Một chút ngẫu nhiên đưa tôi đến với nghề viết thể thao để rồi gắn bó với nó suốt hành trình làm báo cho đến nay.
|
Tác giả (bên trái) cùng với nhà báo Dư Hải - Báo Thể thao TP Hồ Chí Minh trong Giải đua xe đạp tranh Cúp HTV |
1. Ngày mới ra trường vào làm báo, tôi ở trọ ngay cạnh nhà một cựu cầu thủ của bóng đá Lâm Đồng. Chính xác hơn đó là một người có đôi bàn tay nhện vang danh một thời: thủ môn Ba Tri. Cả nhà anh hầu như mấy anh em anh đều chơi thể thao, chơi bóng đá, từng gia nhập đội bóng đá Lâm Đồng. Lúc đó anh đã nghỉ chơi bóng về sửa xe ô tô tại nhà mình nhưng cứ có dịp lại rủ nhau đi chơi thể thao. Có một ngày anh bảo tôi: “Nhà báo sao không đi xem đá bóng?”. Thế là đi theo anh, lần đầu tiên tôi xem bóng đá Lâm Đồng.
Sân vận động Đà Lạt hay Thao trường Lâm Viên ngày đó (Quảng trường Lâm Viên hiện nay) thường rất đông người mỗi khi có đá bóng. Đội bóng đá Lâm Đồng lúc đó đã nổi tiếng trong nước, đang trên đường lên hạng và sau đó chơi trong giải cao nhất quốc gia nhiều năm, kiểu như V-League bây giờ. Bữa tôi đi với anh là một trận đấu quan trọng của đội. Khi đi xem đá bóng, tôi thấy Đài Phát thanh -Truyền hình Lâm Đồng cử người đi tường thuật, còn cơ quan báo không thấy ai đi làm.
Hôm sau đến cơ quan lên Phòng Tổng biên tập, lúc đó là chú Phạm Vĩnh, tôi hỏi nhỏ: “Chú ơi, sao không thấy ai viết bóng đá?”. Tổng biên tập cười vui hỏi lại tôi: “ Sao cậu không viết đi!”. Thế là tôi đi viết bóng đá, viết thể thao từ đó cho đến nay.
Để hiểu được bóng đá, lúc đầu tôi phải đi mượn các cuốn luật bóng đá trong tủ sách của ngành Thể thao về thử đọc. Khi đi viết ban đầu thường tìm cách ngồi gần chỗ các cựu cầu thủ hay là các huấn luyện viên. Có kinh nghiệm trận mạc nên họ biết rõ thế trận ra sao, nên kèm ai, nên chơi chiến thuật thế nào để đội nhà thắng, mỗi người một ý. Ngồi đó, cái gì không biết thì hỏi ngay, riết rồi tay bút cũng lên.
Ngày đó bóng đá rất ăn khách, hầu như tờ báo lớn nào đều cũng dành “đất” cho thể thao. Rất nhiều tờ báo trong nước đã liên hệ đặt hàng để viết cho họ, nhất là các tờ báo tại TP Hồ Chí Minh. Cứ xong trận bóng nào thì ra bưu điện viết ngay bài tường thuật rồi gửi xuống các tòa soạn bằng bản “fax”. Những năm sau có thư điện tử “email” thì gửi bằng hệ thống này. Ngày đó, Đà Lạt là điểm tập huấn của đội tuyển bóng đá quốc gia, tôi có dịp phỏng vấn với hầu hết các HLV nước ngoài khi họ tập trung đội tuyển lên đây. Sau này, khi đội bóng Lâm Đồng xuống hạng nhì, nhiều năm không lên lại được thì đơn đặt hàng viết bài từ các tòa soạn trong nước mới hết.
Nhưng thực ra thể thao đâu chỉ có bóng đá, dù chỉ bóng đá thôi cũng đã có một trời thứ để viết. Thể thao còn có rất nhiều môn hấp dẫn không kém, như quần vợt, võ thuật, đua xe đạp… Quanh năm, tỉnh có các giải thể thao, rồi hội thao các đơn vị, rồi Đại hội TDTT cấp tỉnh và các giải thể thao lớn tổ chức tại Lâm Đồng. Báo Lâm Đồng lâu nay còn có chuyên mục thể thao trong số cuối tuần hằng tuần, trong đó có các bài thể thao quốc tế như một cánh cửa nhìn ra thế giới.
Đằng sau kết quả của các giải đấu đó dù nhỏ hay lớn, nếu tìm thì sẽ có những câu chuyện thú vị. Đó có thể là câu chuyện về sự thành công, cũng có thể là câu chuyện của thất bại nhưng không nản chí, không bỏ cuộc; đó có thể là câu chuyện của tình bạn, tình đồng đội với tinh thần thể thao cao thượng nỗ lực giúp đỡ nhau... Tất cả đều rất đáng viết.
2. Có một lần, khi tôi ngỏ ý muốn xuống tận xã để tiếp cận đội kéo co nữ đại diện cho huyện Di Linh vừa giành chức vô địch tại Đại hội TDTT cấp tỉnh, một cán bộ của Trung tâm Văn hóa - Thể thao Di Linh đã dùng xe máy đưa tôi đến nhà chị đội trưởng tại xã Gung Ré. Đội kéo co này đã gây ấn tượng rất lớn với tôi về tính kỷ luật, bài bản, thi đấu cực kỳ xuất sắc, vượt qua được những đội mạnh hơn mình. Cho đến lúc đó tôi vẫn tự hỏi là sao một đội với các chị phụ nữ nông thôn này lại làm được như thế?
Khi đến nhà chị đội trưởng, chị đi chăm sóc vườn cà phê từ sáng, phải điện thoại và đợi chị về. Nhưng điều ngạc nhiên là sau khi chị về nhà chừng 20 phút để gặp chúng tôi thì ngôi nhà nhỏ của chị đã gần như ngập tràn người. Hầu như toàn bộ thành viên của đội kéo co nữ, trong đó có người đi làm thật xa trong các vườn cà phê nhưng khi nghe báo tin liền gác lại công việc lên xe máy chạy đến nhà chị đội trưởng, có người đi một mình, có người nhờ chồng chở đi, trên người vẫn mặc đồ lao động.
Tất cả đều vui mừng khi biết có nhà báo đến thăm. Họ hào hứng kể lại những ngày tập luyện tại thôn, tại xã rồi ra huyện. Ngày đi thi trên tỉnh các ông chồng trong thôn đã chạy xe máy từ Di Linh lên Đà Lạt để cổ vũ. Việc giành tấm Huy chương Vàng tỉnh của đội như một sự kiện lớn của người dân nông thôn nơi đây. Bí quyết của họ không gì ngoài cố gắng tập luyện trong thời gian dài. “Chúng tôi giờ cũng bớt làm rồi, ai ai cũng biết quý sức khỏe, cùng tham gia tập luyện TDTT, tập chơi bóng chuyền, chơi cầu lông, dưỡng sinh, hưởng ứng các phong trào của xã ” - một chị trong đội nói.
Điều đáng mừng, trong gần 30 năm gắn bó với thể thao, chúng tôi thấy TDTT nay không còn chỉ dành riêng cho một ai đó nữa mà đã ngày càng phổ biến rộng rãi đến với mọi người dân bình thường trong tỉnh. Khi kinh tế đời sống được cải thiện, người dân đã chú ý hơn đến việc nâng chất lượng sống, TDTT với luyện tập được coi là giải pháp hữu hiệu để mang đến niềm vui và giữ gìn sức khỏe.
Rất nhiều bộ môn mới ngày trước chỉ có ở vùng thành phố, như yoga chẳng hạn, nay đã đến nhiều vùng nông thôn trong tỉnh với các CLB, các điểm tập mở cửa hằng ngày. Thống kê của ngành chức năng, trong tỉnh hiện có hằng ngàn CLB TDTT như thế trong nhiều bộ môn đang hoạt động. Đằng sau những bể bơi đang hoạt động trong tỉnh là câu chuyện về xã hội hóa thể thao, những người dám bỏ tiền ra đầu tư, chi tiền tỷ thu bạc cắc, mang ích lợi rất lớn đến cho cộng đồng, xã hội.
3. Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung cho đến nay là vùng đất của nông nghiệp công nghệ cao, của du lịch - nghỉ dưỡng và là vùng đất cực kỳ phù hợp cho các hoạt động TDTT.
Như Giải xe đạp tranh Cúp Truyền hình HTV hằng năm chẳng hạn.Trừ trường hợp đặc biệt còn hầu như năm nào từ khi tổ chức giải đến nay Ban Tổ chức cũng thiết kế lộ trình lên đất Lâm Đồng, Đà Lạt với các chặng đua nơi đây. Gần đây còn có thêm Giải đua xe đạp nữ Bình Dương cũng chọn lên Đà Lạt. Chính khí hậu ôn hòa miền núi lý tưởng quanh năm cùng cung đường uốn lượn tuyệt đẹp qua các sườn đồi, những con đèo dốc ngược đầy thử thách đã hấp dẫn cuộc đua. Nhiều đội để chuẩn bị đã đưa người lên Đà Lạt tập huấn dài ngày, ăn ở tập luyện cả tháng nơi đây trước khi giải diễn ra. Liệu đã đến lúc Lâm Đồng, Đà Lạt nên lập một đội đua hay chưa, hay chỉ là người đứng nhìn trong các cuộc đua hằng năm?
Điều đáng nói là nhờ ưu thế thiên nhiên nên trong một vài năm gần đây Đà Lạt đã có các giải thể thao xã hội hóa thu hút rất đông người tham dự, như Giải chạy Siêu Marathon - Dalat Ultra Trail và Giải đua xe đạp địa hình Dalat Victory Challenge chẳng hạn. Những giải này có năm thu hút trên 5.000 VĐV tham dự và nếu tính cả người phục vụ, hậu cần, người thân, gia đình đi theo thì lên đến cả chục nghìn người. Đây là một cách làm thể thao - du lịch rất tốt mà thành phố này nên phát huy.
Là một người viết thể thao, chúng tôi cũng mong ngành chức năng tỉnh nên sớm có giải pháp để tiến hành xây dựng công trình Nhà thi đấu tại Khu Liên hợp Thể thao Phường 7, Đà Lạt vốn đã được qui hoạch tại đây lâu nay. Sự hiện diện của một nhà thi đấu đạt chuẩn quốc gia, cộng với công trình Sân vận động 20 nghìn chỗ ngồi đang trên đường hoàn tất, sẽ là một điểm nhấn quan trọng để tỉnh đăng cai các giải thể thao lớn trong nước hiện nay, góp phần không nhỏ để thúc đẩy TDTT Lâm Đồng ngày càng phát triển hơn.
VIẾT TRỌNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin