(LĐ online) - Ngày 8/5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo toàn tỉnh triển khai công tác chống hạn, thiếu nước mùa khô 2024.
Vùng rau Đơn Dương triển khai các giải pháp chống hạn |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình và công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; trong 4 tháng đầu năm hạn hán xuất hiện hầu hết tại các địa phương trong tỉnh, tổng lượng mưa đạt 45% so với cùng kỳ năm trước; mực nước tại các hồ thủy lợi quy mô lớn, vừa giảm trung bình từ 0,5 đến 4,5m, dung tích trung bình khoảng 50% so với tổng dung tích hồ chứa; tại các hồ thủy lợi nhỏ, mực nước giảm trung bình từ 1,0 đến 5m, dung tích tích trữ còn lại đạt trung bình khoảng 35%.
Trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận tình trạng giảm nguồn cấp nước cục bộ làm ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng bình thường của khoảng 12.661 ha cây trồng, nhất là cây công nghiệp, chủ yếu tại các khu vực không có hoặc xa công trình thủy lợi, nơi xa các sông suối tự nhiên, khan hiếm nguồn nước ngầm; đối với cấp nước sinh hoạt nông thôn cơ bản vẫn đảm bảo theo yêu cầu...
Trong tháng 4/2024 có mưa trên diện rộng tại địa bàn các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc góp phần giảm nguy cơ thiếu nước và cung cấp nước cho các hồ chứa trên địa bàn. Nhận định tình hình thời tiết trong thời gian tới mùa mưa đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm, lượng mưa trong tháng 5 sẽ thấp hơn cùng kỳ năm trước, nắng hạn, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tiếp tục xảy ra ở một số địa phương, vùng canh tác nông nghiệp chưa chủ động được nguồn tưới.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc căn cứ chức năng nhiệm vụ, tổ chức tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh trước đó.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ, diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, tình hình hạn hàng ngày để kịp thời cung cấp thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chủ động điều chỉnh, dời lịch gieo trồng cây ngắn ngày; chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động triển khai thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế của từng thời điểm, từng địa bàn (nếu có); báo cáo đề xuất UBND tỉnh các nội dung có liên quan.
Tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý, vận hành các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn chủ động triển khai thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước phù hợp với diễn biễn và tình hình thực tế của từng địa bàn, đảm bảo lưu lượng dòng chảy tối thiểu về hạ du đối với các hồ chứa thủy điện (nếu có); thường xuyên theo dõi nguồn nước, chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức điều tiết, lấy nước đảm bảo khai thác, vận hành sử dụng nước nước tiết kiệm, hiệu quả vừa đảm bảo nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của nhân dân, phát điện, nhất là vào thời kỳ cao điểm của mùa khô.
UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác công trình thủy lợi: chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức lấy nước trong điều kiện nguồn nước tiếp tục có nguy cơ thiếu hụt trong mùa khô năm 2024; rà soát, bố trí ngân sách địa phương, nguồn được phân cấp để sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, nạo vét, khơi thông dòng chảy và thực hiện các biện pháp chống hạn; kịp thời cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt và đảm bảo nguồn cung nước phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin