Khi trường học thành điểm sinh hoạt thể dục thể thao cộng đồng

05:11, 18/11/2021

Là một trường học nhưng Ban Giám hiệu nơi đây đã biến sân trường thành một địa điểm sinh hoạt, tập luyện thể dục thể thao cho cả cộng đồng dân cư trong khu vực. 

Là một trường học nhưng Ban Giám hiệu nơi đây đã biến sân trường thành một địa điểm sinh hoạt, tập luyện thể dục thể thao (TDTT) cho cả cộng đồng dân cư trong khu vực. 
 
Sân trường thành một điểm sinh hoạt của cộng đồng dân cư địa phương. Trong ảnh: Một lớp tập Yoga của người địa phương
Sân trường thành một điểm sinh hoạt của cộng đồng dân cư địa phương. Trong ảnh: Một lớp tập Yoga của người địa phương
 
•  SÂN TRƯỜNG THÀNH ĐIỂM SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG 
 
Với khuôn viên rộng và trường lớp xây dựng khang trang, Trung học cơ sở (THCS) Lạc Lâm là một ngôi trường rất đẹp, chất lượng dạy và học cũng vào hàng tốp đầu của ngành Giáo dục Đơn Dương hiện nay. 
 
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Lâm, trường được thành lập từ năm 1997; gần đây đã được đầu tư trên 15 tỷ đồng để xây mới hoàn chỉnh lại gần như toàn bộ trường. Hiện trường có 20 phòng học rộng rãi, 6 phòng bộ môn, nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh, một hội trường rộng; khu văn phòng rất đẹp. Nhà trường có nhiều thành tích trong những năm gần đây, 6 năm liền cho đến nay là tập thể lao động xuất sắc trong khối trường học Đơn Dương. Trong niên khóa 2001 - 2022, Trường THCS Lạc Lâm có 778 học sinh với 20 lớp học, mỗi khối 5 lớp. 
 
Chỉ tính riêng khuôn viên sân trường, theo Ban giám hiệu trường, đã rộng đến gần 4.000 m2. Toàn bộ sân phía trước được trường thảm bê tông rồi phủ cỏ nhân tạo lên trên trông rất bắt mắt, tổng chi phí cho việc trải thảm cỏ nhân tạo này trên 500 triệu đồng. Ngay giữa sân là một ngôi nhà vòm có mái che để học sinh đọc sách, tránh mưa; sân được trang bị đèn thắp sáng ban đêm do một nhà tài trợ hỗ trợ; quanh sân nhà trường lắp các bộ dụng cụ thiết bị tập thể dục đa năng ngoài trời, tổng trị giá các bộ thiết bị tập này khoảng 600 triệu đồng. Trường còn có sân trường phía sau, nơi đây có sân cầu lông, sân bóng chuyền, có một sân bóng đá cỏ nhân tạo có lắp đèn thi đấu đêm và một nhà với hồ bơi bên trong. 
 
Toàn bộ cơ sở vật chất TDTT này, theo cô giáo Hương, được dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trong trường vận động; phục vụ các giờ học giáo dục thể chất, sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức các giải thể thao cho học sinh trong trường.
 
Nhờ cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT được đầu tư, nhiều năm nay, THCS Lạc Lâm là một địa chỉ có phong trào hoạt động TDTT học đường rất mạnh của ngành Giáo dục Đơn Dương. Đoàn học sinh của trường liên tục nhiều năm liền trong tốp dẫn đầu toàn đoàn của huyện trong các kỳ Hội khỏe Phù Đổng; nhiều học sinh của trường giành huy chương nhiều bộ môn thể thao trong Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh.
 
Đặc biệt, cơ sở vật chất dành cho TDTT trong những năm gần đây còn được trường mở cửa cho cộng đồng dân cư bên ngoài vào sử dụng, sinh hoạt, tập luyện, thi đấu tại đây. 
 
Cụ thể, theo cô Hương, trường thường xuyên mở cửa vào các buổi sáng sớm, buổi chiều tối khi tan trường và trong các ngày cuối tuần cho người dân nơi đây vào tập luyện. Phía sân trước người dân có thể vào đi bộ, vào sử dụng các thiết bị tập ngoài trời, tập Yoga, chơi cầu lông, đá bóng; sân phía sau các nhóm sẽ thi đấu cầu lông, bóng chuyền và bóng đá sân cỏ nhân tạo. “Khi dịch chưa bùng phát thì mỗi ngày chừng 40 - 50 người, gần đây để phòng dịch thì trường có hạn chế bớt. Hầu hết là người địa phương, quen biết nhau. Nhà trường có bố trí bảo vệ trực đêm, ban đêm nơi đây đèn thắp sáng từ sân trước sân sau cho mọi người sinh hoạt” - cô Hương cho biết.
 
•  HỒ BƠI NƯỚC NÓNG CHO HỌC SINH 
 
Điểm độc đáo nhất trong các cơ sở vật chất dành cho TDTT của trường học nơi đây mà chúng tôi muốn nói đến chính là hồ bơi nước nóng dành cho học sinh tập bơi trong phòng, chống đuối nước. 
 
Một thống kê của ngành Giáo dục Đào tạo Lâm Đồng cho biết, tính đến thời điểm này, đã có 62 trường học có hồ bơi, trong đó 11 hồ bơi cố định, 51 hồ bơi di động. Nhưng hồ bơi tại Trường THCS Lạc Lâm chính là hồ bơi nước nóng đầu tiên của tỉnh dành cho học sinh với tổng đầu tư trên 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Hồ có chiều dài 20 m, chiều rộng 5 m, chiều sâu từ 0,8 m đến 1,2 m. 
 
Do vốn đầu tư cho hồ bơi khá lớn nên nhà trường đã chia nhỏ, đầu tư từng bước thành 3 giai đoạn. Bắt đầu từ năm 2018 trường đã cho làm hồ, rồi dần hoàn chỉnh hệ thống nhà vệ sinh, nhà tắm, phòng thay đồ cho học sinh tại khu vực bể bơi và giai đoạn cuối là mua và lắp thiết bị lọc nước cùng hệ thống nước nóng để cấp nước cho hồ bơi. Các trang thiết bị nơi đây được nhà trường chọn rất kỹ trước khi mua với tiêu chí đặt ra là tốt, bền, an toàn. Công trình hồ bơi này được trường đầu tư khép kín, từ nhà, hồ bơi trong nhà, hệ thống nhà vệ sinh nối liền. 
 
Đầu năm 2020, khi đưa hồ bơi vào vận hành, lập tức đã có gần 450 học sinh trong trường, với sự đồng ý của phụ huynh, đăng ký tập bơi khóa đầu tiên của trường. Một khóa học bơi như là hoạt động ngoại khóa như thế kéo dài 2 tháng, hồ bơi có 3 huấn luyện viên hướng dẫn bơi hằng ngày; chi phí cho khóa học bơi 300 nghìn đồng. Còn học sinh muốn sử dụng hồ bơi lâu dài chỉ cần mua một thẻ bơi (kiểu như thẻ hội viên) do nhà trường cung cấp, trị giá mỗi thẻ 230 nghìn đồng, để sử dụng bơi cho 4 năm học từ lớp 6 đến lớp 9 tại đây. Số tiền thu được từ dạy bơi và thẻ hoạt động được trường sử dụng trang trải cho các chi phí hồ bơi như trả tiền nước, tiền hóa chất, tiền vệ sinh hồ, tiền điện, tiền hợp đồng huấn luyện viên dạy bơi… 
 
Sau khóa học bơi đầu tiên này, vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát nên trường đã không tổ chức thêm được khóa học bơi nào, bể bơi cho đến nay phải đóng cửa ngừng hoạt động.
 
Và hiệu ứng của hồ bơi nước nóng này tạo ra trong vùng rất rõ. Như Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, sau khi hồ bơi được đưa vào sử dụng, nhiều người dân địa phương có con em học các trường học khác trong vùng đã đến đăng ký với trường cho con em mình vào tập bơi tại đây. Không chỉ lên kế hoạch dạy cho học sinh các trường khác trong vùng lúc bể bơi hoạt động trở lại khi được phép trong thời gian đến, Ban Giám hiệu trường còn cho biết người dân trong vùng cũng có thể sử dụng bể bơi này sau giờ học bơi của học sinh. 
 
Cũng nói thêm một chút về công sức rất lớn của một thầy giáo trong việc xây dựng trường lớp khang trang cũng như cho các công trình TDTT của ngôi trường này. Đó là thầy Trần Ngọc Minh, Hiệu trưởng nhiệm kỳ vừa rồi của Trường THCS Lạc Lâm, nay là chuyên viên của Phòng Giáo dục Đào tạo Đơn Dương. Trước đây thầy Minh từng là Hiệu trưởng của THCS Ka Đô, cũng đã góp phần không nhỏ trong xây dựng nên một ngôi trường đẹp đẽ trong xã Ka Đô. Khi được điều động ra làm Hiệu trưởng tại THCS Lạc Lâm, thầy Minh đã dành công sức để xây dựng ngôi trường thành một điểm sáng của Giáo dục Đơn Dương, đặc biệt là góp công rất lớn trong việc xây dựng các công trình phục vụ giáo dục thể chất, hoạt động TDTT của trường trong đó có hồ bơi nước nóng này.  
 
Điều đáng tiếc khi chúng tôi đến đây chính là hồ bơi này với diện tích chỉ 100 m2, khá hẹp về bề ngang. Theo thầy Minh và cô Hương, nhà trường chỉ được phép xây dựng đúng theo chuẩn tập bơi cho học sinh theo quy định của Bộ. Nếu được phép xây dựng rộng hơn, hồ bơi nước nóng này không chỉ là điểm tập bơi thuần túy mà là một hồ bơi hoàn chỉnh để huyện Đơn Dương và cho cả ngành Giáo dục Đào tạo Lâm Đồng phối hợp với ngành Văn hóa - Thông tin - Thể thao tỉnh có thể tổ chức các giải bơi học sinh hằng năm tại đây. Theo chúng tôi, liệu có thể “nâng cấp” hồ bơi nước nóng này, mở rộng thêm các đường bơi để tổ chức giải bơi thể thao học đường tại đây và các trường học khác trong tỉnh cũng cần tham khảo mô hình hồ bơi nước nóng này để xây dựng cho công tác dạy bơi, phòng, chống đuối nước hiện nay.
 
VIẾT TRỌNG