Không ít trường học các cấp trong tỉnh đến nay đã được đầu tư xây dựng cơ sở sân bãi cho các hoạt động giáo dục thể chất. Cùng đó ngành Giáo dục đã có những giải pháp để từng bước đưa thể thao học đường phát triển.
Không ít trường học các cấp trong tỉnh đến nay đã được đầu tư xây dựng cơ sở sân bãi cho các hoạt động giáo dục thể chất. Cùng đó ngành Giáo dục đã có những giải pháp để từng bước đưa thể thao học đường phát triển.
Tranh tài tại một giải bóng đá nữ khối các trường trung học phổ thông tại Đà Lạt trong năm 2020 |
THÊM NHIỀU CÔNG TRÌNH ĐƯỢC ĐẦU TƯ
Nằm ven Quốc lộ 20 trong một khuôn viên rộng rãi với diện tích trên 1 ha, tiểu học Nam Sơn là một trong những ngôi trường nhiều năm liền có thành tích xuất sắc trong dạy và học của ngành Giáo dục Đức Trọng.
Năm học 2021 - 2022 này, Trường Tiểu học Nam Sơn có 1.120 học sinh với 28 lớp học. Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tất cả học sinh đến nay đều phải học trực tuyến qua mạng (online) tại nhà, sân trường vắng vẻ. Nhưng dù vậy mọi thứ nơi đây vẫn sạch sẽ và tươm tất. “Chỉ mong dịch bệnh mau qua để các em mau chóng được trở lại trường” - cô Chu Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng mong mỏi.
Không chỉ dẫn đầu về chất lượng giáo dục tiểu học của huyện, Trường Tiểu học Nam Sơn còn là một ngôi trường khang trang có cảnh quan sư phạm rất đẹp. Đặc biệt, trong năm học 2019 - 2020, trường được đầu tư 800 triệu đồng làm một sân bóng đá mini cỏ nhân tạo cho học sinh vận động và một bể bơi nổi để dạy bơi, phòng, chống đuối nước cho học sinh trong trường.
Theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 705 đơn vị, trường học, trong đó khối mầm non có 231 trường; bậc tiểu học có 242 trường (kể cả 2 trường Khiếm thính và Hoa Phong Lan); bậc trung học cơ sở có 157 trường; bậc trung học phổ thông có 59 trường; khối giáo dục thường xuyên - giáo dục dạy nghề có 12 trung tâm và Trường CĐSP Đà Lạt. Toàn bộ các cấp học trong tỉnh hiện có trên 330.500 học sinh.
Ông Thái Văn Sự, Cán bộ phụ trách Giáo dục thể chất - Y tế học đường của Sở GDĐT cho biết, trong những năm gần đây ngành đã được tỉnh quan tâm đầu tư rất mạnh cơ sở vật chất phục vụ giáo dục thể chất (GDTC) và hoạt động thể dục thể thao (TDTT) trong trường học.
Không chỉ Tiểu học Nam Sơn mà rất nhiều trường học trong tỉnh nay đã được đầu tư cả sân bóng đá cỏ nhân tạo và bể bơi như thế. Tính đến hết năm học 2020 - 2021, trong các đơn vị, trường học đã có 104 nhà tập luyện và thi đấu đa năng được đầu tư nâng cấp, xây dựng; có 184 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo; có 1.131 sân bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném có bê tông; sân cầu lông; sân cầu lông, đá cầu có 883 sân. Riêng bể bơi, đến nay đã có 62 trường học có bể bơi, trong đó 11 bể bơi cố định, 51 bể bơi di động.
Cũng trong nhiều năm nay Lâm Đồng còn tăng cường số lượng và chất lượng chuyên môn của đội ngũ giáo viên GDTC. Cụ thể, có tổng cộng 886 giáo viên GDTC trong các trường phổ thông, trong đó bậc tiểu học có 353; bậc trung học cơ sở (THCS) có 336; bậc trung học phổ thông (THPT) có 197. Trong số này có 10 người là thạc sỹ, hầu hết đã tốt nghiệp đại học, có 39 người tốt nghiệp cao đẳng. Hằng năm Sở thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên GDTC, cử người tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng của Bộ GDĐT để nâng cao chuyên môn và nghiệp vụ.
Theo ông Sự, hằng năm Sở GDĐT luôn có hướng dẫn các đơn vị trường học trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ GDTC, thể thao học đường; yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc chương trình chính khóa và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ TDTT trong trường học; chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng giờ dạy môn thể dục, duy trì đều đặn thể dục giữa giờ cho học sinh. Trong năm học 2020 - 2021, Sở còn chỉ đạo các đơn vị triển khai Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, cấp huyện, thành phố, chuẩn bị tốt lực lượng vận động viên tham gia giải thể thao học sinh tỉnh Lâm Đồng.
NHIỀU HOẠT ĐỘNG TRONG TRƯỜNG HỌC
Với chương trình chính khóa, hiện toàn bộ 705 trường học phổ thông đều thực hiện đủ chương trình GDTC theo quy định của Bộ với thời lượng 2 tiết mỗi tuần. Toàn bộ các trường từ bậc tiểu học trở lên đều tổ chức luyện tập và kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thân thể cho học sinh, trong đó cấp tiểu học và THCS trên 56% tốt, trên 43,5% đạt và 0,29% chưa đạt. Với cấp THPT, trên 74,5% tốt; 24,3% đạt và chưa đạt 1,15%.
Cùng đó, Sở cũng khuyến khích trường phát triển các câu lạc bộ TDTT trong trường học. Không ít trường trong tỉnh đã có các câu lạc bộ hoạt động rất tích cực trong các bộ môn như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, bóng rổ, cầu lông, điền kinh, Karate, Vovinam, Taekwondo, Võ cổ truyền. Thống kê trong toàn tỉnh hiện có 891 câu lạc bộ TDTT hoạt động thường xuyên.
Đặc biệt, trong năm 2020 - 2021, Sở GDĐT Lâm Đồng đã tổ chức giải thể thao học sinh tỉnh Lâm Đồng, thi đấu 10 môn thể thao gồm bóng đá tiểu học, bóng đá nữ THPT; bóng bàn, cầu lông; kéo co; Karate; Vovinam; Taekwondo; Võ cổ truyền; điền kinh, tranh 304 bộ huy chương. Tổng cộng có 70 đơn vị gồm 12 Phòng GDĐT các huyện thành, 58 trường THPT với 3.105 VĐV tham gia. Ban tổ chức giải đã huy động 152 trọng tài điều hành, giám sát và phục vụ thi đấu các môn. Đánh giá về giải thể thao học sinh này, ông Sự cho biết, không chỉ số lượng học sinh tham gia đông mà chất lượng giải đã được nâng cao.
Đặc biệt, theo ông Sự, Sở GDĐT Lâm Đồng đến nay đang phối hợp rất tốt với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng để tổ chức các giải đấu học sinh trong toàn tỉnh lâu nay và trong thời gian đến như giải Vovinam học sinh; giải Võ cổ truyền học sinh; giải Karate học sinh; giải Taekwondo học sinh; giải Bóng bàn trẻ, thiếu niên, nhi đồng học sinh; giải Bóng đá mini U11 và U15 tỉnh; giải Bơi trẻ, thiếu niên, nhi đồng học sinh; giải Aerobic học sinh; giải Cờ vua học sinh...
Cùng đó hai ngành cũng phối hợp để tổ chức các lớp tập huấn về bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em; tập huấn và triển khai Võ cổ truyền cho giáo viên GDTC trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong năm nay, hai sở cũng lên kế hoạch phối hợp tổ chức giải Bóng đá U13 tỉnh Lâm Đồng năm 2021, tuy nhiên do đại dịch bùng phát nên nhiều giải đấu học sinh cũng như các giải tỉnh đều phải hoãn lại.
Theo ông Sự, nhờ đầu tư thích đáng nên nhiều trường học đến nay đã phát huy được cơ sở vật chất đang có, thúc đẩy phong trào TDTT học đường của Lâm Đồng lên bước phát triển mới.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường học trong tỉnh hiện nay, như ông Sự chia sẻ, cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục thể chất vẫn còn rất thiếu, đang chờ đợi được đầu tư, đặc biệt là các trường ở trung tâm huyện, thành phố do quỹ đất hạn hẹp. Vẫn còn tình trạng một số trường tổ chức các hoạt động thể thao cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức, khi tham gia các hoạt động do cấp trên tổ chức mang tính chiếu lệ và thành tích không cao; việc tổ chức dạy bơi cho học sinh trong các nhà trường đã được thực hiện, tuy nhiên chỉ triển khai được ở một số trường có điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí, còn lại hầu hết chưa thực hiện được.
“Chúng tôi đề xuất tỉnh cần tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, đặc biệt là bể bơi để dạy bơi, phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Ngành cũng sẽ phối hợp tốt hơn với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để trong thời gian đến mở rộng thêm nhiều sân chơi cho học đường, trong đó có bóng chuyền và bóng đá học sinh” - ông Sự cho biết.
VIẾT TRỌNG