Bạn có đang tìm việc đúng cách? Cách đánh giá và cải thiện chiến lược tìm việc

10:51, 06/01/2025

(LĐ online) - Tìm việc làm giống như lựa chọn một con đường khi cất bước trong rừng sâu: có người nhanh chóng tìm được lối ra, có người mãi lạc lối trong những nhánh đường rối rắm. Khi mọi nỗ lực đều không thể đem lại kết quả như mong đợi, bạn có từng tự hỏi liệu bản thân có đang đi đúng hướng hay không? Nếu hành trình tìm việc của bạn đang gặp khó khăn, hãy tạm dừng bước chân, cùng nhau đánh giá chiến lược tìm việc hiện tại và tìm cách cải thiện thông qua 5 câu hỏi dưới đây để mang đến kết quả tốt đẹp hơn trong tương lai gần nhất.

Bạn đã hiểu rõ mục tiêu của mình hay chưa?

Trước khi bước vào hành trình xin việc, bạn cần hiểu rõ điều bản thân đang tìm kiếm là gì: Một công việc chỉ để kiếm sống hay một sự nghiệp mà bạn có thể gắn bó dài lâu? Thế mạnh của bạn là gì? Môi trường làm việc như thế nào sẽ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc? 

Nhiều người vội vã lao vào tìm việc mà không dành thời gian suy ngẫm về điều bản thân thực sự mong muốn. Nếu mục tiêu không rõ ràng, bạn dễ bị phân tâm bởi những công việc không phù hợp, dẫn đến sự thất vọng và mất định hướng. 

 

Nếu chính bạn chưa thực sự hiểu rõ về bản thân mình, chưa hình dung rõ ràng về con đường mình sẽ đi, hãy viết ra ba điều quan trọng nhất bạn muốn nhận được từ công việc mới: Lương thưởng cạnh tranh, cơ hội thăng tiến hay sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống... Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các công cụ như bài trắc nghiệm tính cách nghề nghiệp để khám phá chiều sâu của bản thân. Điều này cũng giúp bạn tăng khả năng thuyết phục nhà tuyển dụng khi trả lời câu hỏi lý do bạn chọn công việc và lý do họ nên chọn bạn.

Bạn có đang tìm việc ở những “địa chỉ” phù hợp?

Đừng dừng lại ở việc lướt qua một vài trang web tuyển dụng phổ biến bởi vì một số ngành nghề và vị trí đặc thù sẽ có những địa chỉ riêng giúp bạn tìm việc hiệu quả hơn. Nếu CV của bạn xuất hiện sai chỗ, tiềm năng của bạn có thể không bao giờ được nhà tuyển dụng phát hiện.

Hãy tự hỏi bản thân:

● Bạn có đang tiếp cận đúng đối tượng nhà tuyển dụng?

● Bạn đã biết cách tận dụng các mối quan hệ cá nhân, các sự kiện networking, các nhóm cộng đồng chuyên ngành trên mạng xã hội hay tiếp cận cơ hội việc làm tại các hội thảo nghề nghiệp lớn hay chưa?

Ví dụ: Nếu bạn đang tìm kiếm công việc trong lĩnh vực sáng tạo như thiết kế hay content, ngoài việc gửi CV qua các nền tảng tuyển dụng truyền thống, bạn có thể tạo hồ sơ trên các nền tảng truyền thông xã hội dành cho nhà thiết kế nhoặc xây dựng và phát triển blog cá nhân để phô diễn năng lực của mình.

CV của bạn đã đủ nổi bật hay chưa?

Hãy nhớ rằng CV là “gương mặt đại diện” của bạn trước nhà tuyển dụng. Một CV thiếu trọng tâm, đầy lỗi chính tả hoặc trình bày lộn xộn có thể khiến bạn bị loại ngay từ vòng đầu. Bên cạnh đó, rất nhiều công ty sử dụng hệ thống sàng lọc, nếu bạn không có chiến lược cụ thể trong việc xây dựng và trình bày CV, CV của bạn sẽ bị loại trước khi đến được tay nhà tuyển dụng.

3 điểm cơ bản nhất bạn cần kiểm tra trong CV gồm có:

● Nội dung CV đã nhấn mạnh các kỹ năng liên quan trực tiếp đến công việc hay chưa?

● Đã sử dụng các từ khóa phù hợp với mô tả và yêu cầu công việc để vượt qua hệ thống sàng lọc hay chưa?

● Độ dài CV của bạn có quá dài hoặc quá ngắn? (một CV lý tưởng thường có độ dài từ 1-2 trang A4).

Sau khi hoàn thiện CV, bạn có thể nhờ bạn bè hoặc những người có kinh nghiệm trong ngành xem qua CV và giúp bạn đưa ra những lời khuyên/lời nhận xét công tâm nhất và đừng ngần ngại đầu tư vào một mẫu CV chuyên nghiệp nếu đó là điều cần thiết trong lĩnh vực mà bạn theo đuổi.

Phản hồi từ nhà tuyển dụng có cho bạn gợi ý nào không?

Nếu bạn đã gửi đi rất nhiều CV nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào, có thể bạn cần xem lại cách trình bày CV cũng như mục tiêu và cách thức tìm việc của mình. Hoặc nếu bạn được mời phỏng vấn nhưng không thành công, hãy ghi nhớ và xem xét thật kỹ những gì đã xảy ra trong buổi phỏng vấn.

● Bạn có bỏ qua những bước chuẩn bị cơ bản cho buổi phỏng vấn (tìm hiểu công ty, luyện tập trả lời các câu hỏi phổ biến…)?

● Nhà tuyển dụng có đưa ra lý do cho việc bạn chưa phải ứng viên phù hợp với họ?

Đừng ngần ngại hỏi nhà tuyển dụng lý do bạn không được chọn (một cách khéo léo và lịch sự) hoặc gửi một email ngắn sau buổi phỏng vấn: “Cảm ơn anh/chị đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn. Nếu được, em rất mong nhận được một số phản hồi từ anh/chị để có thể cải thiện trong tương lai”. Tin rằng, những phản hồi từ nhà tuyển dụng sẽ là tài nguyên quý giá để bạn cải thiện chiến lược tiềm việc và đạt được kết quả tốt hơn.

Bạn đã đủ kiên nhẫn hay chưa?

Tìm việc không phải một cuộc đua tốc độ mà là hành trình của sự bền bỉ. Thay vì vội vàng đánh mất lòng tin ở bản thân vì chưa nhận được công việc mơ ước, hãy cố gắng:

● Giữ tâm lý vững vàng bởi sự nóng vội dễ khiến bạn nản lòng hoặc chấp nhận những công việc không phù hợp. 

● Biến thời gian chờ đợi thành cơ hội nâng cao kỹ năng và giá trị bản thân bằng cách tham gia các khóa học trực tuyến, đọc sách chuyên ngành hoặc thực hiện các dự án cá nhân để làm phong phú thêm CV của mình. 

● Chăm sóc sức khỏe tinh thần, tìm kiếm niềm vui trong các hoạt động như thể thao, nghệ thuật hoặc tình nguyện. Một tinh thần tích cực sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt hơn trong các các buổi phỏng vấn.

 

Tìm việc không chỉ là một hành trình đi tìm công việc mà còn là quá trình bạn khám phá chính mình và học cách ứng xử linh hoạt. Đừng ngại điều chỉnh chiến lược tìm việc nếu bạn nhận ra mình đang đi sai hướng. Hãy nhớ rằng, thành công luôn mỉm cười với những ai biết kiên trì và không ngừng nỗ lực học hỏi để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.