“Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn - For a Stronger Southeast Asia” - câu khẩu hiệu chính thức của Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 năm 2021 (The 2021 Southeast Asian Games) do Việt Nam đăng cai sẽ diễn ra trong những ngày đến với niềm hy vọng rằng cả khu vực cùng an toàn vượt qua đại dịch COVID-19 để có bước phát triển mạnh mẽ hơn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại Lễ xuất quân của Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games. Ảnh: Internet |
•
ƯU TIÊN CÁC MÔN TRONG HỆ THỐNG OLYMPIC
Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á (Southeast Asian Games - SEA Games), với tổng cộng 11 quốc gia trong khu vực cùng tranh tài với nhau. Trước đó, Việt Nam lần đầu đã đăng cai Đại hội Thể thao cấp khu vực này vào năm 2003.
Với chu kỳ diễn ra 2 năm 1 lần, tính từ năm 1959 khi lần đầu được tổ chức cho đến nay, Thái Lan là quốc gia có số lần đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á nhiều nhất, với 7 lần; Malaysia đã có 6 lần đăng cai; Indonesia có 5 lần vinh dự là chủ nhà của Đại hội. Hai quốc gia gồm Singapore và Philippines cùng có 4 lần đăng cai; Myanmar có 3 lần; Việt Nam và Lào cùng có 2 lần tổ chức. Có hai nước chỉ mới đăng cai tổ chức 1 lần là Brunei và Cambodia.
Tính đến nay, Thái Lan cũng chính là quốc gia dẫn đầu trong khu vực về số huy chương giành được tại SEA Games với tổng cộng 5.758 huy chương, trong đó, có 1.885 huy chương vàng; quốc gia đứng thứ hai về số huy chương giành được là Indonesia với 5.307, trong đó, có 1.824 huy chương vàng; Malaysia xếp thứ ba với 4.261 huy chương, trong đó có 1.303 huy chương vàng. Việt Nam đứng thứ 6 trong bảng tổng sắp huy chương này với 2.886 huy chương giành được, trong đó có 928 huy chương vàng. Xếp cuối bảng này là Đông Timor với 35 huy chương giành được, trong đó, có 3 huy chương vàng. Một điều cũng nên biết rằng nhiều quốc gia trong tổng số 11 quốc gia trong khu vực chỉ mới tham gia thi đấu gần đây, trong đó có Đông Timor.
SEA Games 31 năm nay ban đầu dự kiến tổ chức trong tháng 11/2021 tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Đại hội đã được dời lại đến năm 2022 và diễn ra trong 11 ngày, từ 12 - 23/5/2022. Một số môn trước đó đã bắt đầu thi đấu trong đó, bóng đá nam đã khởi tranh từ ngày 6/5. Mặc dù diễn ra trong năm 2022 nhưng tên gọi vẫn là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31-2021.
Là chủ nhà, Việt Nam cử một lực lượng khá hùng hậu để tham dự với 965 VĐV, đông nhất tại Đại hội lần này. Kế tiếp là đoàn Thái Lan với 892 VĐV; đoàn Philippines với 643 VĐV; đoàn Malaysia với 591VĐV; đoàn Indonesia với 508 VĐV; đảo quốc Singapore với 485 VĐV; Cambodia với 363 VĐV; đoàn Myanmar với 305 VĐV; Lào cũng có lực lượng đến 291VĐV; Đông Timor có 69 VĐV và ít nhất là Brunei với 23 VĐV.
Có 40 môn thể thao được tổ chức thi đấu trong Đại hội năm nay với 526 bộ huy chương được trao, chủ yếu là những môn thể thao được tổ chức thi đấu trong Thế vận hội Olympic. Khi đăng cai, Việt Nam đã cam kết không cắt giảm nội dung nào của các môn trong hệ thống Thế vận hội, ước chiếm khoảng 2/3 chương trình thi đấu chính thức tại Đại hội lần này.
Chủ nhà Việt Nam trong lần đăng cai này dù đại dịch ảnh hưởng không nhỏ nhưng cũng đã có bước chuẩn bị khá chu đáo, nhiều công trình thể thao gấp rút được sửa chữa, nâng cấp phục phục cho việc thi đấu cho các VĐV tại Đại hội. Thủ đô Hà Nội sẽ là nơi diễn ra các hoạt động chính trong nhiều nội dung của Đại hội nhưng các cuộc tranh tài còn trải rộng khắp các tỉnh, thành phố lân cận bao gồm Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và Phú Thọ. Thay thế cho việc xây dựng làng VĐV, các đoàn sẽ ở tại các khách sạn gần khu vực mình thi đấu.
Dự kiến lễ khai mạc được tổ chức vào lúc 19 giờ ngày 12/5/2022 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, mỗi quốc gia chỉ cử 31 VĐV tham gia diễu hành - con số 31 tượng trưng cho lần thứ 31 của Đại hội Thể thao SEA Games lần này.
•
ĐẠI HỘI CỦA TÌNH HỮU NGHỊ
Để chuẩn bị tham dự Đại hội, Thể thao Việt Nam đã triệu tập 1.442 VĐV, 295 HLV, 21 chuyên gia, 31 bác sĩ các đội tuyển quốc gia tập huấn tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia và Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh sau đó chọn lại với con số chính thức là 965 VĐV.
Theo ngành thể thao, do tác động của đại dịch COVID-19, việc tập huấn của các đội tuyển thời gian qua đã bị ảnh hưởng rất nhiều, nhiều VĐV do thời gian dài phải tập luyện trong môi trường khép kín, không giao lưu và đặc biệt là không có tập huấn và thi đấu nước ngoài nên ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý VĐV cũng như kết quả chuyên môn của các đội tuyển quốc gia.
Để khắc phục những bất lợi do đại dịch, Thể thao Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, chủ động điều chỉnh kế hoạch nhằm duy trì trạng thái tâm lý tốt nhất cho VĐV, đặc biệt, tổ chức các hoạt động tập luyện, lồng ghép thi đấu tại chỗ, thi đấu nội bộ, thi đấu tuyển chọn và kết hợp một số địa phương tổ chức giải khép kín trước khi bước vào thi đấu chính thức tại SEA Games.
Theo ông Trần Đức Phấn, Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam, là nước chủ nhà, Việt Nam vừa phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ gồm tổ chức thành công các môn thi đấu tại Đại hội cũng như chuẩn bị tốt lực lượng VĐV thi đấu đạt kết quả cao. Thách thức không nhỏ, song với sự nỗ lực vượt khó Đoàn Thể thao Việt Nam cho đến nay đã tự tin, sẵn sàng bước vào các cuộc tranh tài tại Đại hội.
Trong buổi lễ xuất quân của Đoàn Thể thao Việt Nam gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh rằng, SEA Games không chỉ đơn thuần là sự kiện thi đấu thể thao của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nhằm giành thành tích cao mà đây còn là ngày hội thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị, là nơi giao lưu các nền văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực. Việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 cho thấy vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với phong trào thể thao khu vực Đông Nam Á; thể hiện Việt Nam luôn tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của khối ASEAN hướng đến thịnh vượng, “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý là chủ nhà, Việt Nam cần thể hiện tốt truyền thống văn hóa và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của mình đến với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, giao lưu học tập kinh nghiệm với các đoàn VĐV các nước; mỗi một cá nhân của Đoàn Thể thao Việt Nam là một đại sứ văn hóa của đất nước. Luôn đồng lòng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, giữ vững kỷ luật, đem hết tinh thần và nghị lực để hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra; tôn trọng quy định và luật lệ thi đấu, tôn trọng các đội bạn và phong tục truyền thống văn hóa của các nước bạn; thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, ngoan cường, sáng tạo, trung thực để đạt thành tích cao tại Đại hội, góp phần nâng vị thế của Thể thao Việt Nam lên một tầm cao mới.
GIA KHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin