Nông dân Tân Văn nâng cao đời sống từ chuyển đổi cây trồng

VIỆT QUỲNH 05:54, 19/07/2023

Đã không còn phụ thuộc phần lớn vào cây lúa nước và cà phê, nay, nông dân xã Tân Văn (huyện Lâm Hà) đã có thêm nhiều lựa chọn mới để phát triển kinh tế. Bức tranh nông nghiệp điểm thêm nhiều màu sắc của cây dâu, con tằm, rau, hoa công nghệ cao, cây ăn trái, cây lấy dầu,... Đời sống của bà con trên vùng kinh tế mới từ đó cũng dần được cải thiện.

Cây dâu, con tằm đang giúp người dân thôn Tân Lin, xã Tân Văn thoát nghèo
Cây dâu, con tằm đang giúp người dân thôn Tân Lin, xã Tân Văn thoát nghèo

Thôn Tân Lin là thôn đồng bào dân tộc thiểu số của xã Tân Văn, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, bộ mặt nông thôn của Tân Lin dần thay đổi, nhà cửa được xây dựng khang trang, đời sống phát triển. Theo bà Lã Thị Hà - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tân Lin, bên cạnh chính sách đầu tư của Nhà nước, sự thay đổi đó chủ yếu đến từ cây dâu, con tằm. Hiện, thôn Tân Lin có 54 ha trồng lúa 2 vụ, 14 ha trồng cà phê và 18,5 ha trồng dâu. “Thu nhập từ cây dâu, con tằm cao hơn nhiều so với cây lúa, nhất là khi kén có giá cao như giai đoạn hiện nay. Do đó, việc trồng dâu, nuôi tằm đang là sự lựa chọn mới của nhiều người dân. Hội Nông dân xã cũng tăng cường tập huấn, hỗ trợ để người dân mạnh dạn chuyển đổi, mở rộng diện tích, quy mô” - bà Hà cho biết.

Là một trong những hộ đầu tiên tại thôn Tân Lin trồng dâu, nuôi tằm, anh Nguyễn Văn Tiến chia sẻ: “Với 3 sào đất trồng dâu, mỗi tháng tôi nuôi được 1 hộp tằm. Việc chăm sóc tằm không khó, chủ yếu tận dụng thời gian nhàn rỗi. Sau khi trừ chi phí, tôi có thêm thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng tùy theo giá kén, giúp trang trải thêm cuộc sống gia đình hàng ngày thay vì chỉ đợi vào mùa vụ cà phê như trước đây”.

Với những điều kiện phù hợp về thổ nhưỡng, khí hậu, tại thôn Tân Thành, người dân lại đang phát triển mạnh việc chuyển đổi diện tích trồng cây cà phê kém hiệu quả sang cây mắc ca. Ông Nguyễn Trọng Tuệ - Trưởng thôn cho biết, hiện, toàn thôn đang có hơn 200 ha trồng cà phê và 30 ha trồng mắc ca. Qua gần 10 năm bén rễ đất Tân Thành, cây mắc ca đã chứng minh được hiệu quả kinh tế, điều này giúp bà con có thêm động lực để mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi. Bản thân gia đình ông Tuệ cũng có hơn 3 ha trồng cây mắc ca với hơn 200 cây, hơn một nửa số đó đang cho thu hoạch với sản lượng 4 - 5 tấn. “Điều tôi mong muốn là các hộ trồng mắc ca sẽ sớm hình thành nên tổ hợp tác, liên kết với nhau để không chỉ tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, mà còn thống nhất quy trình từ nguồn giống đến trồng và chăm sóc, đảm bảo chất lượng cho hạt mắc ca Tân Thành” - ông Tuệ chia sẻ.

Theo ông Lăng Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Văn, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại địa phương đang được chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, phù hợp với mỗi thôn. Xã tiếp tục phát huy, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với tiêu thụ nông sản. 

Hiện, cây cà phê vẫn là cây chủ lực của xã Tân Văn, nhưng cây dâu, con tằm lại là cây thoát nghèo của bà con nông dân. Với những ưu điểm như dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, thời gian hoàn vốn nhanh, nghề trồng dâu, nuôi tằm đã tạo thu nhập phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân, giúp bà con lấy ngắn nuôi dài, ổn định cuộc sống. Năm 2023, UBND xã Tân Văn xác định tiếp tục chăm sóc diện tích dâu tằm hiện có và chuyển đổi một số diện tích lúa một vụ thiếu nước tưới tại thôn Tân An, Tân Hòa, Tân Thuận, Tân Lợi và Tân Lộc; một số diện tích cà phê năng suất thấp tại thôn Tân Lợi, Tân Lộc, với diện tích trồng mới khoảng 8 ha.

Bên cạnh đó, UBND xã tuyên truyền người dân tích cực chuyển đổi cây trồng nhằm mang lại hiệu quả cao trên cùng đơn vị diện tích như cây mắc ca, rau, hoa... Khuyến khích người dân liên kết sản xuất, trồng các loại cây tập trung thành vùng nguyên liệu lớn để thuận tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời phấn đấu mỗi thôn có ít nhất 1 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển diện tích rau, hoa công nghệ cao trên địa bàn xã đạt 20 ha trong năm 2023, tập trung chủ yếu ở các thôn Tân Lợi, Tân Hòa, Hà Trung, Văn Minh, Tân Lin, Mỹ Đức. 

Đối với cây cà phê, địa phương duy trì chăm sóc diện tích cà phê hiện có, phấn đấu năng suất đạt 36 tạ/ha; tiếp tục cải tạo khoảng 20 ha diện tích cà phê kém năng suất bằng giống cà phê chất lượng cao. Khuyến khích các hộ dân trồng xen cây ăn trái trong vườn cà phê như sầu riêng, bơ hoặc chuyển đổi từ diện tích cà phê sang trồng mít thái, cam, bưởi, sầu riêng, mắc ca... Tập trung phát triển vùng cây ăn quả tại thôn Tân Thành, Tân Lợi, Tân Hiệp và một số thôn khác. Hiện, xã Tân Văn có diện tích 100 ha cây ăn quả, phấn đấu trồng mới khoảng 15 ha trong năm 2023.

Ông Lăng Văn Trọng cho biết: “Để khuyến khích, hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chính quyền địa phương luôn ưu tiên nguồn vốn phát triển nông nghiệp từ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia để người dân có điều kiện vay vốn, tạo nguồn đầu tư ban đầu. Đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác ở nông thôn làm nền tảng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, hiệu quả, bền vững. Từ đó góp phần hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người nông dân”.