Từ ngày 5/12/2021 đến 1/1/2022, giải Vô địch bóng đá Đông Nam Á 2020 (2020 AFF Suzuki Cup) sẽ khởi tranh tại Singapore trong đó có sự tham dự của Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam với tư cách là đương kim vô địch.
Từ ngày 5/12/2021 đến 1/1/2022, giải Vô địch bóng đá Đông Nam Á 2020 (2020 AFF Suzuki Cup) sẽ khởi tranh tại Singapore trong đó có sự tham dự của Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam với tư cách là đương kim vô địch.
Đội tuyển bóng đá Việt Nam sẽ phải bảo vệ danh hiệu đương kim vô địch của mình tại AFF Suzuki Cup 2020. Ảnh: Internet |
•
TỪ TIGER CUP ĐẾN SUZUKI CUP
Giải Vô địch bóng đá Đông Nam Á (tiếng Anh: ASEAN Football Championship - gọi tắt AFF Cup) là giải đấu bóng đá giữa các đội tuyển bóng đá nam quốc gia đại diện cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á do Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Football Federation - AFF) tổ chức. Giải diễn ra 2 năm một lần vào các năm chẵn, trừ trường hợp đặc biệt như năm 2007 và năm 2021 này chẳng hạn.
Ý tưởng tổ chức một giải đấu với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á được manh nha từ lâu, nhưng phải đến năm 1984 mới hình thành được giải đấu AFF này. Lúc đầu có 6 thành viên gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, sau đó giải có thêm các thành viên khác vào năm 1996 gồm Việt Nam, Myanmar, Lào và Cambodia. Năm 2004 AFF đã kết nạp thêm một thành viên mới nữa là Đông Timor và gần đây trong năm 2013 giải được mở rộng thêm một thành viên khác là Úc. Tuy nhiên, cho đến nay Úc chưa xuất hiện tại giải đấu này lần nào, nguyên do chính là đội tuyển xứ chuột túi Kangaroo này mang dáng dấp của một đội bóng châu Âu, rất mạnh, vượt lên cao hẳn so với trình độ bóng đá chung của khu vực Đông Nam Á, khi tham dự sẽ tạo chênh lệch rất lớn trong giải.
Với sự bảo trợ của hãng bia Tiger, giải đầu tiên được tổ chức tại Singapore năm 1996 được mang tên là Tiger Cup. Trong năm đó, có 10 đội tuyển tham dự, nhà vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên tại giải đấu này chính là Thái Lan.
Cái tên Tiger Cup tiếp tục được giữ đến 5 mùa giải vào năm 2004. Đến giải lần thứ 6, năm 2007, khi hãng Tiger hết tài trợ, giải được gọi là AFF Cup. Nhưng sau đó, trong lần tổ chức thứ 7, giải được mang tên một nhà tài trợ mới, đó là hãng xe Suzuki của Nhật. Từ đó đến nay, giải Vô địch bóng đá Đông Nam Á được mang tên là AFF Suzuki Cup.
Cho đến nay, sau 12 lần tổ chức giải, đã có 4 đội tuyển quốc gia giành được danh hiệu vô địch. Thái Lan kể từ khi giành giải lần đầu tiên vẫn tiếp tục khẳng định được ưu thế của mình khi giành được đến 4 chức vô địch nữa. Điều này cũng phản ánh khá đúng với thực trạng của nền bóng đá Thái luôn trong tốp đầu của Đông Nam Á. Đội tuyển Singapore cũng rất mạnh với 4 lần vô địch. Bóng đá Việt Nam, với sự vươn lên mạnh mẽ gần đây cũng giành được 2 danh hiệu vô địch; còn đội tuyển Malaysia cũng từng 1 lần bước lên bục vinh quang..
Theo đúng lịch trình, AFF Suzuki Cup 2020 phải được tổ chức từ năm 2020 (từ 23/11 đến 31/12), nhưng do đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp thế giới và ở các quốc gia Đông Nam Á, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á đã quyết định lùi lại giải đấu này đến giữa tháng 4 và tháng 5/2021. Tuy nhiên, đến tháng 12/2020, Ban tổ chức giải đã phải tiếp tục lùi thêm để các quốc gia đủ thời gian chuẩn bị. Ngày được chốt cho giải đấu này là 5/12/2021 đến 1/1/2022.
Dù được dời lại mốc thời gian thi đấu nhưng cũng tương tự các giải đấu ở châu Âu hay trên thế giới vừa rồi, giải đấu này vẫn gọi là AFF Suzuki Cup 2020.
•
2 ĐỘI TUYỂN KHÔNG MANG TÊN QUỐC GIA
Diễn ra trong lúc dịch bệnh còn bùng phát khắp nơi nên thể thức thi đấu của AFF Suzuki Cup 2020 sẽ không giống như giải diễn ra năm 2018 trước đó.
Cụ thể, do Brunei rút lui nên chỉ còn 10 đội tuyển quốc gia trong khu vực thi đấu, chia đều trong 2 bảng, mỗi bảng đều có 5 đội. Bảng A gồm Thái Lan, Singapore, Philippines, Myanmar và Timor Leste; bảng B gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Lào và Cambodia. Thay vì thi đấu theo thể thức sân nhà - sân khách giống năm 2018, giải năm nay các đội tập trung thi đấu tại một quốc gia, đó là Singapore, các đội trong mỗi bảng thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm.
Kết thúc vòng bảng, hai đội nhất nhì mỗi bảng sẽ được quyền vào chơi vòng bán kết. Vòng bán kết có 2 lượt đi và lượt về; đội nhất bảng A sẽ gặp nhì bảng B và ngược lại, nhì bảng A sẽ gặp đội nhất bảng B. Hai đội thua tại bán kết xếp đồng hạng ba; hai đội dẫn đầu tiếp tục vào tranh chung kết, đá 2 lượt, lượt đi và lượt về, trận chung kết đầu tiên diễn ra ngày 29/12/2021, trận lượt về diễn ra vào ngày 1/1/2022, đội nào thắng lên ngôi vô địch.
Theo Ban tổ chức, trong các trận đấu các đội được quyền thay 5 cầu thủ như khuyến nghị của Liên đoàn Bóng đá thế giới - FIFA và công nghệ VAR không được áp dụng tại giải.
Cho đến nay, hầu hết các đội bóng trong khu vực đều đã có thời gian khá dài đủ để chuẩn bị mọi thứ cho giải. Việc bảo vệ danh hiệu vô địch năm nay của Việt Nam có vẻ thuận lợi vì đội đang tập trung thi đấu tại Vòng loại thứ 3 châu Á trong khuôn khổ FIFA World Cup 2022 với các đối thủ rất mạnh. Dù chưa giành được điểm số nào tại vòng loại này, tuy nhiên những trận đấu với các đối thủ hàng đầu châu lục vừa qua đã giúp các cầu thủ Việt Nam tự tin hơn trong sân chơi khu vực.
Một điều đáng chú ý là việc có 2 quốc gia Đông Nam Á không được mang quốc kỳ tại giải lần này, đó là Thái Lan và Indonesia. Theo Cơ quan phòng chống sử dụng chất kích thích trong thi đấu thể thao (Doping) thế giới (WADA) công bố gần đây, 2 quốc gia trên cùng với Triều Tiên đã không tuân thủ luật chống Doping thế giới. Cụ thể, Triều Tiên và Indonesia bị phạt là do không thực hiện các chương trình xét nghiệm Doping hiệu quả; còn Thái Lan không thực hiện đầy đủ Bộ luật chống Doping năm 2021.
Chính vì vậy, WADA đã cấm 3 quốc gia trên không được đăng cai giải đấu khu vực, châu lục và thế giới; các đoàn thể thao, đội tuyển và VĐV của 3 quốc gia này vẫn được tham dự các giải đấu quốc tế nhưng sẽ phải thi đấu dưới danh nghĩa khác. Thay vì quốc kỳ 2 nước được treo tại giải đấu, 2 nước này sẽ dùng cờ nền trắng có in biểu tượng của Liên đoàn Bóng đá 2 nước là FAT (Hiệp hội Bóng đá Thái Lan, viết tắt từ tiếng Anh - Football Association of Thailand) và PSSI (Hiệp hội Bóng đá Indonesia, viết tắt từ tiếng Indonesia - Persatuan Sepak bola Seluruh Indonesia). Hình phạt này sẽ kéo dài một năm.
Trước đây WADA đã từng phạt nhiều quốc gia tương tự, gần đây nhất có nước Nga. Tại Olympic Tokyo 2020 vừa rồi, đoàn VĐV Nga đã phải thi đấu dưới danh nghĩa của Ủy ban Olympic Nga - ROC, không được cử quốc kỳ và quốc ca. Trong trường hợp lệnh cấm của Thái Lan và Indonesia trong dịp này, cùng với AFF Suzuki Cup, 2 nước còn không được dùng quốc kỳ của mình tại SEA Games và vòng loại giải Vô địch Bóng đá châu Á Asian Cup sắp tới.
VIẾT TRỌNG