Saudi Arabia, đội tuyển bóng đá mạnh ở châu Á

04:11, 11/11/2021

Ngày 16/11, đội tuyển bóng đá Việt Nam trong khuôn khổ Vòng loại thứ 3 Giải Bóng đá vô địch thế giới 2022 khu vực châu Á sẽ gặp lại Saudi Arabia...

Ngày 16/11, đội tuyển bóng đá Việt Nam trong khuôn khổ Vòng loại thứ 3 Giải Bóng đá vô địch thế giới 2022 khu vực châu Á sẽ gặp lại Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út) - một đội tuyển rất mạnh của bóng đá châu Á trên sân nhà Mỹ Đình, Hà Nội. 
 
Các cầu thủ đội tuyển bóng đá quốc gia Saudi Arabia trong một trận đấu. Ảnh: Internet
Các cầu thủ đội tuyển bóng đá quốc gia Saudi Arabia trong một trận đấu. Ảnh: Internet
 
•  VƯƠN LÊN TẦM CHÂU LỤC
 
Nếu nói về lịch sử bóng đá thì Saudi Arabia không phải là một quốc gia có nền bóng đá lâu đời so với nhiều quốc gia khác trong châu lục. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là đội tuyển bóng đá quốc gia này dù mới hình thành trong khoảng 60 năm nay nhưng họ đã kịp thời vươn lên rất nhanh, nhất là trong vòng 30 năm trở lại đây, trở thành một thế lực bóng đá lớn ở Tây Á và cả châu Á.
 
Là một quốc gia vương quyền giàu có về tài nguyên dầu mỏ ở Tây Á, Saudi Arabia có tổng diện tích rộng lớn với trên 2,1 triệu km2, mênh mông sa mạc. Tổng dân số hiện nay của quốc gia này trên 34,2 triệu người, 93% dân số theo đạo Hồi; gần 90% trong số này theo dòng Hồi giáo Suni, phần dân số còn lại theo dòng Shia; tổng thu nhập tính trên đầu người khá cao, trên 23.566 USD; thủ đô là Riyadh. 
 
Saudi Arabia có giải bóng đá quốc gia từ năm 1957, giải phân chia trong nước thành các khu vực đông, tây, bắc và vùng trung tâm, đội nào thắng trong mỗi vùng sẽ đại diện vào tranh Cúp Nhà vua để tranh danh hiệu vô địch quốc gia trong năm. Đến năm 1981, giải bóng đá này mở rộng thêm số đội tranh tài và bắt đầu phân thêm hạng thi đấu. Thập niên 90, bóng đá nước này dần bước vào con đường chuyên nghiệp hóa; năm 2007 giải bóng đá chuyên nghiệp của quốc gia này ra đời; một trong những đội bóng nổi tiếng hàng đầu của nước này là Al-Hilal với 17 lần vô địch quốc gia. Hiện nay giải chuyên nghiệp quốc gia này có 14 đội, 16 đội hạng nhất, 20 đội hạng nhì, được chia làm 2 bảng. 
 
Trên nền của giải quốc nội, đội tuyển bóng đá quốc gia Saudi Arabia thành lập khá sớm, từ năm 1951, lúc đầu cho các trận đấu giao hữu trong khu vực. Cầu thủ của đội tuyển chủ yếu được chọn từ các đội lớn của quốc gia này, trong đó có không ít cầu thủ của đội Al-Hilal. Năm 1956, Liên đoàn Bóng đá quốc gia của nước này được thành lập, đến năm 1957, đội tuyển quốc gia tham gia giải quốc tế đầu tiên, đó là Giải Bóng đá các quốc gia Arab (Pan-Arab Games) tổ chức lần thứ 2 tại Beirut - Lebanon. 
 
Tuy nhiên, sau đó đội tuyển quốc gia nước này hầu như chẳng thi đấu thêm một giải quốc tế nào, mãi cho đến năm 1984, đội tuyển mới được tập trung trở lại để tham dự Giải Bóng đá Vô địch châu Á (AFC Asian Cup, diễn ra 4 năm 1 lần). Điều ngạc nhiên đã xảy ra, ngay lần đầu tiên tham dự, đội bóng nước này đã lần lượt vượt qua các đối thủ rất mạnh để đi đến trận chung kết. Trong trận chung kết họ đã thắng Trung Quốc 2-0 để giành chức vô địch châu Á ngay trong năm này.
 
Sau thành tích vang dội trên, họ liên tục vào đến trận chung kết của 4 Giải Vô địch châu Á liền sau đó, trong đó 2 lần giành được Cúp vô địch vào năm 1988 và năm 1996. Năm 2007 họ tiếp tục lọt vào đến trận chung kết, thua 0-1 trước đội Iraq nên chỉ về Nhì, Iraq vô địch châu Á năm này.
 
Cho đến nay, đội tuyển Saudi Arabia vẫn là một đội rất mạnh của châu Á và là một hình mẫu về thành công của bóng đá Tây Á. Trong Giải Vô địch châu Á, họ luôn là một đối thủ rất khó chịu cho bất kỳ đội bóng nào.
 
Cũng nói thêm một chút về sự kình địch của đội tuyển quốc gia nước này với đội tuyển các quốc gia khác trong khu vực Tây Á. Giống như vùng Đông Bắc Á với sự cạnh tranh quyết liệt giữa 2 đội tuyển Nhật Bản và Hàn Quốc thì tại Tây Á, đội tuyển Saudi Arabia cũng chẳng chịu thua kém gì khi gặp đại kình địch Iran. Vì nhiều lý do về lịch sử, về tôn giáo, những trận đấu giữa 2 đội tuyển quốc gia này luôn quyết liệt trên mức cần thiết. Trong lịch sử 15 lần gặp nhau của 2 đội này, Saudi Arabia thắng 4, hòa 6 và thua 5. 
 
•  VƯƠN RA THẾ GIỚI 
 
Không ngừng lại ở tầm châu lục, đội tuyển Saudi Arabia bắt đầu vươn ra sân chơi thế giới. Tuy nhiên, bóng đá châu Á rõ ràng có một khoảng cách nhất định với nhiều nền bóng đá các châu lục khác; Saudi Arabia có kết quả tốt trên sân chơi châu Á nhưng khi ra ngoài đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. 
 
Năm 1994, lần đầu tiên tham dự vòng loại, Saudi Arabia đã chính thức giành được tấm vé đến góp mặt tại Vòng chung kết FIFA World Cup tổ chức tại Mỹ. Với sự cầm quân tài tình của HLV Jorge Solari người Argentina cùng các cầu thủ có kinh nghiệm của quốc gia này, Saudi Arabia đã lần lượt đánh bại đội tuyển Bỉ và Morocco để vượt qua vòng bảng, vô vòng 1/16. Trong vòng 1/16, đáng tiếc thất bại trước đội tuyển Thụy Điển, phải rời cuộc chơi nhưng đây thực sự đã là một chiến công huy hoàng của bóng đá Tây Á 
 
Trong 3 vòng loại FIFA World Cup sau đó, Saudi Arabia đều giành vé đến sân chơi thế giới nhưng đều không vượt qua vòng bảng đầu tiên. 2 kỳ World Cup 2010 và 2014 họ không vượt qua được vòng loại tranh vé châu Á. Nhưng đến World Cup 2018 vừa rồi, Saudi Arabia lại tiếp tục giành được vé chính thức để đến tranh tài tại Nga. Tại trận đấu đầu tiên trong Vòng chung kết World Cup, họ bị dội nước lạnh khi đội chủ nhà Nga ghi đến 5 bàn vào lưới không gỡ; sau đó họ tiếp tục thua Uruguay 0-1 để ngừng cuộc chơi ngay vòng bảng đầu tiên. 
 
Tại vòng loại châu Á FIFA World Cup 2022, Saudi Arabia đã cùng 11 đội khác vào đến vòng loại thứ ba. 12 đội này chia làm 2 bảng, trong đó Bảng A gồm Iran, Hàn Quốc, Lebanon, các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iraq và Syria; Bảng B gồm Saudi Arabia, Úc, Oman, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Các đội trong mỗi bảng sẽ phải thi đấu vòng tròn 2 lượt đi và về kéo dài từ tháng 9/2021 đến 3/2022; chỉ 2 đội đứng đầu mỗi bảng mới giành được tấm vé chính thức dự Vòng chung kết FIFA World Cup 2022 tại Qatar. Nửa tấm vé vớt (Play-off) còn lại, 2 đội đứng thứ 3 mỗi bảng sẽ thi đấu với nhau với 2 lượt đi - về sân nhà và sân khách; đội thắng sẽ tiếp tục thi đấu với đại diện của châu lục khác để giành tiếp nửa tấm vé vớt khác đến Qatar.
 
Rõ ràng trong Bảng B có cả 3 đội rất mạnh của châu Á và đều có tham vọng hiện nay là Úc, Nhật Bản và Saudi Arabia. Trong số này, Nhật Bản là thế lực bóng đá lớn ở Đông Á; Úc rời châu Đại Dương gia nhập Liên đoàn Bóng đá châu Á với mục tiêu rõ ràng là để tranh vé chính thức dự World Cup; còn Saudi Arabia những năm gần đây không chỉ giành được quyền vào đến Vòng chung kết FIFA World Cup mà họ còn lên kế hoạch cùng Ý xin đăng cai World Cup 2030. Hãy chờ xem trong 3 đội đội nào sẽ có tấm vé chính thức của Bảng B trong tháng 3/2022 sắp đến. 
 
Với đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, những cuộc chạm trán với các đội mạnh này, trong đó có cuộc gặp với Saudi Arabia trên sân Mỹ Đình vào ngày 16/11 sắp tới, là một kinh nghiệm cực kỳ quý báu trên con đường nỗ lực vượt ra khỏi sân chơi Đông Nam Á, vươn lên tầm châu lục cả trước mắt và lâu dài.
 
VIẾT TRỌNG