Điệu chèo nghĩa tình dưới chân đập Núi Bô

HỒNG THẮM 07:18, 01/09/2023

Dưới chân đập Núi Bô, nơi những người con Nam Định vượt hàng ngàn km từ những ngày đầu đi xây dựng kinh tế mới đến nay vẫn quây quần, giữ cho mình những nét văn hóa của người Bắc Bộ, từ giọng nói, đến từng thói quen, đức tính chịu khó, cần cù...

CLB Người cao tuổi xã Ninh Loan giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống
CLB Người cao tuổi xã Ninh Loan giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống

TỪ NHỮNG NGÀY ĐẦU TRÊN MẢNH ĐẤT KHÔ CẰN

Câu chuyện về những ngày đầu đặt chân đến mảnh đất “núi rừng hoang vu, hẻo lánh, thưa người” trong tâm trí bà Trần Thị Xim (70 tuổi) như chỉ cần có dịp là có thể kể chẳng thiếu cột mốc nào. Ngày ấy, bà Xim theo chồng, theo lời kêu gọi của Chính phủ đi xây dựng kinh tế mới ở Tây Nguyên. Cái tên Tây Nguyên nghe thôi đã thấy xa lạ, thì cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến Ninh Loan, Đức Trọng khiến những cư dân đồng bằng Bắc Bộ khi ấy không giấu nổi nước mắt.

“Nói thật cảm giác đầu tiên chỉ muốn quay về thôi. Dân cư thì thưa thớt, khác biệt về giọng nói, cảnh vật hoang vu, cây cối um tùm. Chúng tôi trải qua những khi ăn bắp, ăn sắn mì sống qua ngày khổ lắm”, bà Xim kể. Đó cũng là lý do mà khi ấy, không ít người đã lựa chọn quay trở lại quê cũ, hoặc chuyển đến nơi khác làm ăn, hòng tìm kiếm một cơ hội đổi đời khác.

Còn trong trí nhớ của ông Phạm Hải Dương, một trong những sự kiện đáng nhớ và cũng là cột mốc đánh dấu bước chuyển mình của vùng đất Ninh Loan năm xưa đó chính là việc UBND huyện Đơn Dương (năm 1987 xã Ninh Loan mới tách từ huyện Đơn Dương để sáp nhập vào huyện Đức Trọng) quyết định đầu tư hệ thống đập Núi Bô vào năm 1983. Người dân Ninh Loan khi đó trở thành những người trực tiếp tham gia xây đắp đập, chẳng biết bao nhiêu ngày những đôi bàn tay lấm lem và những giọt mồ hôi rơi xuống.

“Thời ấy vất vả nhưng mà cũng vui lắm. Đúng là các cụ vẫn bảo, bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Mà hồi ấy chẳng ai bảo ai, cùng nhau làm hết việc này đến việc kia, chẳng ai ngại ngần gì, chỉ cần huy động là hăng hái tham gia ngay”, ông Dương nhớ lại.

Cũng từ đó, người dân không còn phải đối mặt với những đợt hạn hán kéo dài. Đời sống của người dân dần trở nên ổn định, trồng lúa để đảm bảo lương thực, trồng các loại cây, nuôi các loại con để cải thiện cuộc sống. Từ những người tiên phong đi xây dựng kinh tế đầu năm 1979, đến nay toàn xã đã có 1.520 hộ với 5.141 khẩu. Và một điều đặc biệt, nơi đây có trên 98% là người dân từ các huyện thuộc tỉnh Nam Định. Vì thế những cái tên như Thịnh Long, Ninh Hải, Nam Hải, Trung Hậu... quen thuộc từ ngoài quê được đặt tên cho các thôn bây giờ.

Bà Phạm Thị Bích - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Ninh Loan đã quyết tâm vượt khó vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tài nguyên rừng; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Trong đó, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; huy động sức dân, đồng thuận thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới. 

Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng ủy xã Ninh Loan về Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn xã mà đã có nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Chính quyền địa phương cũng đã huy động mọi nguồn lực, làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, quản lý, sử dụng có hiệu quả các công trình thủy lợi; tích cực đưa các loại giống cây trồng có hiệu quả vào sản xuất theo hướng năng suất chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Nhờ đó mà đời sống Nhân dân dần trở nên khấm khá, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, đạt trên 70 triệu đồng/người/năm. Và toàn xã hiện chỉ còn 18 hộ nghèo và 62 hộ cận nghèo.

Cờ hoa rực rỡ trong những ngày lễ lớn của đất nước
Cờ hoa rực rỡ trong những ngày lễ lớn của đất nước

• GIỮ MẠCH NGUỒN VĂN HÓA

Năm 2022, xã Ninh Loan vinh dự là đơn vị dẫn đầu cụm thi đua cấp xã của huyện Đức Trọng, là xã điển hình tiên tiến trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và đang tiến đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về An ninh trật tự...

Có được kết quả này, theo Phó Chủ tịch UBND xã, đó thực sự là kết quả của việc vận động được nội lực trong Nhân dân. Đến nay, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của xã được đầu tư sâu rộng, đồng bộ; kinh tế của xã phát triển theo hướng bền vững, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh; lĩnh vực giáo dục - y tế - văn hóa, được tăng cường gìn giữ phát huy bản sắc. 
Trong đó, một trong những điều tự hào mà những lớp người Nam Định đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này còn giữ đó chính là những điệu chèo, chầu văn, câu dân ca quan họ trong chính tâm khảm của mỗi người. Bởi vùng đất Nam Ðịnh vốn nổi tiếng chiếc nôi của nghệ thuật chèo trong dân gian bao đời nay. Và rồi có đi nơi đâu, người dân vẫn ngân nga câu hát chèo và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, như một cách để nhắc nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

“Đều đặn mỗi thứ 7 hàng tuần, chúng tôi tổ chức sinh hoạt để chị em có cơ hội gặp gỡ, hỏi thăm sức khỏe và cùng ngân lên lời ca tiếng hát. Người làng quê mình cả nên mọi người sống quần tụ, giúp đỡ nhau từ những điều nhỏ nhất của cuộc sống. Hơn nửa đời người ở mảnh đất này, cũng chỉ có bấy nhiêu để tự hào”, bà Trần Thị Xim nói.

Bà Xim hiện tại cũng là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã. Trước đó, bà có thời gian dài sinh hoạt trong Câu lạc bộ (CLB) Hội Người cao tuổi xã và làm Chủ nhiệm CLB hơn 10 năm. Lớn lên trong cái nôi hát chèo, từng làn điệu như đã ngấm vào máu bà Xim và hầu hết những thành viên trong CLB, thế nên từng lời ca, tiếng hát vẫn được cất lên ngọt ngào, da diết.

Cũng chính vì thế mà những tiết mục văn hóa nghệ thuật dân gian do các thành viên CLB Hội Người cao tuổi biểu diễn luôn được đánh giá cao và giành nhiều giải thưởng trong các hội thi, hội diễn của địa phương cũng như của tỉnh. Bên cạnh việc đầu tư, dàn dựng những vở diễn ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ thì những thành viên của CLB vẫn ngồi lại để sáng tác những bài hát mới về 45 năm gắn bó với hơi thở cuộc sống ở mảnh đất Nam Tây Nguyên. 

Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Loan cho biết: “Các chương trình, sự kiện của địa phương có sự đóng góp của Hội Người cao tuổi. Cùng với đó, địa phương luôn luôn tiếp tục tạo điều kiện để CLB duy trì hoạt động, góp phần tỏa sáng những giá trị văn hóa truyền thống, bồi đắp những giá trị văn hóa mới cho làng quê bởi đó dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây”.