(LĐ online) - Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến,… của các tầng lớp nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng và toàn dân.
• ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC MỘT TRUYỀN THỐNG CỰC KỲ QUÝ BÁU
Đại đoàn kết toàn dân là một truyền thống cực kỳ quý báu, tạo thành sức mạnh vô song của dân tộc Việt nam. Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã nhiều lần phải đem sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược mạnh hơn rất nhiều lần và cuối cùng luôn giành chiến thắng. Chiến thắng ấy không phải là chiến thắng của vũ khí, của kinh tế, mà là chiến thắng của đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc xuất phát từ quan điểm “Dân là gốc của một nước”, muốn làm nên nghiệp lớn, phải “lấy dân làm gốc”. Các triều đại phong kiến Việt Nam thịnh vượng đều biết dựa vào Nhân dân và biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Lý Công Uẩn nêu quan điểm trị nước là “Trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”; Trần Quốc Tuấn coi trọng việc: “Khoan thư sức dân”, “Chúng chí thành thành” (ý chí của quần chúng làm nên bức thành kiến cố); còn Nguyễn Trãi thì đề cao tư tưởng “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “Lật thuyền mới rõ dân như nước”, “Yêu nuôi Nhân dân, để khắp các nơi làng mạc không có tiếng oán giận, than sầu”; Nguyễn Bỉnh Khiêm khẳng định: “Xưa nay nước lấy dân làm gốc/Được nước là bởi lẽ được dân”... Ngược lại, triều đại nào làm trái với những điều nêu trên đều chuốc lấy bại vong.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng “thân dân”, “lấy dân làm gốc” của tổ tiên đã được kế thừa và phát huy cao độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân”, “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”, “Nước lấy dân làm gốc”. “Gốc có vững, cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”,… Kế thừa truyền thống của dân tộc, Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao tư tưởng “lấy dân là gốc” và không ngừng xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xem đây không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là của cả dân tộc. Và có thể khẳng định rằng, không gì có thể cản bước đi lên của dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống đại đoàn kết để trường tồn và phát triển.
Thực tiễn lịch sử đất nước mấy mươi năm dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng đã cho thấy, trong những lúc khó khăn, thách thức, điều quan trọng nhất vẫn là biết phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta càng khẳng định việc dựa vào Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh Nhân dân là đường lối chiến lược, là nhiệm vụ trung tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó, vai trò lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định, nhân tố bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 12/3/2002 của BCH Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về đại đoàn kết và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc sâu sắc hơn. Nhiều chủ trương, chính sách mới được Đảng, Nhà nước ban hành và thực hiện có hiệu quả, không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được phát huy trên mọi lĩnh vực. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để tập hợp, đoàn kết, phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế như việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số lĩnh vực, địa bàn còn hạn chế. Nhiều nguồn lực chưa được phát huy hiệu quả. Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân có lúc, có nơi chưa gắn bó chặt chẽ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội, chưa phát huy hết vai trò tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân…
Bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay đang tạo ra cả thời cơ và thách thức, vận hội và nguy cơ đan xen nhau, rất phức tạp, khó lường. Vì vậy, hơn lúc nào hết, bài học đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của Nhân dân càng trở nên quan trọng và đòi hỏi phải được nâng lên một tầm cao mới, để quy tụ, đoàn kết mọi người dân Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
• TIẾP TỤC PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC
Trước đây cũng như hiện nay, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là đường lối chiến lược quan trọng, lâu dài; nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII vừa diễn ra, thiết nghĩ cần phải tiếp tục quán triệt sâu sắc một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, việc phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới phải lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc làm điểm tương đồng. Đồng thời, phát huy dân chủ XHCN, thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực, động lực chủ yếu. Điều đó sẽ tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến của các tầng lớp Nhân dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng XHCN.
Thứ hai, các chủ trương, chính sách của Đảng phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân; đặt ấm no, hạnh phúc của Nhân dân lên trên hết, trước hết; đảm bảo hài hòa các mối quan hệ lợi ích trong xã hội,… để củng cố niềm tin, sự đồng thuận xã hội. Đồng thời cần được thể chế hóa một cách đầy đủ, kịp thời, phù hợp thực tiễn, có tính khả thi cao, tránh tình trạng đưa ra những nội dung, yêu cầu khó triển khai thực hiện hoặc thực hiện không được; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là các chính sách liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến người có công với cách mạng, nhóm yếu thế và đồng bào các dân tộc thiểu số,…
Thứ ba, xác định rõ việc xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Đảng và cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, cần: (i) Củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. (ii) Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm.
Thứ tư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nòng cốt tập hợp, xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, một mặt cần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội. Mặt khác, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở phải đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tổ chức vận động, tập hợp Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư theo hướng trang trọng, ý nghĩa, vui tươi, thiết thực; phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, tính sáng tạo của mỗi địa phương. Phần Lễ với nội dung ngắn gọn, tập trung; phần Hội với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo khí thế thi đua, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, cộng đồng dân cư. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư hàng năm thật sự là Ngày hội lớn của toàn dân.
Khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh đoàn kết của bạn bè quốc tế. Vì vậy, lúc này đây hơn lúc nào hết, hễ là người Việt Nam yêu nước, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù có thể còn có chính kiến khác nhau, nhưng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, mà cùng nhau siết chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin