Phong độ và đẳng cấp

04:12, 01/12/2022
Đánh bại các đối thủ cực mạnh nhưng lại thua những đội đánh giá ngang cơ hoặc thế yếu hơn mình, nhiều đội tuyển châu Á đối mặt với nguy cơ không thể bước vào các vòng đấu tiếp của World Cup 2022. 
 
Các cầu thủ đội tuyển Hàn Quốc thẫn thờ sau trận thua 2-3 trước Ghana. Ảnh: Internet
Các cầu thủ đội tuyển Hàn Quốc thẫn thờ sau trận thua 2-3 trước Ghana. Ảnh: Internet
 
Nếu có một lý giải nào cho những trận thắng đầy oanh liệt, nức lòng bóng đá châu Á, rồi lại nối tiếp bằng những trận thua đầy đau đớn “không đáng thua” của các đội tuyển châu Á tại vòng bảng Vòng chung kết Bóng đá thế giới World Cup 2022 đang diễn ra trong những ngày này, thì đó chính là câu nói nổi tiếng của một vị huấn luyện viên (HLV) cũng rất cực kỳ nổi tiếng của Ngoại hạng Anh, Alex Ferguson. Ông là người Scotland, trong gần 27 năm huấn luyện cho Manchester United, ông đã giúp đội bóng này có 20 chức vô địch Ngoại hạng.
 
Nguyên văn câu nói của vị HLV này là “Form is temporary, but class is permanent”, được dịch qua tiếng Việt đó là “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Cứ mỗi lần xem đá bóng châu Á trên sân chơi World Cup, người viết lại nhớ đến câu nói trứ danh này. Không nhớ sao được khi mới đó, tại bảng E, trong trận đầu ra quân, Nhật Bản đã quật ngã Đức - đội mạnh của châu Âu, từng 4 lần vô địch World Cup, là ứng viên cho chức vô địch, với tỷ số 2-1. Trận thắng này làm thế giới bóng đá kinh ngạc, cả châu Á nức lòng, nhiều người cho rằng bóng đá châu Á đã vươn ngang tầm thế giới. 
 
Tương tự, khi Saudi Arabia trong bảng C ra quân đối đầu với Argentina, không nghĩ là đội bóng này có thể hòa, nói chi đến thắng. Đơn giản là Argentina từng 2 lần vô địch World Cup, trong đội hình họ toàn siêu sao, trong đó có ngôi sao cực lớn là Messi. Vậy mà họ lại đánh bại Argentina 2-1.
 
Với Hàn Quốc, trận ra quân trong bảng H gặp Uruguay - một đội cũng vào hàng “sừng sỏ” ở Nam Mỹ, cũng từng 2 lần vô địch World Cup, họ đã cầm hòa 0-0 trong trận hòa quí giá có thể coi như là một trận thắng. 
 
Nhưng ngay sau các trận ra quân đầy ấn tượng này, các đại diện châu Á lại liên tiếp để các đối thủ ngang sức hoặc đánh giá có thế yếu hơn mình vượt qua. Nhật Bản gặp Costa Rica dù chơi lấn lướt nhưng đầy bế tắc và bị đội này giội gáo nước lạnh bằng bàn thua 0-1 ở gần phút cuối trận. 
 
Hàn Quốc khi gặp Ghana trên thế tấn công dồn dập, nghĩ rằng có thể thắng được đối thủ châu Phi một cách dễ dàng thì đại diện châu Phi lại chơi cực kỳ khôn khéo, thủ chặt và đợi thời cơ phản công, kết quả thua 2-3. Thống kê sau trận đấu cho thấy Hàn Quốc cả trận cầm bóng tới 63%, dứt điểm 19 lần, trúng đích 6, ghi được 2 bàn, trong khi Ghana nằm im chịu trận, chỉ lên bóng khi có cơ hội, và trong 3 lần sút trúng đích họ đã ghi luôn cả 3 bàn.
 
Trước đó, Saudi Arabia trong loạt trận vòng bảng thứ 2 gặp Ba Lan và đã để đội tuyển quốc gia này dễ dàng vượt qua với tỷ số 2-0. Đội tuyển Ba Lan thì khá mạnh, trong đó có siêu sao Robert Lewandowski nên Saudi Arabia rất khó vượt qua.
 
Vì sao những đại biểu bóng đá châu Á trên có thể đánh bại các đối thủ cực mạnh nhưng lại thua những đội được đánh giá ngang cơ hoặc có thể có thế yếu hơn mình trong vòng bảng? 
 
Có thể lý giải rằng, do Nhật Bản, Saudi Arabia và Hàn Quốc trong trận ra quân nằm ở thế yếu, bị đánh giá thấp hơn Đức, Argentina cùng Uruguay, đơn giản vì những đội này có truyền thống lâu đời hơn hẳn, giàu kinh nghiệm chinh chiến hơn và trong đội hình của họ có những ngôi sao tên tuổi hơn so với 3 đội châu Á. Chính danh tiếng của họ đã khiến các các đội châu Á phải cực kỳ thận trọng trong lúc đối mặt, toàn đội phải gồng mình lên chơi tập trung trong suốt trận đấu. Ngay cả từng cầu thủ cũng luôn ý thức rằng mình cần thận trọng và cố gắng hết mức có thể để giúp toàn đội đứng vững trước sức ép của đối thủ. Chính điều này đã làm nên một tập thể gắn kết, mọi vị trí trên sân đều phải đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao, từng đường bóng phải được chơi trong nỗ lực tốt nhất. Chính những điều này đã đưa đến chiến thắng với kết quả khó tin.
 
Tuy nhiên, những nỗ lực vượt mức này khó có thể duy trì trong suốt một giải đấu trường kỳ được. Đó có thể chỉ là phong độ cực cao được các đội tuyển Nhật Bản, Saudi Arabia và Hàn Quốc thể hiện trong một trận đấu cụ thể khi đối thủ của họ là một đội bóng vượt trội hơn mình. Với những trận đấu ở loạt trận thứ 2 vòng bảng, khi không phải gặp những đội lớn nữa thì họ đã thi đấu đúng với đẳng cấp của mình, nghĩa là chấp nhận chơi bóng cởi mở hơn, tấn công nhiều hơn, tuy nhiên chính điều này đã khiến họ mất tập trung, bộc lộc sơ hở và sai sót nhiều hơn trong phòng ngự, dẫn đến những bàn thua không đáng có. 
 
Thật ra, điều này cũng không gì xa lạ trong làng bóng đá thế giới. Như tại Ngoại hạng Anh, lâu nay thường có những đội bóng tầm trung hoặc đội bóng nhỏ, chuyên lặn ngụp ở top dưới, nhiệm vụ chính là trụ hạng hằng năm cũng được coi là thắng lợi rồi, nhưng khi gặp các “đại gia” thì chính các ông lớn phải coi chừng. Như đội West Ham chẳng hạn, trong năm 2021 quật ngã luôn cả 3 “đại gia” trong bóng đá Anh là Manchester United, Manchester City và Liverpool. Còn đội “hạt tiêu” Brighton trong trận mở màn mùa giải Ngoại hạng 2022-2023 năm nay đã thắng Manchester United 2-1 làm kinh ngạc mọi người. Chính những trận đấu khi gặp các đối thủ lớn đã kích thích tinh thần thi đấu của các đội nhỏ, họ như chơi một trận “sống mái” và kết quả đến khá ngạc nhiên. Tuy nhiên để họ chơi tất cả các trận còn lại trong giải như trận đã chơi thì đó là điều bất khả thi. 
 
Rõ ràng, để nâng trình độ hay nâng đẳng cấp cần có thời gian và đầu tư đúng cách. Mọi đội bóng rõ ràng không thể dễ dàng thi đấu vượt cấp một cách nhanh chóng. Thật quá khó cho các đội bóng châu Á nếu yêu cầu họ chơi và giữ vững phong độ cao, ổn định suốt cả các trận trong vòng bảng hay tại giải nếu họ lọt vào vòng trong. 
 
Cho đến thời điểm nàythì Iran đã chính thức chia tay sau trận thua 0-1 trước đội tuyển Mỹ trong loạt trận vòng bảng thứ 3. Còn với các đội châu Á còn lại như Nhật Bản, Saudi Arabia và Hàn Quốc, cánh cửa vào vòng 16 đội đều rất hẹp. 
 
Quả thật rất đáng buồn cho bóng đá châu Á nếu không có một đại diện nào lọt vào vòng 1/8. Còn nếu mơ về một thành viên bóng đá châu Á nào đó lập lại kỳ tích vào đến bán kết như Hàn Quốc của World Cup 20 năm về trước lại là điều cực khó hơn. 
 
Bóng đá, cũng như nhiều môn thể thao có tính chuyên nghiệp cao như quần vợt chẳng hạn, ngoại trừ những bất ngờ đáng kể hay có thể có những cú lật đổ ngoạn mục từ những vòng đầu, nhưng càng vào sâu, trật tự sẽ được thiết lập lại một cách rõ ràng. Đó là khi tiếng nói của đẳng cấp. 
 
Nhưng nếu có bị loại thì cũng chẳng buồn lắm vì bóng đá châu Á tại Vòng chung kết World Cup năm nay đã có những bước tiến vượt bậc, với các chiến thắng vào hàng để đời, truyền cảm hứng cho cả châu lục trong hành trình hội nhập với bóng đá thế giới. Thành công này đến chính là nhờ nhiều quốc gia châu Á đã có không ít các cầu thủ xuất ngoại, đến các giải bóng đá mạnh tại châu Âu thi đấu, khi về tham gia đội tuyển quốc gia họ mang theo cả kinh nghiệm, chiến thuật, chiến lược chơi bóng. Đây cũng là hành trình mà các đội bóng Nam Mỹ hay châu Phi cũng đã đi trước đó để có những thành công rực rỡ như hôm nay. Những trận thi đấu với các đội mạnh, dù thắng hay thua cũng giúp các đội tuyển châu Á tích lũy kinh nghiệm quý giá, học hỏi và nâng trình độ. Và rồi, đẳng cấp sẽ dần đến qua các mùa World Cup.
 
VIẾT TRỌNG