(LĐ online) - Bóng đá châu Phi luôn sản sinh ra những tài năng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, ở sân chơi World Cup, họ lại lép vế so với các khu vực khác. Tại Qatar lần này, người hâm mộ lại tiếp tục ngóng chờ những “ngôi sao đen” thay đổi lịch sử.
LỊCH SỬ “CHỐNG” LẠI CHÂU PHI
World Cup đã bước sang kỳ thứ 22 song 21 lần trước, dấu ấn của bóng đá châu Phi khá nhạt nhòa. Nơi đây luôn sản sinh ra các tài năng bóng đá thế giới như George Weah (Liberia), Samuel E’to (Cameroon), Didier Drogba (Bờ Biển Ngà), Mahamed Salah (Ai Cập),…
Thế nhưng, suốt chiều dài lịch sử gần 100 năm của giải đấu, các đội bóng châu Phi chưa từng một lần lọt đến bán kết. Xét về đẳng cấp, danh tiếng, họ có sự vượt trội nhất định so với châu Á hay Bắc Mỹ. Tuy vậy, xét về thành tích cao nhất, châu Phi vẫn xếp sau.
Lẽ dĩ nhiên, World Cup là câu chuyện của Nam Mỹ và châu Âu. Thế nhưng, sự lép vế của châu Phi khiến người hâm mộ có chút tiếc nuối cho khu vực này. Các đại diện của Bắc Mỹ hay châu Á đều từng 1 lần lọt đến bán kết.
Đội bóng châu Phi để lại nhiều tiếc nuối nhất, gần cánh cửa với bán kết nhất chính là Ghana. Ở tứ kết World Cup 2010, Ghana có quá nhiều lợi thế trước Uruguay. Họ ghi bàn dẫn trước với pha lập công của Muntari ở cuối hiệp 1. Chỉ có sự xuất thần của Diego Forlan mới giúp Uruguay gỡ hòa trong hiêp 2.
Kịch tính xảy đến đúng phút bù giờ cuối cùng của hiệp phụ thứ 2. Luis Suarez có tình huống lấy tay vớt bóng ngay vạch vôi sau pha dứt điểm của cầu thủ Ghana. Ngay lập tức, tiền đạo này nhận thẻ đỏ và Ghana được hưởng penalty.
Nếu thực hiện thành công, họ sẽ vào bán kết. Thế nhưng, trên chấm 11m, Asamoah Gyan lại đưa bóng vọt xà ngang. Hai đội hòa nhau 1-1 sau 120 phút và ở loạt sút luân lưu định mệnh, Ghana nhận thất bại đau đớn với tỷ số 3-4. Từ chỗ rất gần với tấm vé vào bán kết, họ đã tự tay vứt đi cơ hội lịch sử.
Gần 100 năm kể từ khi giải đấu ra đời, lịch sử đang chống lại những “ngôi sao đen”.
THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI VỚI NHỮNG “NGÔI SAO ĐEN”
Trong những năm gần đây, bóng đá châu Phi sản sinh ra hàng loạt ngôi sao đẳng cấp thế giới như Sadio Mane (Senegal), Mohamed Salah (Ai Cập), Pierre-Emerick Aubameyang (Gabon), Riyad Mahrez (Algerie),...
Tuy vậy, các nền bóng đá đến từ lục địa đen không thể vươn mình ra “biển lớn”. Một trong những lý do khiến họ khó chuyển mình là sự phát triển không tương xứng. Họ luôn sản sinh ra các nhân tài song lại chỉ rải rác.
Mỗi quốc gia có một hay một vài cá nhân nổi bật. Khoảng cách về mặt trình độ giữa các ngôi sao này với đồng đội quá lớn. Khi mang danh đội bóng một người, rất khó để “cánh én làm nên mùa xuân”.
Bóng đá đương đại rất cần những cá nhân đủ sức tạo đột biến. Tuy vậy, ngôi sao đó phải đặt trong một tập thể đồng đều, có khoảng cách không quá lớn. Messi rất đẳng cấp, hạt nhân tạo ra hàng loạt danh hiệu ở cấp độ câu lạc bộ. Trở về Argentina, anh cùng các ngôi sao trên hàng công không thể gồng gánh cả đội. Chỉ đến khi, hàng thủ có sự cân bằng nhất định, Argentina cùng Messi mới vô địch Copa America.
Đó là minh họa tiêu biểu nhất cho cái gọi là đội bóng "một người". Ngoài ra, các đội bóng châu Phi ít có sự thiên biến vạn hóa về mặt chiến thuật. Họ thi đấu chủ yếu dựa vào nền tảng thể lực sung mãn cùng sự đột biến từ các ngôi sao. Điều này khiến lối chơi của họ dễ bị bắt bài. Khi thế giới chuyển mình bằng công nghệ, bóng đá dịch chuyển dần và chỉ có sự khoa học mới giúp các đội tiến xa.
Tất cả điều đó đặt các đội bóng châu Phi vào thử thách lớn ở World Cup 2022. Họ có năm đại diện góp mặt gồm Senegal, Tunisia, Morocco, Cameroon và Ghana. Trong số đó, ngôi sao lớn nhất của lục địa đen là Sadio Mane của Senegal vắng mặt ngay phút chót vì chấn thương. Đây là tổn thất lớn với đội bóng này. Nó có thể khiến sức mạnh của đoàn quân HLV Aliou Cisse bị suy giảm.
Xét một cách toàn diện, Senegal là đội bóng có cơ hội lớn để tiến sâu. Dù mất Mane song HLV Aliou Cisse sở hữu đội hình chất lượng, có chiều sâu với những ngôi sao đang khoác áo các CLB hàng đầu châu Âu như Edouard Mendy, Kalidou Koulibaly (Chelsea), Fode Ballo-Toure (Milan), Pape Sarr (Tottenham), Abdou Diallo (Leipzig)... Một đội hình có cán cân lực lượng không quá chênh lệch là tiền đề để có hy vọng.
Ngoài ra, Senegal rơi vào bảng đấu khá nhẹ. Hà Lan ở đẳng cấp khác song Qatar và Ecuador được đánh giá thấp hơn.
Trong khi đó, lực lượng của bốn đội khác không có quá nhiều cá nhân nổi bật. Họ chủ yếu thi đấu ở các CLB nhỏ. Đã thế, cơ hội còn thấp hơn khi rơi những bảng đấu khó. Tunisia nằm ở bảng có cả đương kim vô địch Pháp lẫn đội bóng có phong độ ấn tượng là Đan Mạch.
Morocco nằm ở bảng có cả đương kim á quân Croatia và đội xếp thứ 3 World Cup 2018 là Bỉ. Cameroon có thử thách cực đại với bảng đấu có Brazil cùng hai đại diện đến từ châu Âu là Thụy Sỹ và Serbia. Ghana nằm chung bảng với Bồ Đào Nha, Uruguay và Hàn Quốc. Một bảng đấu nhiều rủi ro khi Bồ Đào Nha ở đẳng cấp vượt trội. Uruguay luôn là kẻ ngổ ngáo còn Hàn Quốc có sự phát triển vượt bậc.
Những thách thức đang chờ đợi cho các đội bóng châu Phi. Tuy vậy, bóng đá luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ. Và người hâm mộ chờ đợi sự bất ngờ từ các đại diện đến từ lục địa đen.
HOÀNG SA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin