Sau 4 trận chưa có điểm tại vòng loại thứ ba Giải Bóng đá vô địch thế giới 2022 khu vực châu Á...
Sau 4 trận chưa có điểm tại vòng loại thứ ba Giải Bóng đá vô địch thế giới 2022 khu vực châu Á, trong trận đấu ngày 11/11 sắp đến đội tuyển bóng đá Việt Nam sẽ gặp đội tuyển bóng đá Nhật Bản trên sân nhà Mỹ Đình, liệu có cơ hội nào để giành được điểm?
Các cầu thủ đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam trong một trận đấu. Ảnh: Internet |
•
NHẬT BẢN - CƯỜNG QUỐC BÓNG ĐÁ CỦA CHÂU Á
Là một trong những đội tuyển bóng đá quốc gia hàng đầu của châu Á hiện nay, đội tuyển Nhật Bản đã từng 6 lần liên tiếp đại diện châu lục tham dự Giải Bóng đá vô địch thế giới FIFA World Cup những năm gần đây, trong đó có ba lần lọt vào đến vòng 2 trong các năm 2002, 2010 và 2018.
Nhật Bản cũng là đội nắm giữ kỷ lục vô địch Cúp bóng đá châu Á với 4 lần đăng quang vào các năm 1992, 2000, 2004, 2011 và cũng là đội đầu tiên bên ngoài châu Mỹ tham dự Cúp bóng đá Nam Mỹ với tư cách là khách mời vào các năm 1999 và 2019.
Để có kết quả này, bóng đá Nhật Bản đã phải trải qua một chặng đường dài với những bước cách tân đúng lúc. Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) vốn được thành lập từ năm 1921, khá sớm trong khu vực châu Á; đội tuyển bóng đá quốc gia nước này đã có một số thành tích nhất định, từng tham dự kỳ Olympic đầu tiên vào năm 1936 và lọt vào tứ kết; từng tham gia vòng loại World Cup 1938 và 1954; từng vào vòng tứ kết tại Thế vận hội Mùa hè 1964 ở Tokyo và sau đó đã giành được Huy chương Đồng tại Thế vận hội Mùa hè 1968 tại Mexico.
Mặc dù những kết quả trên đã góp phần không nhỏ để bóng đá được công nhận ngày càng nhiều hơn ở đất nước mặt trời mọc này, nhưng việc không có một giải đấu quốc nội chuyên nghiệp đã cản trở sự phát triển của bóng đá Nhật trong khi bóng đá thế giới đang phát triển rất nhanh. Sau những kết quả của thập niên 60, đội tuyển quốc gia Nhật liên tục chật vật suốt gần 30 năm sau đó trong tranh vé vòng loại tìm cơ hội đến World Cup. Đặc biệt, tại vòng loại World Cup 1986, Nhật Bản đã đứng rất gần cơ hội có tấm vé này, nhưng lại để thua đại kình địch Hàn Quốc trong các trận đấu quyết định. Nhật sau đó tiếp tục bị loại tại Cúp bóng đá châu Á, đây được coi như một giọt nước tràn ly để Nhật Bản tiến đến cải cách giải bóng đá nội địa. Cần biết rằng cho đến thời điểm đó, hầu hết các cầu thủ tập trung trong đội tuyển quốc gia nước này đều là nghiệp dư hoặc bán chuyên nghiệp.
Hướng đến chuyên nghiệp hóa, năm 1986, Liên đoàn Bóng đá Nhật đã đưa ra giải pháp cho phép một số lượng hạn chế các cầu thủ chuyên nghiệp thi đấu ở các giải bán chuyên trong nước. Đến năm 1991, giải bóng đá bán chuyên Nhật được giải tán, thay thế là một giải đấu chuyên nghiệp với tên gọi “J.League”. Chính J.League đã nhanh chóng nâng cao vị thế bóng đá tại Nhật, cải thiện trình độ của đội tuyển quốc gia một cách ngoạn mục.
Năm 1992, khi Nhật đăng cai Cúp vô địch châu Á, đội tuyển quốc gia này đã đánh bại Saudi Arabia trong trận chung kết bằng tỷ số 1 - 0 để lên ngôi vô địch. Việc chuyên nghiệp hóa bóng đá quốc nội đã đưa bóng đá Nhật lên tầm cao mới, chất lượng cầu thủ được nâng lên, trình độ của đội tuyển quốc gia nước này nhanh chóng cải thiện, bắt đầu trở thành một thế lực thực sự của bóng đá châu Á.
Để bắt kịp các quốc gia mạnh về bóng đá, Nhật Bản đã mời những HLV tên tuổi trên thế giới về huấn luyện cho đội tuyển. Không chỉ khẳng định mình trong tầm châu lục, đội tuyển đất nước “mặt trời mọc” liên tục vào chơi vòng chung kết World Cup và tính từ World Cup 1998 đến nay Nhật chưa bao giờ vắng mặt trên sân chơi lớn này. Cùng đó, rất nhiều cầu thủ Nhật trong đội hình đội tuyển quốc gia đã đến thi đấu ở các giải bóng đá lớn trên thế giới nhiều năm nay trong đó có những ngôi sao tên tuổi.
Tại vòng loại FIFA World Cup 2022, Nhật Bản được xếp cùng bảng với Myanmar, Tajikistan, Kyrgyzstan và Mông Cổ. Họ đã không mấy khó khăn để vượt qua bảng đấu này và vào vòng thứ ba. Chơi ở Bảng B, trận đầu tiên trên sân nhà gặp Oman, dù tấn công từ đầu đến cuối nhưng Nhật Bản đã bị đội khách chọc thủng lưới 0-1; họ thắng Trung Quốc 1-0 và rồi lại bị thua trận thứ ba trước một đội Tây Á khác là Saudi Arabia trên sân khách cũng bằng tỷ số 0-1, nhưng gần đây nhất, họ đã trở lại với chiến thắng khi vượt qua Úc bằng tỷ số 2-1 trên sân nhà.
•
NIỀM MONG CHỜ Ở SÂN MỸ ĐÌNH
Với 12 đội tranh tài, vòng loại thứ ba Giải Bóng đá vô địch thế giới khu vực châu Á chia làm 2 bảng, trong đó Bảng A gồm Iran, Hàn Quốc, Lebanon, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iraq và Syria; Bảng B có Saudi Arabia, Úc, Oman, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam.
Theo quy định, các đội trong mỗi bảng thi đấu vòng tròn 2 lượt đi và về; 2 đội đứng đầu mỗi bảng sẽ giành vé dự Vòng chung kết FIFA World Cup 2022 tại Qatar. Hai đội đứng thứ 3 mỗi bảng sẽ thi đấu với nhau để tranh nửa tấm vé vớt (Play-off) còn lại với 2 lượt đi về trên sân nhà và sân khách; đội thắng sẽ tiếp tục thi đấu với đại diện của châu lục khác để giành tiếp nửa tấm vé vớt khác, đội nào thắng sẽ giành trọn tấm vé đến Qatar.
Tổng cộng có 5 đợt tập trung đội tuyển quốc gia để thi đấu vòng loại thứ 3 này vào các tháng 9/2021, tháng 10/2021, tháng 11/2021, tháng 1/2022 và tháng 3/2022. Ở mỗi đợt tập trung, các đội tuyển sẽ lần lượt đá 2 trận vòng loại trong tháng cho đến khi hoàn tất vòng đấu.
Cho đến nay, tại Bảng A, sau 4 lượt trận, dẫn đầu là Iran với 3 trận thắng, 1 trận hòa, được 10 điểm; đứng nhì là Hàn Quốc với 2 trận thắng, 2 trận hòa, được 8 điểm; kế tiếp là Lebanon được 5 điểm; Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất và Iraq cùng được 3 điểm; đứng cuối bảng là Syria với 1 trận hòa được 1 điểm.
Còn trong Bảng B, dẫn đầu là Arab Saudi với 4 trận toàn thắng, được 12 điểm; đứng nhì là đội Úc với 3 thắng, 1 thua, được 9 điểm; cả 2 đội Oman và Nhật Bản có được 2 trận thắng, cùng được 6 điểm; đội tuyển Trung Quốc có được 1 trận thắng được 3 điểm và đứng cuối bảng là Việt Nam với 4 trận toàn thua, chưa có được điểm nào.
Rõ ràng, đây vẫn là một sân chơi vượt tầm, tất cả các đối thủ đều mạnh và việc đội tuyển quốc gia Việt Nam vào đến đây đã là một thành công rất lớn của đội tuyển Việt Nam. Có thể thấy dưới sự huấn luyện của HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam đã chơi không e dè bất cứ đối thủ nào. Tùy theo tính chất từng trận đấu mà vị HLV này có thể bố trí các vị trí cho phù hợp nhưng hầu hết các cầu thủ được đưa vào sân đều chơi hay, đặc biệt là hàng công. Dù thua nhưng chỉ có trận đấu trước Australia là không ghi bàn, ba trận còn lại các cầu thủ Việt Nam đều ghi ít nhất một bàn, thậm chí có đến 2 trận vươn lên dẫn trước là trận gặp Saudi Arabia và Oman - đó đều là những con số rất đáng kể đến từ màn trình diễn chung của đội tuyển.
Trong tháng 11 này, đội tuyển Việt Nam có liền 2 trận đấu trên sân nhà Mỹ Đình, đó là vào ngày 11/11 gặp Nhật Bản và sau đó ít ngày, ngày 16/11, sẽ gặp Saudi Arabia. Cả 2 đối thủ này đều rất mạnh, nhưng đội tuyển Việt Nam đang có một cơ hội rất lớn khi thi đấu trên sân nhà quen thuộc, chơi trong một khung giờ hợp lý (19 giờ) cùng sự ủng hộ cuồng nhiệt của khán giả nhà. Liệu thầy trò HLV Park Hang-seo có tận dụng được cơ hội này để có thể kiếm được ít nhất là 1 điểm cho mỗi trận đấu này. Hãy chờ xem!
VIẾT TRỌNG