Khi bóng đá Lào trông chờ vào cầu thủ từ nước ngoài về

06:12, 02/12/2021

Là quốc gia trong vùng Đông Nam Á có đường biên giới chung với Việt Nam, bóng đá Lào gần đây đã có những bước phát triển mới...

Là quốc gia trong vùng Đông Nam Á có đường biên giới chung với Việt Nam, bóng đá Lào gần đây đã có những bước phát triển mới. Tuy nhiên, để vươn lên thành một đội bóng tên tuổi của khu vực, họ cần thêm nhiều nguồn lực, nhất là kinh nghiệm của các cầu thủ thi đấu ở nước ngoài mang về.
 
Tiền đạo Billy Ketkeophomphone 31 tuổi thi đấu nhiều năm ở châu Âu, đang mang lại hy vọng mới cho đội tuyển quốc gia Lào. Ảnh: Internet
Tiền đạo Billy Ketkeophomphone 31 tuổi thi đấu nhiều năm ở châu Âu, đang mang lại hy vọng mới cho đội tuyển quốc gia Lào. Ảnh: Internet
 
•  NHỮNG BƯỚC PHÁT TRIỂN 
 
Với tổng diện tích gần 238 km2 (rộng chừng 74% diện tích Việt Nam) nhưng dân số chỉ hơn 7 triệu người, Lào là một quốc gia đất rộng người thưa và là nước duy nhất trong vùng Đông Nam Á có biên giới không tiếp giáp biển.
 
Ở Lào có 2 môn thể thao rất phổ biến, đó là bóng đá và võ dân tộc. Môn võ còn gọi là Muay Lào, dùng để tự vệ cũng như để rèn luyện thể thao, về hình thức cũng giống võ Muay Thái, võ Lethwei của Myanmar, võ Pradal Serey của người Cambodia. 
 
Riêng với bóng đá, người Pháp đã mang bóng đá vào đây từ lâu và dần trở thành một môn thể thao hàng đầu. Liên đoàn Bóng đá Lào thành lập khá sớm; từ năm 1952 Lào đã là thành viên của FIFA. Tuy nhiên, do chiến tranh trong nhiều năm, do điều kiện kinh tế hạn hẹp nên bóng đá Lào mãi gần đây mới có bước phát triển mới.
 
Đến nay Lào đã có một giải bóng đá trong nước với nhiều câu lạc bộ (CLB) tham dự, có phân hạng nhất nhì, có lên hạng xuống hạng hằng năm. Giải vô địch quốc gia bắt đầu từ năm 1990, đến năm 2014 Lào hình thành giải bóng đá chuyên nghiệp gọi là giải Ngoại hạng - Premier League với 10 đội tranh tài; đến năm 2015 giải đấu này mở rộng lên 14 đội. 
 
Cũng giống như nhiều quốc gia, các CLB bóng đá ở Lào cần nguồn lực tài chính và phải thay đổi tên đội hằng năm tùy theo các nhà tài trợ, có đội còn giữ được tên nhiều năm liền nhưng cũng có những đội khi nhà tài trợ rút lui là mất luôn tên. 14 đội tại Ngoại hạng Lào hiện nay gồm Champasak United, CSC Champa, Eastern Star, Điện lực Lào, Lanexang, Lanexang United; Quân đội Lào; Cảnh sát Lào; Lào Toyota, Đại học Quốc gia Lào; Savan United; Saythany City; VSV United và Young Elephant. 
 
Trong 14 đội trên, đội giàu thành tích nhất chính là CLB Quân đội Lào với 8 lần vô địch quốc gia, tuy nhiên lần vô địch gần đây nhất của đội này cũng từ năm 2008. Có 2 đội khác cũng đạt thành tích tốt là Yotha FC và Toyota Lào. Yotha FC là một CLB bóng đá tại thủ đô Viêng Chăn, đội bóng này từng đổi tên nhiều lần tùy theo nhà tài trợ, đến nay từng giành đến 4 chức vô địch. Còn Toyota Lào cũng đóng chân tại Viêng Chăn, được thành lập năm 2013 với tên ban đầu là CLB Bóng đá Chanthabouly, sau đó được Công ty Toyota Lào tài trợ, giành danh hiệu vô địch Lào năm 2015 và sau đó họ lên ngôi vô địch thêm 3 lần liên tiếp nữa vào năm 2017, 2018 và 2019 gần đây. 
 
Điều thú vị là có 2 đội bóng liên qua đến các đơn vị Việt Nam làm ăn bên Lào cũng từng vô địch quốc gia Lào. Đó là đội Hoàng Anh Attapeu do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thành lập tại Attapeu, giành chức vô địch Lào năm 2014. Đội còn lại là đội SHB Champasak. Đội được thành lập năm 2008 tại tỉnh Champasak; năm 2012, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) của Việt Nam mua lại CLB này và đổi tên thành SHB Champasak và giành được danh hiệu vô địch năm 2013. Đến năm 2015, sau khi SH Bank chấm dứt tài trợ thì đội bóng đổi tên từ SHB Champasak thành IDSEA Champasak United.
 
Trong những năm gần đây, giải vô đich quốc gia Lào đối mặt với nhiều khó khăn do nguồn tài chính eo hẹp của các CLB, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh ảnh hưởng hiện nay. Rất nhiều cầu thủ Lào đã tìm đường sang Thái Lan thi đấu, chủ yếu khoác áo cho những CLB trung bình hoặc những đội hạng dưới.
 
•  MONG MỘT SỰ THAY ĐỔI
 
Tính từ năm 1996 đến nay, đội tuyển quốc gia Lào đã có mặt 11 trong 12 lần tổ chức giải Bóng đá vô địch Đông Nam Á AFF Cup. Chỉ duy nhất một lần Lào vắng mặt ở sân chơi Đông Nam Á này là vào năm 2016 do bị loại ở vòng sơ loại. 
 
Trong 11 lần tham dự AFF Cup này, họ đều không vượt qua được vòng bảng. Một thống kê cho biết đội bóng của đất nước Triệu Voi này đã thi đấu 37 trận tại AFF Cup, trong đó đã thua đến 30 trận, hòa 5 trận và chỉ có 2 trận thắng, Cả 2 trận thắng này đều là trận thắng trước đội tuyển Cambodia trong năm 1996 và 2004. Toàn đội ghi được 29 bàn thắng nhưng thủng lưới đến 141 bàn.
 
Với kết quả đáng buồn này, đội tuyển Lào được coi là một đội có thành tích rất kém trong khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp trên 2 đội tuyển Đông Timor và Brunei. Mặc dù Lào đã có không ít những nỗ lực trong nhiều năm liền như thuê HLV nước ngoài, nâng cấp giải vô địch quốc gia, tập huấn dài ngày cho đội tuyển quốc gia nhưng họ vẫn mải lận đận phía dưới. Thành tích tốt nhất của đội cho đến nay trong khu vực là vị trí thứ ba của Cúp bóng đá Đoàn kết AFC 2016.
 
Trong năm nay, Lào đã có bước chuẩn bị cho AFF Cup khá kỹ từ giữa tháng 9. Đội tuyển Lào hiện đang có một khuôn mặt HLV mới dẫn dắt từ tháng 8/2021, đó là ông Selvaraj Vengadasalam, người Singapore. Rất nhiều cầu thủ của các đội hàng đầu nước này được triệu tập vào đội tuyển quốc gia, trong đó còn có nhiều cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, chủ yếu là tại Thái Lan. 
 
Trong số những khuôn mặt nổi trội từ Thái trở về khoác áo đội tuyển Lào có thể kể đến Phoutthasay Khochalern (đang khoác áo Samut Prakan City - Thái Lan), như Soukaphone Vongchiengkham (Uthai Thani - Thái Lan) hay tiền vệ Mitsada Saitaifah (Satun United - Thái Lan). HLV Selvaraj hy vọng kinh nghiệm thi đấu từ Thái Lan mang về có thể cải thiện được chất lượng của đội tuyển quốc gia trước mắt lẫn lâu dài.
 
Tuy nhiên, một khuôn mặt đang được kỳ vọng rất lớn chính là một cầu thủ từ Pháp trở về, đó là Billy Ketkeophomphone, tiền đạo đang khoác áo đội Hạng 2 Pháp - USL Dunkerque. Năm nay 31 tuổi, Billy sinh ra tại Champigny-sur-Marne (Pháp), có cha mẹ đều người Lào, mẹ người Viêng Chăn, cha quê Savannakhet. Tiền đạo này bắt đầu sự nghiệp của mình với CLB Racing Paris trước khi gia nhập học viện bóng đá nổi tiếng của Pháp Clairefontaine vào năm 2006, sau đó ký hợp đồng thi đấu với RC Strasbourg và nhiều CLB có tiếng ở Pháp. 
 
Năm 2011, cầu thủ này sang thi đấu tại Thụy Sỹ rồi về chơi ở giải Hạng 2 - Ligue 2, Pháp. Năm 2015, anh lên chơi Ligue 1 và là cầu thủ đầu tiên người gốc Đông Nam Á chơi ở giải hàng đầu Pháp, thi đấu 38 trận, ghi 6 bàn cùng 7 đường kiến tạo. Trong mùa giải thứ 2, Billy bị chấn thương đầu gối nặng, chỉ góp mặt được 5 trận rồi phải ngồi ngoài. Từ năm 2018 đến nay anh xuống chơi Hạng 2, Hạng 3 Pháp rồi lên lại Hạng 2 chơi cùng USL Dunkerque.
 
Dù chấn thương và lớn tuổi, năm nay 31 tuổi, không cho phép cầu thủ này duy trì được phong độ cao như trước nhưng Billy Ketkeophomphone vẫn là cái tên rất đáng chú ý trong danh sách 30 cầu thủ tuyển Lào mà HLV Selvaraj triệu tập dự AFF Cup 2020 tại Singapore trong đợt này. Liên đoàn Bóng đá Lào gần đây cho biết đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để đưa cầu thủ này về nước thi đấu cho đội tuyển quốc gia. “Billy đã gia nhập đội tuyển quốc gia để tham gia các trận đấu quốc tế và chúng tôi mong chờ với kinh nghiệm và phẩm chất tấn công của anh ấy sẽ giúp ích cho tuyển quốc gia nói riêng và bóng đá Lào nói chung”.
 
Theo tiền vệ Mitsada Saitaifah, Lào rơi vào một bảng đấu khó khăn, với tuyển Việt Nam là ứng viên sáng giá nhất cho ngôi vô địch, tiếp theo là Malaysia với những cầu thủ xuất sắc. Các đội Indonesia, Campuchia đều có những cầu thủ giỏi. Tuy nhiên, theo anh “Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng vì màu cờ sắc áo. Tuyển Lào sẽ đến với AFF Cup với tư cách là một đội bóng đầy khát khao”. Còn HLV Selvaraj cho biết, Lào sẽ quyết tâm làm nên điều bất ngờ tại giải.
 
VIẾT TRỌNG