Thế vận hội mùa hè Đông Kinh 2020 đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc và một Thế vận hội mùa hè khác đang chờ đợi trước mắt - Olympic Paris 2024 với thời gian còn lại chỉ có 3 năm.
Thế vận hội mùa hè Đông Kinh 2020 đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc và một Thế vận hội mùa hè khác đang chờ đợi trước mắt - Olympic Paris 2024 với thời gian còn lại chỉ có 3 năm.
|
Khải hoàn môn tại Paris rực rỡ ánh đèn chào đón Olympic Paris 2024. Ảnh: Internet |
BAO NHIÊU ĐOÀN GIÀNH ĐƯỢC HUY CHƯƠNG?
Khi Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike trao lại lá cờ Olympic cho bà Anne Hidalgo - Thị trưởng Paris của Pháp trong buổi lễ bế mạc đầy long trọng tại sân vận động quốc gia Tokyo chủ nhật 8/8 vừa rồi, một Thế vận hội mùa hè đặc biệt trong thời đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 đang hoành hành đã chính thức khép lại sau hơn 2 tuần thi đấu.
Có thể nói nước Nhật hùng cường đã làm tất cả để có một kỳ Thế vận hội mùa hè thành công rực rỡ, bất chấp mối đe dọa của dịch bệnh. Dường như mọi thứ đều được sẵn sàng cho kỳ thi đấu thể thao lớn nhất hành tinh này, từ sân bãi thi đấu, chỗ ăn ở cho quan chức và vận động viên (VĐV), tấm huy chương (HC) trao cho VĐV đến bó hoa tặng cho người chiến thắng. Tất cả đều hoàn hảo, chỉ trừ việc không có khán giả đến sân vì lý do an toàn trong dịch bệnh.
Có tổng cộng 11.656 VĐV đến từ 206 quốc gia, các vùng lãnh thổ trên thế giới hoặc đại diện cho Ủy ban Olympic quốc gia đến tham dự, một con số rất ấn tượng. Ngoại trừ sự vắng mặt của đoàn thể thao Triều Tiên, còn hầu hết các quốc gia trong đó có những nước dịch bệnh đang tàn phá nặng nề nhưng vẫn gửi VĐV của mình đến dự. Đông nhất là đoàn VĐV nước Mỹ (với 613), kế đến là chủ nhà Nhật Bản (556), Úc (478), Đức (425), Trung Quốc (406), tuy nhiên cũng có những nước chỉ vài VĐV, trong đó có 13 nước chỉ có 2 VĐV. Cần biết rằng, để được tham dự Olympic, các VĐV của bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào cũng cần phải đạt chuẩn qui định.
Tổng cộng đã có 1.088 HC được trao cho các VĐV của 93 đoàn thể thao trong kỳ thế vận hội này, trong đó có 340 vàng, 338 bạc và 402 đồng. Dẫn đầu bảng tổng sắp HC thuộc về đoàn thể thao Mỹ, với tổng cộng 113 HC, trong đó có 39 vàng, 41 bạc và 33 đồng. Mỹ cũng là đoàn duy nhất giành trên 100 huy chương các loại tại Thế vận hội lần này.
Đứng thứ nhì sau đoàn Mỹ chính là đoàn thể thao Trung Quốc với 88 HC, trong đó có 38 vàng, 32 bạc và 18 đồng. Điểm thú vị là cuộc đua giành vị trí dẫn đầu giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu ngay từ những ngày đầu khai mạc cho đến tận ngày cuối. Mỹ đã ngoạn mục vượt qua Trung Quốc bằng đúng 1 tấm HC vàng (tại các kỳ thế vận hội, các đoàn được xếp thứ tự từ cao đến thấp theo số HC vàng giành được, kế tiếp là số HC bạc rồi mới đến HC đồng). Tuy nhiên, dù không giữ được ngôi đầu bảng nhưng đoàn thể thao Trung Quốc cũng có kỳ thế vận hội rất thành công khi giành được nhiều hơn 12 vàng so với Olympic Rio 2016.
Chủ nhà Nhật xếp thứ ba với 58 HC, trong đó có 37 vàng, 14 bạc và 17 đồng. So với Olympic Rio 2016 thì Nhật đã vươn lên 3 bậc trong bảng xếp hạng và giành nhiều hơn đến 25 HC vàng. Đây là số HC và cả số HC vàng giành được nhiều nhất trong một thế vận hội của đoàn Nhật từ trước đến nay.
Kế tiếp trong tốp 10 bao gồm: Vương quốc Anh với 22 HC vàng, Ủy ban Olympic Nga - ROC với 20 HC vàng, Úc với 17 HC vàng, các nước Hà Lan, Đức, Pháp và Italy cùng có được 10 HC vàng. Tính tổng cộng có 65 đoàn thể thao giành được HC vàng.
Có một chuyện vui là thông thường mỗi nội dung có 1 tấm HC vàng, nhưng tại Thế vận hội lần này có đến 2 tấm HC vàng được trao cho cùng một nội dung thi đấu. Đó là môn nhảy cao nam, khi VĐV của Qatar là Mutaz-Essa Barshim và VĐV người Italia Gianmarco Tamberi cùng vượt qua một mức xà. Ban tổ chức sau đó đã trao cho cả 2 VĐV này 2 tấm HC vàng, tất nhiên nội dung này sau đó không có VĐV giành HC bạc.
Trong vùng Đông Nam Á, Philippines là đoàn thi đấu thành công nhất khi giành được 5 HC, trong đó có 1 vàng, 2 bạc và 1 đồng; Indonesia cũng có 5 tấm HC, trong đó có 1 vàng, 1 bạc và 3 đồng; Thái Lan giành được 2 HC, trong đó có 1 vàng và 1 đồng; Malaysia có 2 HC gồm 1 bạc và 1 đồng. Thể thao Việt Nam trong lần này không giành được tấm huy chương nào.
HƯỚNG VỀ PARIS 2024
Không đợi 3 năm nữa mới đến Paris 2024 mà có cảm giác ngay khi thời điểm kết thúc Tokyo 2020, nước Pháp đã bắt đầu khởi động cho kỳ đăng cai thế vận hội kế tiếp của mình.
Chỉ khi Nhật vừa kết thúc các cảnh diễn văn hóa hết sức độc đáo trên màn hình và trên sân khấu trong đêm bế mạc thì một quang cảnh đầy hoành tráng đang đồng thời diễn ra tại Paris, Pháp được trực tiếp chiếu lên màn hình khắp thế giới. Đó là đoàn người đông đảo đón chào các VĐV Pháp giành HC Olympic tại Nhật vừa trở về. Buổi lễ được tổ chức trọng thể tại cổng Khải hoàn môn ở Paris. Chỉ là một đoạn phim ngắn nhưng đã lột tả được sự hân hoan của người Pháp khi Olympic quay lại với thành phố được mệnh danh “Kinh đô ánh sáng” này.
Không vui mừng sao được khi lần gần nhất Paris đăng cai Olympic mùa hè này đã cách đây đúng… 100 năm. Đó là năm 1924. Trước đó Paris cũng từng đăng cai Thế vận hội mùa hè năm 1900. Với việc đăng cai năm 2024 này, Paris trở thành thành phố thứ nhì trên thế giới vinh dự được đăng cai Olympic mùa hè 3 lần, sau London của Anh (London đăng cai Olympic mùa hè vào các năm 1908, 1948 và 2012). Còn nếu tính cả Thế vận hội mùa đông thì Pháp đến nay đã đăng cai đến 6 kỳ, bao gồm 3 Thế vận hội mùa hè tại Paris và 3 Thế vận hội mùa đông gồm Chamonix 1924, Grenoble 1968 và Albertville 1992.
Dự kiến Thế vận hội mùa hè Paris 2024 sẽ bắt đầu vào ngày 26/7/2024 và kết thúc vào ngày 11/8/2024; nước Pháp dịp này sẽ chào đón khoảng 10.500 VĐV (hạn mức tối đa) từ khắp nơi trên thế giới về đây tranh tài trong 32 môn thể thao với 329 nội dung thi đấu. Trong các môn này, có những môn mới đưa vào tranh tài tại Olympic Tokyo 2020 nhưng không có tên trong danh sách thi đấu tại Paris 2024, như Karate chẳng hạn.
Cũng giống như tại Tokyo 2020, trong Paris 2024 lần này Ban tổ chức sẽ đưa vào các môn thể thao được lớp trẻ đô thị ưa chuộng hiện nay như leo tường (Sport climbing) hay trượt ván (Skateboarding)... Như Chủ tịch IOC Thomas Bach cho rằng việc bổ sung các môn thể thao này vào Thế vận hội Olympic mùa hè trẻ trung, thành thị hơn, phản ánh xu thế đô thị hóa thể thao trên thế giới hiện nay.
Đặc biệt, Olympic Paris 2024 sẽ có một địa điểm thi đấu xa tít tại Tahiti trên biển Thái Bình Dương. Đó là môn lướt sóng (surfing), môn thi đấu này cần sóng lớn và Tahiti cùng những đảo quốc nơi đây là nơi lướt sóng lý tưởng nhất hành tinh hiện nay. Đây sẽ là sự kiện thể thao xa nhất, cách khoảng 15.700 km, được tổ chức bên ngoài thành phố đăng cai Olympic cho đến nay.
Một sự kiện thú vị khác mà Paris 2024 cũng dự kiến tổ chức là cho phép mọi người bình thường có thể tham gia cuộc thi Marathon. Không xuất phát cùng lúc với các VĐV đỉnh cao nhưng các VĐV nghiệp dư này có thể chạy chung trên một con đường dành cho những người đang thi đấu ở Olympic. “Đây là một trải nghiệm vô cùng độc đáo để cho tất cả mọi người dù là đỉnh cao hay nghiệp dư, bình thường, thậm chí mới bắt đầu, cả các VĐV khuyết tật đều có thể tận hưởng khoảnh khắc đặc biệt như một VĐV Olympic này” - Ban tổ chức Paris 2024 cho biết.
VIẾT TRỌNG