Với nhiều chính sách trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, người dân Đạ Pal đã từng bước thay đổi nhận thức, hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong việc cùng chung tay với địa phương gìn giữ nguồn tài nguyên rừng.
Tại Tiểu khu 544A, các chủ hộ nhận khoán bảo vệ rừng luôn tuần tra, kiểm soát người lạ xuất hiện tại nơi gia đình quản lý |
Người dân Đạ Pal còn nhớ như in ngày được Nhà nước giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. Và với gia đình chị Ka Thúy, từ khi nhận giao khoán rừng hơn 25 ha, gia đình chị được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng hằng quý nên thu nhập ổn định và có nhiều đóng góp cho Nhà nước. “Rừng đã nuôi sống gia đình mình thì mình phải có trách nhiệm bảo vệ nó! Nếu ai xâm phạm vào khu vực rừng nhận khoán, người dân sẽ nhanh chóng thông báo chính quyền xã can thiệp, xử lý kịp thời. Chính vì vậy, trong thời gian qua, diện tích rừng bị xâm hại đã giảm đi rất nhiều”, chị Ka Thúy vui vẻ.
Còn với ông K’Meng - Tổ phó Tổ nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ Tôn K’Long, thuộc Tiểu khu 544A cho hay: Trước kia, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc… họ bắt đầu đốn củi, lấy gỗ dựng nhà, chặt cây để bán, lúc ấy rừng là nơi duy nhất để họ có thể kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, từ khi được tuyên truyền, vận động từ chính quyền địa phương về nạn chặt phá rừng, mỗi người đều tự giác bảo vệ rừng.
“Tổ của chúng tôi có 12 hộ gia đình và nhận khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích là 238,27 ha. Diện tích rộng, địa hình nhiều đồi dốc nên việc tuần tra, kiểm soát rừng của người dân ở đây vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, để bảo vệ rừng, giữ rừng, không cho xâm hại nên cách duy nhất là đi bộ, len lỏi dưới tán rừng để kiểm tra từng tiểu khu, từng khoảnh rừng mà gia đình mình nhận khoán”, ông K’Meng giải bày. Cũng theo ông K’Meng, tổ nhận khoán bảo vệ rừng có bảng phân công cụ thể cho từng người, ai đi tuần tra rừng thì mới được chấm công. Việc tuần tra phải thay phiên nhau để vào tận nơi kiểm tra xem có ai phá rừng, xâm hại đến diện tích mà tổ đã nhận khoán hay không. Xã Đạ Pal hiện đã giao 2.774,18 ha cho 138 hộ dân khoán bảo vệ rừng. Để công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều khởi sắc, những năm qua, xã Đạ Pal đã chỉ đạo lực lượng chức năng, các thôn, tổ tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm lâm trong việc tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ xâm hại rừng, triển khai các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Nhờ vậy, địa phương đã hạn chế được các vụ cháy rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.
Chủ tịch UBND xã Đạ Pal Trịnh Văn Khả cho biết: Địa phương là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đạ Tẻh, địa hình khá phức tạp. Trước những khó khăn đó, công tác bảo vệ và phát triển rừng luôn được quan tâm thực hiện quyết liệt. Qua đó, hằng năm, xã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp với kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở, chủ động tham mưu với chính quyền xã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, triển khai công tác PCCCR, tuần tra, kiểm soát lâm sản, kiện toàn các Tổ bảo vệ và PCCCR ở các thôn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, các chính sách hỗ trợ đầu tư, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chính những điều đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng…
“Thời gian tới, xã Đạ Pal sẽ quan tâm triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về rừng, nỗ lực nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, đẩy mạnh công tác trồng rừng. Qua đó, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”, Chủ tịch UBND xã Đạ Pal khẳng định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin