Để Dalat Ultra Trail luôn là điểm hẹn hấp dẫn

02:03, 31/03/2022
Quay lại sau 1 năm bị hoãn do tác động của COVID-19, Siêu Marathon Dalat Ultra Trail - giải chạy vượt địa hình đã trở lại trong tháng 3 vừa qua tại Đà Lạt và vẫn chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ của nó khi trên 4.300 vận động viên (VĐV) trong nước và quốc tế tham gia, bất chấp việc dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng không ít đến đời sống 
 
Trần Đăng An (người đầu tiên bên trái) đang cùng những VĐV về đầu các cự ly chạy nhận phần thưởng của Ban Tổ chức. Ảnh: Văn Báu
Trần Đăng An (người đầu tiên bên trái) đang cùng những VĐV về đầu các cự ly chạy nhận phần thưởng của Ban Tổ chức. Ảnh: Văn Báu
 
ĐƯỜNG CHẠY ĐẸP
 
Lọt thỏm giữa những VĐV cao lớn khi về đích trên đường chạy cự ly 10 km của giải Siêu Marathon Dalat Ultra Trail lần V-2022 năm nay là khuôn mặt rất nhí. Đó là một chú bé chỉ mới 9 tuổi - đây có lẽ là VĐV nhỏ tuổi nhất của giải với cái tên rất dễ thương: “Vivu” Phạm Xuân Khang.
 
Khang cho biết, em đang sống cùng với gia đình ở Singapore. Về Việt Nam lần này em cùng bố tham gia đường chạy đầy thử thách tại Đà Lạt. 9 tuổi nhưng gia đình Khang đã đưa em tham gia các giải chạy ngắn theo lứa tuổi trước đó nên em cũng khá quen thuộc với các giải chạy đông người như thế này. 
 
Đến Đà Lạt lần này cả 2 bố con cho biết, “không thèm” chạy đua với ai, chỉ tranh tài với đúng bản thân mình, chỉ cần về đích là được. Dù đường chạy khá thử thách với nhiều con dốc cao nhưng cuối cùng Khang với sự động viên của bố bên cạnh cũng đã về đến đích trong niềm vui của em và cả gia đình. “Đường rừng Đà Lạt quá đẹp để chạy và cả 2 bố con đều rất thích Đà Lạt lâu nay mà” - bố Khang nói với chúng tôi.
 
Một VĐV khác cũng muốn tham gia giải như là một cách thức để vượt qua chính mình nhưng rồi anh lại là người về nhất trong cự ly mình chạy. Và không chỉ 1 cự ly mà cả 2 cự ly tham gia anh đều cùng về nhất; đó là VĐV Trần Đăng An, 27 tuổi, người Đà Lạt.
 
An kể, trước đây anh từng là thành viên của đội tuyển điền kinh Lâm Đồng, ngày nhỏ rất mê chạy nên xin vào đội tuyển. Nhưng chỉ một thời gian bị chấn thương rách cơ đùi nên phải giã từ đường chạy trong sự nuối tiếc. Ở nhà ít vận động, An sau đó tăng ký nhanh. Năm 2019, An được các bạn vận động tham dự giải chạy Dalat Ultra Trail cho vui, anh cũng chỉ thử sức ở cự ly 10 km cùng bạn bè. 
 
Và đột nhiên, sau giải chạy đó, tình yêu đường chạy bỗng trở lại với An, nên dù dịch bệnh, anh vẫn thường xuyên tập luyện và theo chế độ ăn hợp lý để giảm ký. Trong năm nay, anh đăng ký 2 cự ly, ở cự ly 21 km ngày đầu tiên anh là người về đích đầu tiên và cự ly 10 km ngày sau anh cũng chẳng có đối thủ khi lại là người về đầu. 
 
Đặc biệt, khá ấn tượng khi Trần Đăng An lúc về đến đích trong cả 2 cự ly này đều băng rừng trên đôi chân trần. “Tại tôi quen chạy chân trần. Với lại nể bạn bè tôi tham gia cùng họ cho vui thôi nhưng khi được chạy trở lại tôi biết tình yêu thể thao trong tôi vẫn còn rất nhiều. Với lại giải chạy Đà Lạt này có sức hút rất lớn, đường chạy đẹp, nhiều bạn bè người quen ở xa vẫn thường xuyên nói chuyện hẹn gặp nhau tại giải đấu này, không ít người bất chấp dịch bệnh vẫn lên đây tham gia giải thì mình ở đây sao không chạy cùng mọi người cho vui. Chạy để chứng tỏ rằng người Đà Lạt vẫn rất yêu thể thao và chạy tốt mà” - anh mỉm cười. 
 
Còn với Morizur Gaetan, 35 tuổi, người Pháp, đường chạy Đà Lạt chính là điểm đến hấp dẫn mà anh không thể bỏ qua trong suốt nhiều năm nay. 
 
Sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Morizur Gaetan là một người yêu thể thao, yêu các đường chạy vượt địa hình càng khó anh càng thích. Anh cho biết, từng tham gia nhiều các giải Siêu Marathon quốc tế và trong khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, dù bận rộn công việc nhưng khi có các giải chạy lớn trong nước anh đều thu xếp để tham gia. 
 
Với giải Siêu Marathon Dalat Ultra Trail này, đây đã là lần thứ tư Morizur Gaetan có mặt. Anh cho biết, trong thời gian dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, hằng ngày anh vẫn tập thể lực ở nhà, khi hết giãn cách, anh tìm các đường ven thành phố để luyện tập hằng ngày. Chuẩn bị tốt, cộng với kinh nghiệm xử lý đường chạy từ những mùa giải trước, anh chính là người về nhất trong cự ly Siêu Marathon 70 km tại giải năm nay chỉ với 8 giờ 10 phút. 
 
Morizur Gaetan nói, so với giải năm 2020 thì giải 2022 năm nay có thời tiết đẹp hơn nhiều “Năm đó trời mưa to, đường chạy rất trơn nên thi đấu khó khăn hơn, còn năm nay mọi thứ đều thuận lợi, đường rừng tương đối khô ráo nên chạy dễ hơn” - anh nói. 
 
Đặc biệt Morizur Gaetan đánh giá khá cao công tác tổ chức giải năm nay, không chỉ hậu cần tốt mà việc kiểm soát dịch bệnh cũng rất đảm bảo “Tổ chức rất chuyên nghiệp. Đông người tham gia nhưng tôi vẫn cảm thấy an toàn, không quá sợ dịch bệnh, mọi người đều được kiểm tra sàng lọc trước khi tham gia giải” - anh nói.
 
VĐV nhí Phạm Xuân Khang cùng bố tại giải.
VĐV nhí Phạm Xuân Khang cùng bố tại giải.

 

VĐV Morizur Gaetan - người về đầu cự ly 72 km hứa sẽ có mặt ở giải tại Đà Lạt năm sau.
VĐV Morizur Gaetan - người về đầu cự ly 72 km hứa sẽ có mặt ở giải tại Đà Lạt năm sau.

 

ĐỂ LÀ MỘT ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, việc tổ chức giải Dalat Ultra Trail 2022 được tỉnh chuẩn bị rất kỹ, nhất là trong điều kiện dịch bệnh còn ảnh hưởng như hiện nay.
 
Rút kinh nghiệm sau lần tổ chức giải năm 2020 gần đây nhất, khi phải thi đấu trong tháng 6 vì trước đó dịch bệnh bùng phát nên phải dời thời gian lại, còn trong năm nay, giải đã được trả về lại trong tháng 3. Đây là thời điểm mà thời tiết Đà Lạt thuận lợi nhất trong năm, nắng ấm, ít mưa. Trước khi giải diễn ra Ban Tổ chức đã lên lịch nhiều chuyến khảo sát kỹ lại đường chạy cho các cự ly, nhất là cự ly đường dài, loại bỏ những điểm có thể gây nguy hiểm cho VĐV, tránh vượt qua những con suối có nguy cơ lũ đổ về khi trời mưa bất chợt. 
 
Cùng đó, giải năm nay cũng có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Sở và các địa phương, giữa Ban Tổ chức và lực lượng tình nguyện viên tại chỗ với gần 200 người được huy động, chủ yếu là những người dân địa phương thông thuộc địa hình. Ngành chức năng cũng tăng cường công tác đảm bảo an toàn trên đường chạy, bố trí hợp lý các điểm kiểm tra dọc theo con đường chạy, các VĐV cũng được cấp thiết bị phát tín hiệu; đội ngũ cứu hộ, các y, bác sỹ trực giải cũng hoạt động rất tốt. 
 
Để an toàn dịch bệnh, ông Hải cho biết, Ban Tổ chức đã cho kiểm tra kỹ tất cả các VĐV và thành viên dự giải lần này, đảm bảo mọi người đều thực hiện xét nghiệm nhanh có hiệu lực trong 24 giờ hoặc xét nghiệm PCR cho 72 giờ. 
 
“Chúng tôi cũng bất ngờ vì số lượng người tham gia khá đông dù dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ. Ban đầu, dự kiến chỉ chừng 2.000 người tham gia nhưng đến giờ chót, số người đăng ký thi đấu đã lên đến gần 4.500 người. Đó là chưa kể người thân, gia đình đi theo, rồi các thành viên giải lo cho công tác hậu cần, có khoảng 10 nghìn người đến Đà Lạt trong vòng 1 tuần cho giải thể thao này. Thực ra con số này thì cũng bình thường trước đây nhưng trong điều kiện dịch bệnh bình thường mới hiện nay thì đây là một điều rất đáng kể, không chỉ cho riêng hoạt động thể thao mà còn là cho du lịch Đà Lạt” - ông Hải nhận xét.
 
Sau thành công của Siêu Marathon Dalat Ultra Trail 2022, ông Hải cho biết, trong năm nay, Lâm Đồng sẽ có thêm 2 giải chạy địa hình nữa, dự kiến trong tháng 11. Hiện, 2 đơn vị tổ chức đã làm việc với Sở để lên chương trình cụ thể. Riêng với Dalat Ultra Trail vẫn diễn ra trong tháng 3 năm sau như là giải chạy địa hình truyền thống của Lâm Đồng. 
 
Còn với nhiều VĐV, như chàng trai 35 tuổi Morizur Gaetan, người Pháp chẳng hạn: “Đà Lạt mùa này rất đẹp, đường đua nhiều cảnh đẹp, con người thân thiện, công tác tổ chức giải rất tốt, do vậy, chắc chắn giải năm sau tôi sẽ có mặt”.
 
VIẾT TRỌNG - NHẬT QUỲNH