Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024

NGỌC NGÀ 14:19, 17/01/2024

(LĐ online) - Sáng 17/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm quốc gia (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng

Đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Võ Ngọc Hiệp – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP và 389 của tỉnh cùng tham dự.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, năm 2023, công tác phòng, chống tội phạm đạt được nhiều thành tích nổi bật. Các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương đã phát hiện bắt giữ xử lý hơn 146 ngàn vụ vi phạm pháp luật, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó các đơn vị, địa phương bắt giữ gần 11.500 vụ mua bán vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hơn 129 ngàn vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thu nộp nhà nước hơn 14.570 tỷ đồng, khởi tố hình sự hơn 600 vụ việc.

Báo cáo Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ cho thấy, năm 2023 tình hình tội phạm về trật tự xã hội xảy ra hơn 58.000 vụ, tăng 0,07% so với cùng kỳ năm 2022. Điều tra, khám phá gần 45.000 vụ việc. Việc Kiểm sát nhân dân các cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra hơn 130 ngàn vụ việc với hơn 200 ngàn bị can. Tòa án nhân các cấp thụ lý hơn hơn 93 ngàn vụ việc với hơn 183 ngàn bị cáo.

Riêng tại Lâm Đồng, năm 2023, tình hình ANTT địa phương luôn được giữ vững ổn định, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ; tỷ lệ điều tra khám phá án chung cao, đạt 91,8%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng khám phá đạt 100%; công tác đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật về ma tuý, tham nhũng, kinh tế, môi trường được chú trọng, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận; các mặt công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội được phát huy, nhất là công tác triển khai, vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống căn cước công dân, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030.

Công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo đã được quan tâm chỉ đạo quyết liệt mang lại hiệu quả cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được triển khai trên diện rộng, hướng về cơ sở với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác phối hợp, quản lý giáo dục, cảm hoá, giúp đỡ số người nghiện, người sử dụng ma tuý, đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật, số tù tha đã được quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực.

Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với hình thức, nội dung phong phú, phù hợp. Tiếp tục xây dựng, duy trì có hiệu quả các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm, phòng chống ma tuý, tệ nạn xã hội, tạo khí thế áp đảo tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại UBND tỉnh Lâm Đồng

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2024.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao những kết quả mà Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia các cấp đã đạt được trong năm 2023. Bước qua năm 2024 dự báo với nhiều khó khăn, thách thức, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Từng bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữ phòng ngừa xã hội và phòng ngừa tội phạm. Phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật.

Củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong công tác phòng, chống tội phạm. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan bảo vệ pháp luật đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ Nhân dân, bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao đang ngày một tinh vi.

Các bộ ngành, địa phương cần chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật, bao che, tiếp tay, bảo kê hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả công tác của đơn vị, địa phương mình quản lý.

Các lực lượng, địa phương tập trung các lực lượng, tuần tra, kiểm soát chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhằm tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu đối với ngành thủy sản.