(LĐ online) - Thể thao nói chung, bóng đá nói riêng từ lâu không chỉ là trò chơi, một môn thể thao rèn luyện sức khỏe mà còn là các cỗ máy kiếm tiền cho rất nhiều tổ chức, trong đó có Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA). Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn chung toàn cầu, FIFA tại Vòng chung kết Cúp Bóng đá thế giới (World Cup) 2022 năm nay vẫn rủng rẻng để tăng mức tiền thưởng lên 440 triệu USD.
|
Tổng Thư ký FIFA Gianni Infantino cùng các quan chức và các đại biểu tại lễ ra mắt đồng hồ đếm ngược thời gian đến FIFA World Cup 2022 tại Qatar trong tháng 11/2022. Ảnh Internet |
FIFA QUYỀN LỰC
Nếu có một tổ chức nào có thành viên là các quốc gia, các vùng lãnh thổ nhiều nhất trên thế giới thì đó chính là Liên đoàn Bóng đá thế giới FIFA.
FIFA, được viết tắt từ tiếng Pháp: Fédération Internationale de Football Association (tiếng Anh: International Federation of Association Football), được thành lập từ năm 1904. Trước đó 2 năm, năm 1902, Anton Wilhelm Hirschman – Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Hà Lan đã gặp Frederick Wall – Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Anh đề nghị tổ chức một giải đấu quốc tế chính thức và thành lập một tổ chức bóng đá có quy mô quốc tế. Đề nghị này đã bị nhiều người trong Liên đoàn Bóng đá Anh khi đó từ chối.
Hirschman sau đó đã cùng nhà báo Robert Guerin của tờ Matin, Thư ký bộ phận bóng đá của Hiệp hội các môn thể thao Pháp gửi thư đến các liên đoàn bóng đá khác ở châu Âu đề nghị họ cùng đứng ra thành lập một tổ chức bóng đá quốc tế và đã nhận được sự đồng thuận. Một trận giao hữu bóng đá giữa Pháp gặp Bỉ đã diễn ra năm 1904, trận đấu này được công nhận là trận quốc tế đầu tiên. FIFA ban đầu có 7 liên đoàn tham gia gồm Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha và Thụy Điển; nhà báo Robert Guerin là chủ tịch đầu tiên của FIFA, trụ sở ban đầu đặt ở Pháp sau đó được chuyển sang Zurich, Thụy Sỹ.
Cho đến nay, từ 7 quốc gia tham gia ban đầu, FIFA đã phát triển như vũ bão, hiện có 6 liên đoàn thành viên tại các châu lục và 211 hiệp hội thành viên bao gồm các quốc gia, các vùng lãnh thổ. Trên thế giới đến nay chưa có một môn thể thao nào đạt được mức độ phổ biến rộng đến như vậy. Các quốc gia và vùng lãnh thổ này khi là thành viên phải đồng thời là thành viên của một trong 6 liên đoàn của châu lục gồm châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ - Trung Mỹ và Caribe, châu Đại Dương, Nam Mỹ và châu Phi.
Về danh nghĩa, FIFA chỉ là cơ quan quản lý bóng đá ở cấp độ thế giới, nhận nhiệm vụ phát triển và cải thiện nền bóng đá ở mọi nơi. Đây cũng là một tổ chức phi lợi nhuận, đầu tư hầu hết doanh thu kiếm được vào việc phát triển nền bóng đá thế giới. Nguồn thu nhập chính của FIFA đến từ việc tổ chức, quảng bá, tiếp thị cho các giải bóng đá quốc tế lớn, trong đó được biết đến nhiều nhất là World Cup diễn ra 4 năm 1 lần (bắt đầu từ năm 1930 và World Cup nữ từ năm 1991). Cùng đó là các giải khác như giải vô địch các châu lục, giải FIFA Confederations Cup. Có thể nói, các giải đấu này đã hoạt động như những cỗ máy in tiền cho FIFA, tạo ra một nguồn thu bền vững trong suốt bao năm nay.
Chẳng hạn như với World Cup, sự kiện lớn nhất hành tinh về bóng đá, thu hút sự chú ý của đông đảo người tham gia và quan tâm trên phạm vi toàn cầu, FIFA là cơ quan duy nhất tổ chức sự kiện này và có quyền tiếp cận tất cả các nguồn thu mang lại từ việc tổ chức giải đấu.
Để được đăng cai World Cup, các chủ nhà cần tuân theo một quá trình đấu thầu và cạnh tranh gay gắt do FIFA tổ chức, đặc biệt là phải đảm bảo cơ sở hạ tầng đáp ứng được các tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng này mang lại nhiều điều lợi cho các quốc gia, nhất là trong phát triển kinh tế, nên rất nhiều nước muốn chạy đua để được đăng cai. FIFA cho đến nay không đầu tư vào bất kì cơ sở hạ tầng nào được xây dựng cho mỗi kỳ World Cup, tất cả thuộc trách nhiệm của quốc gia đăng cai sự kiện.
Tuy nhiên, FIFA lại thu lợi từ việc bán bản quyền truyền hình, bản quyền tiếp thị hình ảnh, doanh thu từ bán vé các giải đấu, trong đó có World Cup. FIFA trả tiền cho ban tổ chức các nước để tổ chức và điều hành World Cup, chi tiền thưởng cho các đội tuyển quốc gia tham gia, trả chi phí đi lại và ăn ở cho các nhân viên hỗ trợ và đội ngũ điều hành trận đấu. Ngoài ra, FIFA còn cung cấp cho nước chủ nhà đăng cai một quỹ di sản FIFA World Cup được sử dụng để phát triển nền bóng đá ở quốc gia sở tại trong tương lai.
TĂNG TIỀN THƯỞNG CHO WORLD CUP 2022
Trong những năm gần đây, với mức độ phổ biến của bóng đá, của công nghệ vệ tinh và truyền hình phát triển, doanh thu của FIFA mỗi năm cứ đều đều tăng.
Một ước tính, số tiền FIFA thu được trong giai đoạn 2011 - 2014 đạt 5,7 tỷ USD, trong đó gần 90% đến từ các sự kiện, các giải đấu; số còn lại đến từ việc cấp phép và thu nhập từ đầu tư. Trong giai đoạn 2015 - 2018 sau đó, FIFA thu được 6,4 tỷ USD, trong đó chỉ riêng World Cup tổ chức tại Nga năm 2018, FIFA đã có được trên 4,6 tỷ USD.
Thật ra không chỉ đến World Cup mới có tiền mà hằng năm dù không có hay ít sự kiện lớn, FIFA vẫn có những nguồn thu đều đặn, như trong năm 2021 vừa qua chẳng hạn, FIFA thu được 766 triệu USD.
Cho đến nay, phần lớn số tiền thu được của FIFA là tiền bán bản quyền truyền hình cho các trận đấu của World Cup và các giải đấu quốc tế lớn khác, chẳng hạn với doanh thu 6,4 tỷ USD trong giai đoạn 2015 - 2018 trên, đã có 4,6 tỷ USD từ tiền bản quyền truyền hình.
Sau tiền bản quyển truyền hình là tiền thu từ bán bản quyền tiếp thị hình ảnh và tiền quảng cáo của các công ty từ các sự kiện lớn. Một ước tính sẽ có khoảng 5 tỷ người trên thế giới sắp đến sẽ ngồi trước máy thu hình để xem các trận đấu của World Cup 2022 năm nay và đây chính là cơ hội tuyệt vời cho bất kỳ công ty nào muốn giới hiệu sản phẩm hình ảnh của mình lên phương tiện thông tin đại chúng trong các giờ vàng có trận đấu, tất nhiên muốn phát thì phải trả tiền hơi bộn thôi.
Tiền bán vé vào cổng cũng là nguồn thu không nhỏ. Trong giai đoạn 2015 - 2018, tiền bán vé thu được từ các giải đấu lớn trong đó có World Cup vào khoảng 712 triệu USD. Nhưng trong năm nay với lượng khoảng 3 triệu vé bán được cho kỳ World Cup 2022 này, giá vé từ vài mươi đô la Mỹ cho đến trên 1000 USD, chắc chắn tiền bán vé thu được không hề nhỏ chút nào.
Chính từ nguồn tiền thu được này nên World Cup 2022 tại Qatar này FIFA khá hào phóng, chi đến 440 triệu USD tiền thưởng cho các đội bóng dự giải, tăng khá nhiều so với kỳ World Cup trước, trong đó chỉ riêng nhà vô địch khi lên bục ôm cúp sẽ có 1 tấm ngân phiếu trị giá 44 triệu USD!
VIẾT TRỌNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin