Chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước

DIỄM THƯƠNG 17:57, 26/10/2023

(LĐ online) - Ngày 26/10, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm Hành chính công tỉnh Lâm Đồng
Người dân chờ giải quyết công việc tại Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng

Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu; các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến và nỗ lực, cố gắng trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các nhiệm vụ do UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc và công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị vẫn còn một số hạn chế, tồn tại; đặc biệt là những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại các văn bản nêu trên nhưng nhiều cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc tiếp thu, tổ chức quán triệt và thực hiện thường xuyên, đầy đủ, hiệu quả. 

Trong đó, vẫn còn tồn tại tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các sở, ngành, cơ quan khác. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong xử lý công việc chưa chặt chẽ, kịp thời, còn trường hợp chậm hoặc không tham gia ý kiến ​​hoặc tham gia ý kiến ​​nhưng không có chính kiến, quan điểm rõ ràng, kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc. Nhiều nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhưng tham mưu trễ hạn không có lý do. Có trường hợp cố ý trì hoãn, xin gia hạn nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ được giao. Có trường hợp còn tham mưu qua loa, đối phó. 

Nhiều cơ quan, đơn vị chủ yếu chỉ giải quyết công việc mang tính sự vụ, chờ cấp trên giao việc mới làm; ít chủ động, quan tâm nghiên cứu, đề xuất chủ trương chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập ở cơ quan, đơn vị. Vẫn còn tình trạng không thống nhất trong ý kiến phát biểu của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tại cuộc họp với UBND tỉnh và triển khai trên thực tế tại cơ quan, đơn vị.

Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã đề ra, doanh nghiệp và người dân chưa thực sự hài lòng.

UBND tỉnh cũng nêu lên nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; trong đó: nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong nghiên cứu và chấp hành pháp luật, quy chế làm việc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi nhiệm vụ chưa được quan tâm đúng mức…

Để tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, đóng góp thiết thực và nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra của năm 2023 và các năm tiếp theo; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành trong tỉnh và Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp quán triệt đến toàn thể các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức trực thuộc và yêu cầu thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế làm việc của UBND tỉnh.

Đồng thời, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong xử lý công việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành nghiêm kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ trưởng cơ quan hành chính cấp trên. Trực tiếp, chủ động, tích cực tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ trưởng cơ quan hành chính cấp trên giao; giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của cơ quan, đơn vị mình. Chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, được phân công, ủy quyền, được giao nhiệm vụ.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thanh tra, kiểm tra nội bộ để kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm chưa tốt. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền gây hậu quả thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. 

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc tại cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền theo sát tình hình thực tế; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Tổ chức thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Trong quá trình phối hợp để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền, chỉ lấy ý kiến ​​các cơ quan, đơn vị liên quan trực tiếp đến đề án, dự án... Cơ quan, đơn vị được lấy ý kiến ​​phải có trách nhiệm trả lời đúng hạn, đúng chức năng, nhiệm vụ, có quan điểm, trách nhiệm rõ ràng, không trả lời chung chung, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc. 

Đẩy mạnh, thực hiện hiệu quả Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2025 bảo đảm 100% thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh được thống kê, công bố (lần đầu) trong năm 2023; và trước ngày 01/01/2025, 100% thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh được rà soát, đơn giản hóa, bảo đảm cắt giảm ít nhất 20% số thủ tục hành chính và 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Quyết tâm, quyết liệt giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp kịp thời, hiệu quả, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, kiểm tra các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đang thực hiện. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, lãng phí nguồn lực, cơ hội của Nhà nước, xã hội, người dân, doanh nghiệp; không để cán bộ, công chức, viên chức liên kết với đội ngũ “cò thủ tục” để gây khó khăn, cản trở cho người dân và doanh nghiệp; không để đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính để phát hiện, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức không chịu xử lý, vi phạm. 

Phát huy hiệu quả các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến ​​nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh (địa chỉ: dichvucong.gov.vn, thamvanquydinhkinhdoanh. gov.vn); trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính ở các cơ quan, đơn vị, nhất là cấp cơ sở; chủ động, tích cực tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp để kịp thời giải quyết triệt để, dứt điểm các phản ánh, kiến ​​nghị, tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của người dân, doanh nghiệp; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, tuyệt đối không được đùn đẩy, lòng vòng, né tránh...