiêm quy định của Ban Tổ chức và kỷ luật của Đoàn Thể thao Việt Nam, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, vượt lên chính mình để thi đấu đạt thành tích cao nhất.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, phong trào rèn luyện thể dục, thể thao, nâng cao sức khoẻ cộng đồng là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, vì có sức khoẻ để xây dựng và bảo vệ đất nước, như sinh thời Bác Hồ đã dạy “Tôi mong rằng đồng bào ai cũng cố gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập.”
Đây cũng là một nội dung trong chiến lược phát triển con người Việt Nam. Cùng với phát triển thể dục, thể thao toàn dân, nâng cao sức khoẻ cộng đồng, thì phát triển các môn thể thao thành tích cao là một nội dung được Đảng, Nhà nước quan tâm.
Việc các vận động viên của Việt Nam thi đấu tại các giải quốc tế, thể hiện phẩm chất, ý chí, nghị lực, năng lực, sức khoẻ của con người Việt Nam. Việc đầu tư, phát triển thể dục, thể thao được quan tâm đồng đều đối với mọi người dân Việt Nam, trong đó có người khuyết tật, trên tinh thần đảm bảo công bằng xã hội, khẳng định không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Chính phủ vui mừng và tự hào trước những thành tựu mà thể dục, thể thao Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Trong đó, phong trào thể thao quần chúng ngày càng mạnh hơn, hiệu quả hơn; phong trào thể dục, thể thao của người khuyết tật được quan tâm, trân trọng; các môn thể thao thành tích cao trải qua thời gian dài với nhiều khó khăn song đạt được thành tích cao.
Nhiều môn thể thao như bóng đá nam, bóng đá nữ, bắn súng, các môn võ thuật, thể dục dụng cụ... dần khẳng định trên “đấu trường” khu vực và quốc tế. Thể thao Việt Nam có vị trí xứng đáng trên bảng xếp hạng thể thao khu vực và thế giới.
Thành tích của Thể thao Việt Nam nói chung và thể thao cho người khuyết tật, nhất là thể thao thành tích cao, đã truyền cảm hứng cho phong trào toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại, nâng cao sức khỏe toàn dân, xây dựng, gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Thành tích của Thể thao Việt Nam cũng thể hiện ý chí, nghị lực, phẩm chất của con người Việt Nam, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín, tiềm lực của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho các vận động viên, huấn luyện viên Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản. |
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ những hạn chế mà thể dục, thể thao nước nhà cần khắc phục như: phong trào thể thao quần chúng có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức; cơ sở vật chất, điều kiện để tập luyện, thi đấu thể thao còn hạn chế; chính sách cho người khuyết tật và thể thao thành tích cao còn hạn chế...
Để khắc phục những hạn chế trên, Thủ tướng yêu cầu ngành thể dục, thể thao nói riêng và các bộ, ngành, địa phương cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, huy động sự vào cuộc của nhân dân, thực hiện thắng lợi các nội dung về thể dục, thể thao được nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Trước mắt, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan cụ thể hóa chủ trương, nhiệm vụ về thể dục, thể thao được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.
Trên cơ sở đó, rà soát các vấn đề về thể chế để bổ sung, hoàn thiện, tạo khung cho phát triển thể dục, thể thao; thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao toàn dân; có giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất phục vụ rèn luyện thể thao toàn dân và thể thao thành tích cao; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thể dục, thể thao đủ mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Đối với các vận động viên tham dự Olympic Tokyo 2020, Thủ tướng yêu cầu ngành thể dục, thể thao vận dụng sáng tạo, căn cứ chế độ, chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các vận động viên yên tâm, phấn khởi thi đấu.
Thủ tướng mong muốn và chúc các vận động viên thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, với tinh thần thể thao cao thượng, để vừa có thành tích cao, vừa thể hiện được ý chí, nghị lực của con người Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng quà cho các vận động viên tiêu biểu và trao Bằng khen của Thủ tướng tặng Đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam.
(Theo TTXVN)