(LĐ online) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa có văn bản đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai với sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, gần khu vực hồ Đông Thanh, huyện Lâm Hà.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, qua đánh giá sơ bộ thì sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà - khu vực gần hồ chứa nước Đông Thanh, là do yếu tố thiên tai gây ra.
Sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực gần công trình hồ chứa nước Đông Thanh, Lâm Hà là do yếu tố thiên tai gây ra |
Cụ thể, báo cáo ngày 23/8/2023, của Cục Địa chất Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện ý kiến chỉ đạo tại các công điện của Thủ tướng Chính phủ và kết quả khảo sát tình hình trượt lở đất tại một số khu vực ở Tây Nguyên, cho thấy, có khối trượt mới nằm trong cung trượt cổ, chiếm diện tích 23 ha, kích thước 900 x 260m, cao 40m (từ 1050m đến 1010), hướng trượt 160 độ. Các vết nứt xuất hiện tại cung trượt từ 25/6/2023. Trượt lở đất bắt đầu từ 30/6/2025. Đến ngày 10/8/2023, trượt lở đất vẫn hoạt động. Trong cung trượt có hơn 20 vết nứt lớn phân bố từ đinh cung trượt, độ cao 1050m đến 1015m. Các khe nứt dài 5-15m, rộng 2-5cm đến 10- 30cm. Các vách trượt mới tạo nên nhiều bậc trượt cao 5-10 đến 50-70- 250cm. Nước thấm rỉ ở nhiều vị trí từ độ cao 1040m đến 1010m.
Nơi phát triển khối trượt là nơi giao nhau của 3 hệ thống đứt gãy: Đứt gãy phương á kinh tuyến (Bắc Đông Bắc - Nam Đông Nam). Hiện thấy có 3 đường, phương Bắc Đông Bắc - Nam Đông Nam, hướng dốc Tây Tây Bắc, phát triển trong đới rộng 2 km cắt qua phần lõi của cấu trúc gồm cả cung trượt cổ cũng như cung trượt mới. Đất đã bị vò nhàu, dập vỡ và phong hóa mạnh. Mặt trượt mới rất có thể kế thừa một phần trên bề mặt cung trượt cổ, phát triển trên bề mặt đáy vỏ phong hóa các đá dacitryolite, andesit của phức hệ Đơn Dương tuổi Creta muộn. Lỗ khoan cho biết bề dày vỏ phong hoa khoảng 22-23m theo chiều thẳng đứng lỗ khoan tính từ bề mặt địa hình.
Khảo sát sơ bộ cho thấy có khối trượt mới nằm trong cung trượt cổ tại khu vực gần công trình thi công hồ chứa nước Đông Thanh |
Kết luận sơ bộ hoạt động trượt lở đất đá phát sinh đến mức quan sát được là do khối trượt vẫn đang hoạt động, trong điều kiện mưa lớn, kéo dài làm tăng tải trọng khối trượt, giảm ma sát, đất đá ngậm nước giảm liên kết nên dễ dàng quan sát được khối trượt đang dịch chuyển; khối trượt đang trượt vào vai đập với thể tích lớn, mặt trượt có thể nằm ngay dưới chân đập, trong thời gian tới có thể vai đập sẽ bị nứt nhiều hơn không an toàn nếu tích nước mà không có biện pháp công trình phù hợp.
Từ các kết quả khảo sát sơ bộ trên, Cục Địa chất Việt Nam đã kiến nghị: Tạm dừng thi công công trình đập tràn, không tiếp tục xây dựng tới khi có biện pháp phòng tránh hợp lý, khoa học. Đồng thời, khẩn trương điều tra, khảo sát làm rõ đặc điểm địa chất, địa mạo, địa chất công trình - địa chất thủy văn của khối trượt và khu vực bao quanh hồ; đặc biệt cần làm rõ hiện trạng, quy mô (chiều sâu, dài, rộng, ảnh hưởng) diễn biến phát triển các đường nứt của cung trượt tại khối trượt làm cơ sở lựa chọn và thiết kế giải pháp nêu trên một cách phù hợp và hiệu quả. Và, lập bản đồ phân vùng cảnh báo, dự báo sớm và đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời nguy cơ nứt, sạt - trượt lở đất phạm vi từ đập thủy lợi đến hết đường phân thủy bao quanh phần tích nước hồ…
Khảo sát sơ bộ cho thấy hoạt động trượt lở đất phát sinh đến mức quan sát được là do khối trượt vẫn đang hoạt động, trong điều kiện mưa lớn, kéo dài làm tăng tải trọng khối trượt |
Cùng với đó, tại nội dung báo cáo kết quả khảo sát để phục vụ xác định nguyên nhân và biện pháp xử lý sự cố trên của Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Thủy lợi 3, cũng cho thấy địa hình của khu vực sạt, trượt ngoài phạm vi cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Đông Thanh có độ dốc lớn (30º đến 50º). Thảm thực vật phủ lên khu vực nghiên cứu là các loại cây rể ngắn; trong thời gian qua mưa kéo dài bất thường 27 ngày (từ 4/7 đến ngày 31/7/2023), lượng mưa lớn, làm cho nham thạch bị bảo hòa nước (mực nước trong hố khoan dâng cao, vị trí nông nhất là 0,6m - hố khoan KM17), làm cho nham thạch bị bảo hòa nước, chuyển đổi trạng thái, làm giảm tối đa sự liên kết của các hạt đất, phá vỡ kết cấu; tầng phủ dày, thay đổi từ 12,0m (hố khoan máy KM15) đến 52,9m (hố khoan KM19); trong tầng phủ tồn tại các đới đá phong hóa không đồng nhất, xen kẻ nhau rất phức tạp từ đới đá phong hóa hoàn toàn đến đới đá phong hóa nhẹ.
Để chấm dứt hiện tượng sụt lún, sạt trượt, nhằm đảm bảo ổn định lâu dài cho công trình hồ chứa nước Đông Thanh, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Thủy lợi 3 cũng đã kiến nghị hạ tải đến đáy của cung trượt, tạo mái taluy thoải đồng thời trồng cây bao phủ cho khu vực sườn đồi bờ phải. Giải pháp xử lý cụ thể sẽ được thực hiện khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho chỉ định đơn vị Tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để tổ chức xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Trong khi đó, ý kiến, kiến nghị của các sở, ngành, UBND huyện Lâm Hà và các đơn vị liên quan, cũng nhận định sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực gần điểm thi công hồ chứa nước Đông Thanh là do yếu tố thiên tai gây ra. Sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn về tính mạng, tài sản, đất đai của người dân và đã tác động gây mất an toàn đến cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Đông Thanh đang thi công, nếu không được xử lý triệt để sẽ gây mất an toàn đến hồ chứa nước Đông Thanh trong giai đoạn thi công cũng như giai đoạn tích nước đi vào vận hành; tính mạng, tài sản của người dân và các lực lượng có liên quan khác.
Từ các kết luận trên, đối chiếu quy định thì sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực tại xã Đông Thanh - gần khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh thuộc Tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Do tính cấp thiết để kịp thời xử lý sự cố sụt lún, sạt trượt đất nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, đất đai của người dân và đảm bảo an toàn đối với cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Đông Thanh, nếu không kịp thời xử lý thì cung trượt sẽ tác động rất lớn đến cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Đông Thanh và không thể xử lý được (hiện mới tác động đến dốc nước tràn, hiện diễn biến cung trượt rất phức tạp có thể tác động đến đập đất, cống dưới đập…).
Sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực tại xã Đông Thanh thuộc Tình huống khẩn cấp về thiên tai |
Từ những phân tích nêu trên, để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, đất đai của người dân và đảm bảo an toàn đối với cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Đông Thanh, cuộc họp ngày 4/10/2023, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Lâm Hà và các đơn vị liên quan về xử lý sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực trên cũng đã thống nhất kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Và cho phép UBND huyện Lâm Hà lập dự án khẩn cấp khắc phục sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại xã Đông Thanh. Đồng thời, chỉ định đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để tổ chức xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin