(LĐ online) - Khi một quốc gia để giành được quyền đăng cai một kỳ World Cup, rất nhiều thứ phải được đưa ra xem xét, từ hệ thống sân bãi thi đấu, hạ tầng giao thông đi lại, đảm bảo an ninh, chỗ ở cho VĐV và cho người hâm mộ, phương tiện giải trí... Với Qatar, tất cả những điều này dường như không thành vấn đề vì quốc gia này… quá giàu, đủ tiền để xoay sở cho mọi tình huống.
|
Một sân vận động mới xây của Qatar đẹp như trong truyện thần thoại giữa một vùng sa mạc bao quanh - ảnh Internet |
MỘT WORLD CUP CHỊU… CHI
Khi Liên đoàn Bóng đá thế giới FIFA trong năm 2010 loan báo rằng Vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới 2022 ( FIFA World Cup 2022) sẽ được tổ chức tại Trung Đông trong mùa đông, cụ thể là tại Qatar, không ít người trên thế giới đã tỏ ra ngạc nhiên vì quyết định này.
Cho đến nay, dù đến tận giờ quả bóng Adidas sắp lăn trên các sân cỏ Qatar đẹp như tranh thì việc quốc gia này đăng cai vẫn còn được báo chí đem ra mổ xẻ. Sepp Blatter – Cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông gần đây cho rằng đã có những quan chức dùng uy tín của mình để gây ảnh hưởng lên tính minh bạch của những lá phiếu bầu để Qatar giành được quyền đăng cai World Cup. Ông cho rằng lựa chọn Qatar là một “sai lầm” và cho biết trong thời điểm đó Ủy ban điều hành của FIFA nhất trí rằng Nga là nước sẽ đăng cai World Cup 2018 còn Mỹ sẽ là quốc gia tiếp theo đăng cai World Cup 2022 vì điều này “sẽ đem tới hòa bình cho thế giới”.
Có thể nói việc Qatar trở thành nước chủ nhà của Vòng chung kết World Cup 2022 năm nay đã từng gây nên rất nhiều tranh cãi trong nhiều vấn đề, trong đó có những cáo buộc mua phiếu bầu được gửi đến cho FIFA. Tuy nhiên, trong những cuộc điều tra độc lập do FIFA ủy quyền sau đó đã không có bằng chứng nào về hành vi sai trái được tìm thấy.
Về phía Qatar, không để những tranh cãi đó ảnh hưởng đến mình; nước này với nguồn tiền như vô tận từ dầu mỏ và khí đốt dưới lòng đất, đã tung ra một núi tiền, sơ sơ chừng… 200 tỷ USD để xây dựng lại hệ thống hạ tầng cho đất nước mình. Họ coi World Cup như là một cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, thông qua World Cup để xây dựng một đất nước tiên tiến, hiện đại trên thế giới hiện nay.
Thật ra không phải đến thời điểm 2010 khi Qatar giành quyền đăng cai World Cup này, mà ngay trước đó, trong năm 2008, nước này đã công bố dự án với những tham vọng lớn cho nước mình; dự án này mang tên “Tầm nhìn Quốc gia Qatar”, tất cả nhằm xây dựng Qatar thành một “xã hội tiên tiến có khả năng duy trì sự phát triển và cung cấp mức sống cao cho người dân”. Một trong những nền tảng chính cho tương lai được quốc gia này xác định là thể thao.
Sau việc giành được quyền đăng cai World Cup trong năm 2010, Qatar sau đó còn tiếp tục giành quyền đăng cai Cúp bóng đá châu Á (ASIAN Cup) năm 2011 rồi Đại hội thể thao khối Arab tại Trung Đông. Không chỉ hào phóng tài trợ mang thương hiệu trên áo đấu của các đội bóng lớn tại châu Âu với Qatar Airways, nước này sau đó còn đầu tư rất nhiều tiền vào đội bóng Paris Saint-Germain tại Pháp thông qua Qatari Travel Authority.
Nếu tính từ World Cup 1994 đến thời điểm này, Qatar là nước chịu chi và chi khủng nhất. Tại kỳ World Cup 1994, nước Mỹ với hạ tầng hiện đại nên chỉ chi khoảng 0,5 tỷ USD cho hạ tầng; đến nước Pháp đăng cai World Cup 1998 sau đó mức chi 2,3 tỷ USD; Nhật Bản năm 2002 chi 7 tỷ USD; Đức năm 2006 chi 4,3 tỷ USD; Brazil năm 2014 chi 15 tỷ USD; Nga gần đây cũng chỉ chi 11,6 tỷ USD trong World Cup năm 2018. Riêng Qatar với World Cup năm nay con số thực chi theo nhiều nhà chuyên môn không chỉ dừng ở 200 tỷ USD như báo cáo mà phải đến 220 tỷ USD, một con số nghe thấy… choáng!
Tuy nhiên, số tiền lớn này đâu chỉ rót vào các sân vận động hiện đại mà còn cho nhiều thứ khác cho hạ tầng. Các sân vận động này được báo cáo tổng cộng chỉ vào khoảng trên dưới 10 tỷ USD, số tiền còn lại được dành cho hiện đại hóa đô thị, từ đường xá, sân bay, tàu điện ngầm, tổ hợp khách sạn…, tất cả hướng đến một mục tiêu dài hạn cuả đất nước này.
TIỀN THƯỞNG TĂNG
Nước giàu như Qatar tiền bạc rủng rẻng thì ngại gì chi lớn cho World Cup nên FIFA năm nay cũng hào phóng tăng tiền thưởng cho giải đấu năm nay.
Cụ thể, Liên đoàn Bóng đá thế giới gần đây đã công bố những khoản thưởng tăng vọt cho các đội bóng dự giải; trong đó, tổng giải thưởng của World Cup 2022 là 440 triệu USD, nhiều nhất trong lịch sử của giải đấu này.
Các đội bóng chỉ cần chơi xong các trận trong vòng bảng sẽ được nhận 9 triệu USD; lọt vào vòng 16 được nhận 13 triệu USD; đứng từ thứ 5 đến thứ 8 nhận 17 triệu USD; đứng thứ tư nhận 25 triệu USD; giành huy chương đồng nhận 27 triệu USD; thua trong trận chung kết giành huy chương bạc nhận 30 triệu USD còn vô địch với tấm huy cương vàng khi lên bục ôm cúp vô địch sẽ kèm theo một tấm ngân phiếu trị giá 42 triệu USD. Năm 2018 trước đó, đội vô địch World Cup chỉ nhận được 38 triệu USD.
Bên cạnh việc chi tiền thưởng cho 32 đội tuyển tham dự giải, FIFA năm nay cũng tăng số tiền chi trả cho các CLB có cầu thủ thuộc biên chế đội mình được triệu tập tham dự giải đấu lớn nhất hành tinh này.
Theo đó, FIFA sẽ trả cho các CLB chủ quản 10.000 USD mỗi ngày cho một cầu thủ tập trung đội tuyển quốc gia trong thời gian chuẩn bị và diễn ra World Cup 2022, tăng hơn so với mức chi trả 8.530 USD tại World Cup 2018. Việc chi trả nằm trong chương trình bảo vệ lợi ích CLB của FIFA; CLB nào càng có nhiều cầu thủ được tập trung vào các đội tuyển quốc gia và càng tiến sâu hơn trong giải sẽ được nhận nhiều tiền hơn.
Như tại Anh, các CLB ở Ngoại hạng League đã cung cấp hơn 100 cầu thủ cho kỳ World Cup 2022 nên họ sẽ được nhận không ít tiền trả theo chương trình. Như Manchester City chẳng hạn, có đến 16 cầu thủ trong đội hình mình góp mặt tại World Cup nên họ có thể nhận đến 2,5 triệu bảng Anh. Còn CLB Chelsea, có 12 cầu thủ góp mặt nên họ cũng sẽ được nhận gần 2 triệu bảng Anh. Tại World Cup 2018, các CLB Manchester City, Real Madrid, Tottenham và Barcelona nằm trong số những CLB được nhận nhiều tiền nhất khi FIFA chi 209 triệu USD theo chương trình này.
VIẾT TRỌNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin