Nữ Chủ tịch Hội Nông dân hết lòng với công tác Hội

NHẬT MINH 08:31, 29/04/2023

Không chỉ làm kinh tế giỏi, Ma Thạnh - người con của đồng bào Churu còn là Chủ tịch Hội Nông dân xã tiêu biểu, hết lòng vì công tác Hội, được tuyên dương tại Hội nghị tổng kết Phong trào Thi đua yêu nước năm 2022 do huyện Đức Trọng tổ chức.

Ma Thạnh (thứ 5 từ trái qua) được tuyên dương tại Hội nghị tổng kết Phong trào Thi đua yêu nước huyện Đức Trọng năm 2022
Ma Thạnh (thứ 5 từ trái qua) được tuyên dương tại Hội nghị tổng kết Phong trào Thi đua yêu nước huyện Đức Trọng năm 2022

BIẾN ƯỚC MƠ THÀNH SỰ THẬT

Ma Thạnh sinh ra và lớn lên tại xã Đa Quyn - một xã vùng sâu, còn nhiều khó khăn nhất của huyện Đức Trọng. Sau khi tốt nghiệp THPT vào năm 2009, Ma Thạnh được nhận vào làm văn thư tại UBND xã Đa Quyn. Trong câu chuyện giữa chúng tôi, Ma Thạnh bộc bạch, là người con được sinh ra và lớn lên tại địa phương, nên hiểu rất rõ cái nghèo khó của đồng bào mình và cả nguyên nhân dẫn đến điều đó. Chính vì vậy, ngay từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Ma Thạnh đã ấp ủ giấc mơ được học chuyên ngành Nông nghiệp rồi trở về quê hương, làm được một điều gì đó, để cuộc sống của gia đình mình, của người dân nơi đây bớt phần nào những khó khăn, cơ cực.

 Ước mơ đó cứ luôn thôi thúc Ma Thạnh, đến năm 2011, với quyết tâm biến ước mơ thành sự thật, Ma Thạnh gác lại công việc, quyết tâm thi đậu vào Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp ra trường, Ma Thạnh quay trở về nơi mình sinh ra làm việc, được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Quyn ngay từ ngày đó. Được làm đúng ngành nghề mình yêu thích, hàng ngày, hàng giờ được gắn bó với bà con, lắng nghe nhịp thở của buôn làng, nghe cả những tiếng thở dài tìm kế sinh nhai, đổi đời của các nông hộ Churu còn lắm nhọc nhằn..., quyết tâm phải làm được một điều gì đó cho người dân nơi đây lại càng thôi thúc Ma Thạnh. Bằng chính quyết tâm đó, với cương vị Chủ tịch Hội Nông dân xã, bằng kiến thức chuyên môn đã học, sự gắn bó với quê hương và niềm trăn trở cá nhân, Ma Thạnh đã vận dụng, triển khai linh hoạt nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân phù hợp với tình hình thực tế của nền nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Đa Quyn.

Ma Thạnh cho biết thêm, toàn xã hiện có 1.262 hộ, với 5.347 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80% dân số, dân trí không đồng đều. Tổng diện tích tự nhiên là 17.026,6 ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 3.812,99 ha, chủ yếu được trồng các loại cà phê, lúa và một số cây rau, củ, quả khác; đất lâm nghiệp 12.446,9 ha, còn lại là các loại đất khác. Riêng Hội Nông dân xã hiện có tổng số hội viên là 896, chiếm 89% số hộ nông nghiệp trên địa bàn xã. “Lúc đầu, khi mới bắt tay vào việc, tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là kinh nghiệm chưa có, vì vậy, nên cứ vừa làm vừa học, học những người đi trước, và ngay cả những người nông dân của buôn làng”, Ma Thạnh chia sẻ.

Ma Thạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Quyn
Ma Thạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Quyn

NHIỀU MÔ HÌNH GIÚP NGƯỜI DÂN THOÁT NGHÈO

Cùng với các phong trào thi đua yêu nước của cả xã, huyện... trong năm 2022 và suốt nhiệm kỳ 2018-2023, Ma Thạnh đã cùng với tập thể Ban Thường vụ Hội Nông dân xã chú trọng đổi mới phương thức, tăng cường tuyên truyền, vận động, triển khai hiệu quả Phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Hội Nông dân các cấp phát động. Phong trào này đã được đông đảo Nhân dân trong toàn xã tích cực hưởng ứng. Cũng từ phong trào này, đã có nhiều nông dân mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; chuyển đổi diện tích lúa 1 vụ sang trồng rau màu, củ năng... cho năng suất cao hơn; có nhiều hộ gia đình từ hộ nghèo đã vươn lên hộ khá, giàu. Hàng năm, toàn xã có 600 hội viên đăng ký tham gia phong trào, qua bình xét, có 400 lượt hội viên nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn 6,5%.

Để đạt được kết quả trên, Ma Thạnh và Ban Chấp hành Hội Nông dân xã đã đổi mới và vận dụng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, như mô hình nuôi bò thịt, bò sinh sản tại xã từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, với tổng số vốn được cấp là 600 triệu đồng cho 6 hộ vay. Tổng nhiệm kỳ được giải ngân nguồn vốn 700 triệu đồng cho 8 hộ vay. Thông qua dự án, đã góp phần động viên hỗ trợ vốn vay sản xuất, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhân rộng mô hình, củng cố niềm tin của hội viên nông dân vào tổ chức cơ sở hội.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng cho hội viên nông dân toàn xã; phối hợp triển khai các nguồn vốn, đưa các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền trên 15 tỷ đồng, giúp 291 hội viên nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Ngoài ra, Ma Thạnh đã chủ động tham mưu và thành lập Chi hội nghề nghiệp lúa hữu cơ Tà Năng - Ma Bó. Qua đó, đã tập hợp được 105 hội viên trồng lúa của 2 xã Tà Năng và Đa Quyn vào chi hội, hoạt động theo phương thức 5 cùng. Qua 3 năm hoạt động, đã từng bước chuyển phương thức trồng lúa truyền thống, dùng phân hóa học có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gây hại sức khỏe cho người tiêu dùng sang phương thức canh tác hiện đại, sử dụng phân bón vi sinh theo hướng hữu cơ an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng; chuyển sản phẩm cây lúa tự cung tự cấp thành sản phẩm hàng hóa, liên kết bao tiêu sản phẩm bán ra thị trường. 

Cùng với đó, Ma Thạnh đã chủ động liên hệ với các công ty, doanh nghiệp vừa cung cấp giống, phân bón trả sau với giá gốc, vừa liên kết thu mua, tạo đầu ra để bà con yên tâm sản xuất. Đối với hoạt động của hội viên chi hội, Ma Thạnh cũng tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích canh tác hữu cơ; phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho bà con hội viên. Mặt khác, đứng ra tín chấp vay vốn ủy thác cho bà con sản xuất. Hoạt động này đã giúp khai thác tối đa diện tích sản xuất lúa, đồng thời, tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích. Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế tập thể, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia các mô hình hợp tác. Năm 2022, phối hợp với UBND thành lập 1 Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm, có 6 tổ viên. 

Nói về Ma Thạnh, ông Lê Minh Tân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng, cho biết: “Ma Thạnh là người rất tích cực, năng nổ trong các phong trào của Hội. Ma Thạnh cũng biết cách tập hợp, thu hút nông dân vào tổ chức Hội, nếu như từ đầu nhiệm kỳ chỉ có khoảng 600 hội viên, thì nay, con số này đã tăng gấp nhiều lần. Ngoài ra, Ma Thạnh cùng với Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Đa Quyn có rất nhiều cách giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.