Thiếu cọ xát đỉnh cao, châu Á bỏ lỡ thời cơ

12:12, 02/12/2022
(LĐ online) - Những gì các đội bóng châu Á đang thể hiện ở kỳ World Cup 2022 không gì nằm ngoài 2 từ: Kỳ diệu.
 
Đã từ lâu, châu Á luôn bị xem là nền bóng đá thuộc “vùng trũng” và nằm “ngoài rìa” của bóng đá thế giới. Ngoại trừ Quatar được tham dự với tư cách chủ nhà nên họ khó có thể xem là đội bóng mạnh của châu Á, các đội bóng chuyên dự World Cup như Nhật Bản, Ả rập Xê út, Iran, Hàn Quốc ở lần tham dự này đã thể hiện một phong cách đỉnh đạc chơi ăn thua đủ với các đội bóng được xem là mạnh hơn họ rất nhiều. 
 
Những cơn “địa chấn” liên tục xảy ra càng làm cho chúng ta hy vọng vào một “giấc mơ châu Á thăng hoa tại World Cup 2022”. Thêm vào đó, khí hậu khô hạn của Quatar đã được các cầu thủ thuộc Đông Á và Tây Á “trui rèn” thành quen thuộc cũng là một lợi thế của họ ở kỳ Cúp Thế Giới lần này. Đáng tiếc, châu Á lần này không sớm thì muộn cũng sẽ “rơi rụng” dần khi họ lần lượt thi đấu các vòng tiếp theo.
 
Dù Ả Rập và Nhật Bản đã làm nên “lịch sử” ở lượt đầu vòng loại nhưng ta liền thấy ngay nhược điểm chí mạng của bóng đá Châu Á khi họ lần lượt bước vào loạt trận thứ 2: không có sự cọ xát đỉnh cao! Ta có thể thấy châu Âu, Nam Mỹ và châu Phi trong đội hình của họ toàn là những hảo thủ thi đấu tại Champions League và Europa League. Rất hiếm hoi xuất hiện một vài cái tên châu Á xuất hiện tại hai đấu trường danh giá kể trên ngoài Son Heung Ming đã qua rồi thời đỉnh cao phong độ. 
 
Đây chính là khác biệt tuy nhỏ nhưng nhìn sâu vào ta mới thấy rõ điều này chính là thiệt thòi lớn nhất của bóng đá châu Á. Các cầu thủ không có cơ hội “tôi giũa” trong môi trường đỉnh cao và sự “ăn tập” bài bản của nền bóng đá châu Âu. 
 
Một điều đáng để quan tâm ở đây lần nữa đó là tầm vóc thể trạng của các đội bóng châu Á khó có thể so bì với các nền bóng đá khu vực hàng đầu thế giới. Tất cả những yếu tố trên quyết định đến thành công hay thất bại của bóng đá châu Á và cần một thời gian dài hơi nữa chúng ta mới có thể thấy kỳ tích lọt vào bán kết World Cup 2002 của Hàn Quốc từng lập năm nào.
 
Nếu AFC và UEFA có tiếng nói chung trong việc mở rộng biên độ cho phép biến Champions League và Europa League thành một “sân chơi mở” cho các câu lạc bộ không chỉ châu Á mà toàn thế giới thì lúc đó mặt bằng của bóng đá thế giới mới “bình hòa” và các đội tuyển và cấp câu lạc châu Á mới “ít chịu thiệt thòi”.
 
Cảm ơn Ả Rập Saudi, cảm ơn Nhật Bản đã cho chúng ta những phút giây “phấn khích” và niềm hy vọng vào những “kỳ tích”. Điều làm World Cup không bao giờ nhàm chán!
  
KLING QUANG