Vì sao nước Nga bị cấm thi đấu tại Olympic Tokyo 2020?

06:07, 29/07/2021

Là một cường quốc về thể thao nhưng tại Thế vận hội Tokyo 2020 lần này, các VĐV Nga chỉ thi đấu dưới lá cờ của Ủy ban Olympic Nga vì lệnh cấm nước Nga thi đấu tại các kỳ Olympic và các giải đấu lớn quốc tế đang còn hiệu lực!

Là một cường quốc về thể thao nhưng tại Thế vận hội Tokyo 2020 lần này, các VĐV Nga chỉ thi đấu dưới lá cờ của Ủy ban Olympic Nga vì lệnh cấm nước Nga thi đấu tại các kỳ Olympic và các giải đấu lớn quốc tế đang còn hiệu lực!
 
Các VĐV thể dục dụng cụ của Nga giành huy chương tại Tokyo 2020. Ảnh: Internet
Các VĐV thể dục dụng cụ của Nga giành huy chương tại Tokyo 2020. Ảnh: Internet
 
WADA và lệnh cấm
 
WADA là tên viết tắt từ tiếng Anh của Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (World Anti-Doping Agency), một tổ chức phi chính phủ, thành lập từ tháng 10/1999 bởi Ủy ban Olympic Quốc tế (International Olympic Committee - IOC). Ban đầu trụ sở chính của WADA tại Lausanne, Thụy Sỹ sau đó chuyển văn phòng sang Montreal, Canada trong năm 2020. Hiện WADA có các văn phòng đại diện trên các châu lục.
 
Với khẩu hiệu “Thi đấu thật - Play True”, nhiệm vụ chính của WADA là tìm kiếm, phát triển năng lực, nghiên cứu khoa học, khuyến khích, tăng cường hợp tác cũng như điều hành, giám sát cuộc chiến chống sử dụng chất kích thích (doping) trong thể thao trên thế giới hiện nay.
 
Cơ quan này sau thành lập đã đưa ra bộ quy ước về chống sử dụng chất kích thích trong thể thao (World Anti-Doping Code). Quy ước này đến nay được trên 650 tổ chức thể thao chấp nhận và tuân thủ, bao gồm các liên đoàn thể thao quốc tế, các tổ chức chống sử dụng chất kích thích trong thể thao của các quốc gia, Ủy ban Olympic Quốc tế và Ủy ban Thể thao người khuyết tật quốc tế. 
 
Để phán xử một quốc gia thành viên có tuân thủ theo quy ước này hay không, IOC còn có một Tòa án Trọng tài Thể thao (Court of Arbitration for Sport-CAS) phán xử.
 
Chính IOC thông qua phán xử của CAS đã đưa ra lệnh cấm nước Nga tham dự Thế vận hội Tokyo 2020 vào tháng12/2019 sau một vụ bê bối sử dụng chất kích thích khét tiếng liên quan tới Thế vận hội Sochi 2014, làm rung chuyển thế giới thể thao lúc đó.
 
Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 tại Nga năm đó, rất nhiều đoàn thể thao là cường quốc thể thao mùa đông trên thế giới ngạc nhiên tự hỏi vì sao họ tận lực như thế mà đoàn thể thao Nga vẫn cứ nhẹ nhàng qua mặt lượm huy chương, kể cả huy chương vàng. Kết thúc thế vận hội này, Nga dẫn đầu với 33 huy chương, trong đó có 13 Huy chương Vàng; còn Na Uy về nhì với 26 huy chương, trong đó có 11 Huy chương Vàng; Canada về thứ ba với 25 huy chương, trong đó có 10 Huy chương Vàng. 
 
Nhưng mọi việc không dừng ở đây. Ngay sau đó, tại Thế vận hội mùa đông dành cho người khuyết tật 2014 cũng ở Sochi, đoàn VĐV Nga đã làm “kinh ngạc” các nước dự giải với tổng cộng 80 huy chương giành được, trong đó có 30 Huy chương Vàng. Trong khi đó nước Đức về nhì đứng liền sau đó nhưng chỉ đúng 15 tấm huy chương, trong đó có 9 Huy chương Vàng. 
 
Sự việc vỡ lở khi bí mật lộ ra. Đó là việc có một phòng được xây dựng liền kề phòng xét nghiệm kiểm tra chất kích thích của Ban tổ chức. Theo quy định, mỗi ngày cơ quan chống doping lấy mẫu thử nước tiểu của các VĐV để kiểm tra doping và để vào phòng xét nghiệm này. Nhưng khi đêm đến, khi phòng xét nghiệm đóng cửa, các mẫu thử nước tiểu này lại được thay thế bằng các mẫu sạch đã chuẩn bị trước đó ở phòng bên.
 
Kết quả, chẳng có VĐV Nga nào dương tính với chất kích thích, họ cứ thản nhiên thi đấu và “thu hoạch” huy chương. Chính người đứng đầu kế hoạch đánh tráo mẫu thử này Tiến sỹ Grigory Rodchenkov, lãnh đạo của Phòng thí nghiệm cơ quan phòng chống Doping trong thể thao của Nga sau đó đã qua Mỹ và đưa sự tình này lên một bài phỏng vấn trên tờ báo lớn của Mỹ năm 2016, cả thế giới thể thao như ngã ngửa. 
 
Theo một báo cáo của WADA, các quan chức nước Nga đã tổ chức một hệ thống che đậy rất tinh vi, bí mật hủy các mẫu thử nước tiểu bẩn của VĐV nước mình để thay thế bằng các mẫu sạch. Báo cáo này cũng lần ngược lại việc sử dụng chất kích thích bất hợp pháp trong thời gian diễn ra từ Thế vận hội London 2012, từ giải Vô địch Điền kinh thế giới tại Moscow năm 2013 và điển hình nhất là tại Thế vận hội mùa đông Sochi 2014.
 
Ủy ban Olympic Quốc tế - IOC với báo cáo trên của WADA sau đó đã đưa ra phán quyết, cấm Nga cử đoàn VĐV thi đấu tại các kỳ thế vận hội và các sự kiện thể thao lớn thế giới trong 4 năm tính từ năm 2019.
 
VĐV Nga theo phán quyết cũng bị cấm thi đấu tại Thế vận hội mùa đông 2018 ở Pyeongchang, Hàn Quốc. Trước đó, trong năm 2015, các VĐV điền kinh Nga bị cấm thi đấu với tư cách đại diện cho quốc gia. Trong thời gian bị phạt, Nga không được đăng cai hoặc tham gia tranh cử đăng cai bất kỳ sự kiện Olympic, Paralympic hoặc giải vô địch thế giới nào. Các quyết định trao quyền đăng cai cho Nga trước đó, nếu có, sẽ bị thu hồi.
 
Nước Nga cho đến nay vẫn kiên quyết phủ nhận mọi liên quan đến kế hoạch sử dụng chất kích thích có hệ thống, được nhà nước tài trợ; cho rằng nhiều quốc gia đã “chính trị hóa” chuyện thể thao và kháng cáo lệnh cấm ban đầu 4 năm của IOC tính từ năm 2019.
 
Mặc dù trong năm 2020 Tòa án Trọng tài Thể thao CAS đã phán xử lại, rút ngắn thời hạn cấm ban đầu từ 4 năm được giảm xuống còn 2 năm nhưng trong năm 2021 này Nga không thể cử đội tuyển góp mặt tại Thế vận hội Tokyo 2020, sau đó là Thế vận hội Người khuyết tật Paralympic Tokyo 2020. 
 
Trong năm 2022 sắp đến Nga cũng sẽ không được tham dự Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Trong trường hợp nước Nga dù có đủ điều kiện vẫn không được tham dự Vòng chung kết giải Bóng đá thế giới FIFFAWorld Cup 2022 tại Qatar, trừ trường hợp thi đấu dưới một cái tên trung lập. (Nhưng một điều vui là vừa qua Nga vẫn được phép tham dự Vòng chung kết UEFA Euro 2020 vì IOC và WADA cho rằng giải đấu này chỉ ở cấp khu vực châu Âu). 
 
Cho đến ngày 16/12/2022 khi lệnh trừng phạt kết thúc, Nga theo phán quyết không được tham dự bất kỳ sự kiện thể thao thế giới nào khi có WADA tham dự. Nước này chỉ được phục hồi sau lệnh cấm nếu tuân thủ lệnh trừng phạt, nộp tất cả các khoản đóng góp lẫn số tiền phạt lên đến 1,27 triệu USD từ chi phí điều tra vụ bê bối này. 
 
VĐV Nga vẫn có mặt 
 
Với rất nhiều VĐV Nga, nhất là những người không liên quan đến việc sử dụng chất kích thích, việc cấm thi đấu tại các kỳ Olympic là một thiệt thòi nếu không nói là bất công rất lớn cho họ.
 
Đời người có hạn. Được thể hiện mình và giành huy chương trên đấu trường lớn nhất hành tinh luôn là niềm khát khao mà không ai có thể dễ dàng làm được. Phải ở một độ tuổi nào, một quãng đời nào, một sự tập luyện kiên trì hay một tài năng thiên phú nào mới giành được quyền đại diện cho đất nước mình đi thi tài trên đấu trường lớn nhất hành tinh này. Mà Olympic mùa hè hay Olympic mùa đông thì cũng chỉ tổ chức 4 năm 1 lần. 
 
IOC đã nhìn thấy điều này từ lâu nên mở một cánh cửa sổ cho tất cả các VĐV không liên quan đến chất kích thích có thể tranh tài tại thế vận hội. Trong trường hợp bị cấm này của nước Nga, các VĐV Nga có thể có mặt tranh tài dưới một lá cờ trung lập: cờ Olympic!
 
Tại Tokyo 2020 năm nay có 2 đoàn trung lập như vậy, một là đoàn thể thao người tỵ nạn 29 VĐV và đoàn thể thao Nga đông hơn nhiều, với 335 VĐV. 
 
Trong các trận đấu, các VĐV Nga thay vì dùng quốc kỳ Nga sẽ dùng lá cờ của Ủy ban Olympic Nga (Russian Olympic Committee - ROC) có hình ngọn đuốc Olympic với biểu tượng màu xanh lam, đỏ và trắng của cờ Nga. Còn quốc ca Nga dành cho VĐV chiến thắng sẽ là bản hòa tấu Piano số 1 của Tchaikovsky - nhà soạn nhạc người Nga. 
 
Là một cường quốc thể thao, các VĐV Nga vẫn thể hiện mình rất tốt tại thế vận hội lần này thông qua các tấm huy chương họ giành được trong rất nhiều bộ môn. Nhưng như nhiều nhà chuyên môn nhận xét, lệnh cấm về lâu dài với việc vắng mặt tại các giải đấu lớn sẽ có tác động nhất định, có thể làm nước Nga tụt dần vị thế của mình trên đấu trường thể thao thế giới.
 
VIẾT TRỌNG