Chủ nhà Việt Nam với những kỷ lục

06:05, 26/05/2022
Việt Nam đã có một SEA Games 31 đầy ấn tượng. Không chỉ tổ chức thành công một kỳ Đại hội TDTT nối kết Đông Nam Á sau đại dịch mà chủ nhà còn giành được số Huy chương Vàng kỷ lục trong một kỳ Đại hội, trong đó, có 2 tấm Huy chương Vàng quý giá của cả bóng đá nữ và bóng đá nam.
 
Bế mạc SEA Games 31 tại Việt Nam, hẹn gặp nhau năm đến tại SEA Games 32, Cambodia. Ảnh: Internet
Bế mạc SEA Games 31 tại Việt Nam, hẹn gặp nhau năm đến tại SEA Games 32, Cambodia. Ảnh: Internet
 
•  NHỮNG KỶ LỤC 
 
Cú đánh đầu điệu nghệ đưa bóng vào góc xa cầu môn của Nhâm Mạnh Dũng - tuyển thủ Việt Nam trong đêm 22/5 không chỉ giúp U23 Việt Nam đánh bại U23 Thái Lan - một đội bóng rất mạnh trong khu vực Đông Nam Á mà còn thiết lập cho chủ nhà Việt Nam thêm những kỷ lục đầy ấn tượng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31 năm nay.
 
Với bóng đá nam, bàn thắng duy nhất trong trận chung kết này không chỉ giúp U23 Việt Nam bảo vệ thành công tấm Huy chương (HC) Vàng; đội U23 Việt Nam còn thiết lập kỷ lục là đội bóng đầu tiên trong lịch sử SEA Games giành chức vô địch mà chẳng để thủng lưới bàn nào tính từ khi bóng đá nam giới hạn độ tuổi để ưu tiên cho bóng đá trẻ từ năm 2001 đến nay. Một thống kê cho biết, hàng thủ U23 Việt Nam chơi chắc chắn, giữ sạch lưới đến 570 phút tại SEA Games 31.
 
Cùng với bóng đá nam, bóng đá nữ tại SEA Games 31 cũng giành ngôi vô địch đầy thuyết phục và đây là danh hiệu vô địch thứ 10 của bóng đá nữ Việt Nam trong lịch sử bóng đá Đông Nam Á. Trước đó, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cũng từng 6 lần bước lên bục vô địch SEA Games vào các năm 2001, 2003, 2005, 2009, 2017, 2019; 3 lần vô địch Đông Nam Á trong các năm 2006, 2012 và 2019. Với tấm Huy chương Vàng này, bóng đá nữ Việt Nam chính là đội giành nhiều Huy chương Vàng nhất trong khu vực Đông Nam Á cho đến nay.
 
Trong bảng xếp hạng sau khi kết thúc SEA Games 31, vị trí dẫn đầu thuộc về Đoàn Thể thao Việt Nam với 446 HC, trong đó có 205 vàng, 125 bạc, 116 đồng. Về nhì là Đoàn Thái Lan với 331 HC, gồm 92 vàng, 103 bạc và 136 đồng; đứng thứ ba là Indonesia với 241 HC, gồm 69 vàng, 91 bạc và 81 đồng. 
 
Lần lượt từ thứ tư trở lên gồm Philippines với 226 HC (có 52 vàng); Singapore với 166 HC (47 vàng); Malaysia với 174 HC (39 vàng); Myanmar với 62 HC (có 9 vàng); Cambodia có 63 HC (9 vàng); Lào giành được 42 HC (2 vàng); Brunei giành được 3 HC, trong đó có 1 vàng; và cuối cùng là Đông Timor giành được 5 HC nhưng chẳng có HC vàng nào.
 
Với Việt Nam, con số 205 HC Vàng giành được chính là một kỷ lục. Đây là số HC Vàng cao nhất mà 1 đoàn thể thao giành được cho đến nay tại một kỳ SEA Games, vượt qua số HC Vàng của đoàn xếp thứ 2 tại Đại hội là Thái Lan tới 113 HC Vàng, đồng thời phá sâu kỷ lục 194 HC Vàng mà Indonesia lập được năm 1997.
 
Vấn đề đặt ra là vì sao Thể thao Việt Nam giành được nhiều HC Vàng trong kỳ Đại hội này vậy? 
 
Như một quan chức trong ngành Thể thao Việt Nam cho biết, SEA Games 31 năm nay với 40 môn thi đấu, 526 nội dung tranh tài, chỉ tiêu đặt ra ban đầu của Thể thao Việt Nam giành khoảng 140 HC Vàng. Tuy nhiên, thực tế thi đấu đã có nhiều điểm khác hơn so với dự đoán trước đây. Cũng một phần do tác động của đại dịch COVID-19 trong 2 năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự tập luyện của nhiều đội tuyển quốc gia các nước trong khu vực ở rất nhiều bộ môn, nên các VĐV của những nước tham dự lần này thi đấu chưa đạt yêu cầu như mong muốn. 
 
Còn với Việt Nam, vì là nước chủ nhà, bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, sân bãi và các điều kiện hạ tầng để tổ chức thành công SEA Games, đội tuyển các bộ môn trong nước cũng có sự chuẩn bị tích cực, dành thời gian thích hợp tập luyện dù dịch bệnh còn tác động. Nhờ thi đấu trên sân nhà, cộng với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả nhà nên các VĐV Việt Nam đã liên tục mang HC Vàng về cho đoàn chủ nhà. 
 
Nhưng không phải chỉ có số lượng mà chất lượng nhiều tấm HC vàng trong Đại hội lần này cũng được nâng lên rất nhiều. Điển hình như sự thi đấu xuất sắc của đội tuyển điền kinh với 22 HC vàng giành được, 1 kỷ lục. Các đội tuyển khác cũng thi đấu rất nỗ lực như đội tuyển vật; đội tuyển bơi; nhiều kỷ lục mới được xác lập ở những môn Olympic trọng điểm như điền kinh, cử tạ…
 
Về cơ bản, rất nhiều nội dung của các bộ môn thi đấu tại các kỳ Olympic hay Đại hội Thể thao châu Á như điền kinh, vật, đua thuyền, karate, judo... đã được Việt Nam lần này đưa vào thi đấu. Chủ nhà Việt Nam đã hạn chế đến mức thấp những bộ môn mang tính chất biểu diễn, đưa vào chủ yếu nhằm tăng thành tích chung cuộc cho chủ nhà, điều vốn thường thấy ở sân chơi này, tất cả được hướng đến một nền thể thao hiện đại, theo xu hướng chung của thế giới. 
 
Và một điểm nhấn đầy ấn tượng cũng cần nói đến trong kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á tổ chức tại Việt Nam lần này, đó chính là lượng khán giả rất đông đến sân nồng nhiệt cổ vũ. Không chỉ là bóng đá thu hút nhiều khán giả lâu nay, nhiều môn thi đấu trong Đại hội vẫn được người dân địa phương đông đảo chờ đón. Bầu không khí sôi động từ các khán đài; lực lượng tình nguyện viên nhiệt tình; nhiều hoạt động đồng hành được tổ chức; người dân thân thiện… tất cả đều góp phần không nhỏ vào thành công chung của SEA Games 31 tại Việt Nam.
 
•  CHỜ ĐÓN SEA GAMES 32 TẠI CAMBODIA
 
Theo lịch trình, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 năm 2023 sắp tới sẽ được tổ chức từ ngày 5-16/5/2023 tại Phnom Penh, Cambodia. 
 
Đây là lần đầu tiên Cambodia đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á này tại quốc gia mình sau nhiều năm trì hoãn. Một trong những lý do chính để nước này chưa mạnh dạn đăng cai SEA Games là việc cơ sở sân bãi, hạ tầng dành cho các hoạt động TDTT còn rất ít trên đất nước này.
 
Tuy nhiên, gần đây điều này đã dần thay đổi khi quốc gia này bắt đầu dành những khoản kinh phí lớn để xây dựng ngày càng nhiều hơn các công trình phục vụ TDTT trên nhiều thành phố lớn trong nước.
 
Tại Phnom Penh, Cambodia đã cho xây dựng Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Morodock Techo từ năm 2013 với sự tài trợ của Trung Quốc. Với tổng diện tích khoảng 80 ha, công trình này là tổ hợp các sân thể thao, làng vận động viên và điểm nhấn chính là một sân vận động lớn dùng để thi đấu bóng đá, điền kinh, dự kiến nơi đây sẽ dùng trong lễ khai mạc và bế mạc Đại hội năm đến. 
 
Như nhiều quốc gia trong vùng, Cambodia coi việc đăng cai SEA Games 32 là một phần trong chiến dịch quảng bá hình ảnh đất nước, giới thiệu mình ra với quốc tế, thúc đẩy du lịch, quảng bá phong tục, văn hóa truyền thống.
 
Dự kiến sẽ có 40 môn thi đấu tại SEA Games 32 trong năm đến, trong đó, đáng chú ý nước này đã đưa môn võ Bokator - kiểu như Võ cổ truyền Việt Nam, vào tranh tài, coi đây là cơ hội quảng bá về văn hóa và con người vùng đất này. 
 
Tuy nhiên, một câu hỏi là liệu đất nước này sẽ thể hiện mình ra sao với vai trò là chủ nhà khi đăng cai. Dù là một trong những quốc gia thành viên sáng lập ra SEA Games, nhưng đến nay, Cambodia đạt thành tích thể thao khá khiêm tốn trên đấu trường trong khu vực này. Để cải thiện được bảng tổng sắp HC, đất nước này cần làm rất nhiều điều để nâng cao trình độ của các VĐV, tập trung đầu tư cho các môn thể thao mũi nhọn để có thể đủ sức cạnh tranh HC tại các cuộc thi đấu thể thao cấp khu vực này.
 
VIẾT TRỌNG