(LĐ online) - Ở lần thứ 2, World Cup được tổ chức tại châu Á, liệu các đội bóng đến từ lục địa đông dân nhất thế giới có tạo nên những bất ngờ như cách Hàn Quốc đã lọt vào bán kết cách đây 20 năm?
|
Son Heung Min là ngôi sao hàng đầu châu Á được kỳ vọng tỏa sáng ở World Cup 2022 (Ảnh: The Korea Times) |
WORLD CUP - “CHIẾC ÁO RỘNG” VỚI CÁC ĐỘI BÓNG CHÂU Á
Trong 21 lần giải đấu được tổ chức, châu Âu và Nam Mỹ là hai khu vực thống trị tuyệt đối. Châu Á chỉ có một lần duy nhất lọt vào bán kết. Đó là trường hợp của Hàn Quốc vào năm 2002. Khi giải đấu được tổ chức ở Hàn Quốc và Nhật Bản, đội bóng xứ kim chi tạo nên cú sốc khi vượt qua các đối thủ lớn như Italy, Tây Ban Nha để lọt vào nhóm 4 đội mạnh nhất.
Tuy vậy, bê bối về trọng tài khiến giới chuyên môn không đánh giá quá cao thành tích này của Hàn Quốc. Đó cũng là thành tích tốt nhất của các đội bóng đến từ châu Á ở sân chơi World Cup. Còn lại, chưa một lần nào khác, một đội bóng của châu Á lọt đến bán kết; thậm chí là tứ kết.
Hàn Quốc cũng chính là đội bóng giàu truyền thống với 11 lần tham dự World Cup. Song, ngoài lần vào bán kết, đội bóng này chỉ có đúng 1 lần vượt qua vòng bảng và 9 lần bị loại sớm. Ở World Cup 2010, Hàn Quốc đứng thứ 2 bảng B, xếp sau Argentina, xếp trên Hy Lạp, Nigeria nhưng bị loại ở vòng 1/8 khi thất bại 1-2 trước Uruguay.
Nhật Bản là đội bóng có thành tích ổn định trong 2 thập niên trở lại đây với việc 3 lần vượt qua vòng bảng. Ấy vậy, họ cũng chỉ dừng ở ngưỡng vòng 1/8. Saudi Arabia từng 6 lần tham dự và chỉ 1 lần góp mặt ở vòng 1/8. Iran đều bị loại ở vòng bảng ở 6 lần tham dự. Ngoài ra, những đội bóng như Indonesia, Trung Quốc, Triều Tiên... đều 1 lần góp mặt và sớm dừng bước.
Rõ ràng, World Cup vẫn là sân chơi quá lớn với các đội bóng đến từ châu Á.
CÁC ĐỘI CHÂU Á CÓ GÌ Ở WORLD CUP 2022?
Ở World Cup 2018, các đội bóng ở châu lục đông dân nhất đã có những màn thể hiện đặt dấu ấn. Saudi Arabia, Hàn Quốc, Iran bị loại ở vòng bảng. Ấy vậy, họ gây ấn tượng. Saudi Arabia đánh bại Ai Cập của Mohamed Salah. Iran suýt tạo địa chấn ở bảng đấu có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
Đội bóng này giành 4 điểm và từng khiến Bồ Đào Nha vất vả ở lượt trận cuối. Hàn Quốc đánh bại nhà đương kim vô địch Đức ở lượt trận cuối vòng bảng.
Nhật Bản là đội bóng gây ấn tượng mạnh nhất. Đội bóng đến từ xứ sở mặt trời mọc vượt qua vòng bảng có Colombia, Senegal và Ba Lan. Ở vòng 1/8, họ thua Bỉ đáng tiếc với pha phản công đúng phút bù giờ cuối cùng.
Tất cả đó là bệ phóng để người hâm mộ chờ đợi ở kỳ World Cup này. Thực tế, trình độ của các đội bóng châu Á đã thu hẹp với các nền bóng đá khác. Điều này có được khi các ngôi sao châu Á tỏa sáng ở các giải đấu lớn tại châu Âu.
Ở World Cup này, châu Á có 6 đại diện, bao gồm chủ nhà Qatar, Saudi Arabia, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia (đội bóng đến từ châu Đại dương nhưng thuộc Liên đoàn Bóng đá châu Á).
Trong số 5 đội bóng, Qatar và Saudi Arabia đều có 100% cầu thủ đang thi đấu ở giải quốc nội. Ba đội bóng còn lại đều có những ngôi sao được kỳ vọng lớn. Iran có Medhi Taremi, ngôi sao đang tỏa sáng rực rỡ ở Porto (Bồ Đào Nha). Taremi ghi đến 5 bàn ở Champions League, 6 bàn tại giải vô địch quốc gia. Anh là một trong những tiền đạo hàng đầu ở châu Á.
Ngoài ra, Iran còn đó sát thủ khét tiếng Sardar Azmoun đang thi đấu ở giải vô địch quốc gia Đức trong màu áo Bayer Leverkusen. Chân sút 27 tuổi đã có 41 bàn thắng cho Iran chỉ sau 65 trận.
Hàn Quốc sản sinh ra những ngôi sao đang khuấy đảo châu Âu như Son Heung Min (Tottenham Hotspur, Anh), Kim Min Jae (Napoli, Italia), Lee Kang In (Mallorca), Tây Ban Nha), Hwang Hee Chan (Wolverhampton, Anh)...
Nhật Bản là đội bóng đáng chờ đợi nhất. Các ngôi sao xứ sở mặt trời mọc có bệ phóng từ giải vô địch quốc gia Đức. Nhiều ngôi sao của họ đang là trụ cột ở các câu lạc bộ tại Bundesliga như Ko Itakura (Monchengladbach), Maya Yoshida (Schalke), Hiroki Ito, Wataru Endo (Stuttgart), Daichi Kamada (Frankfurt). Bên cạnh đó, các ngôi sao ở Anh cũng sẽ là điểm tựa với Nhật Bản như Takehiro Tomiyasu (Arsenal), Kaoru Mitoma (Brighton) hay Takumi Minamino đang thi đấu cho Monaco ở Pháp.
CƠ HỘI NÀO CHO CHÂU Á?
Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn là lá cờ đầu của châu Á ở sân chơi World Cup. Ở lần này, cả hai rơi vào bảng đấu khó. Đội bóng xứ sở mặt trời mọc chung bảng E với Tây Ban Nha, Đức và Costa Rica. Ngoài Costa Rica, hai đội bóng còn lại đều ở đẳng cấp cao, ứng viên nặng ký cho chức vô địch.
Trong khi đó, Hàn Quốc rơi vào bảng H với Bồ Đào Nha, Uruguay, Ghana. Bồ Đào Nha luôn là ứng viên hàng đầu cho vị trí số 1 ở mọi bảng đấu. Ghana đến từ châu Phi sẽ rất khó chịu. Dù vậy, khi bóng đá đòi hỏi yêu cầu chiến thuật cao thì Hàn Quốc đang chiếm lợi thế. Uruguay đã không còn là thế lực. Dàn cầu thủ lớn tuổi chính là rào cản với đội bóng này. Song, bảng H vẫn rất khó với Hàn Quốc.
Cơ hội của Saudi Arabia ở bảng C không quá nhiều khi các đối thủ của họ có trình độ vượt trội là Argentina, Mexico và Ba Lan. Iran rơi vào bảng đấu khó với Anh, xứ Wales và Mỹ. Ngoài Anh, Iran có thể cạnh tranh với hai đội bóng còn lại. Chủ nhà Qatar nằm ở bảng A cùng Hà Lan, Ecuador và Senegal. Đây được đánh giá là bảng đấu dễ thở nhất của các đội đến từ châu Á.
Bóng đá luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ và người hâm mộ chờ đợi, các đại diện của châu lục chủ nhà sẽ tạo nên những cú sốc lớn ở World Cup lần này.
HOÀNG SA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin