(LĐ online) - Chủ tịch Hồ Chí Minh - người anh hùng dân tộc, nhà tư tưởng lớn, một nhân cách lớn đã in sâu trong ký ức của triệu triệu người Việt Nam và thế giới. Đạo đức của Bác Hồ luôn là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân ta phấn đấu suốt đời học tập và noi theo. Một trong những di sản Bác để lại cho Đảng và Nhân dân là tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục.
Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh không bó hẹp trong giáo dục tri thức, học vấn con người, mà có tính bao quát, sâu xa, nhưng vô cùng sinh động, thiết thực, nhằm tạo ra những con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”, có tri thức, lý tưởng, đạo đức, sức khỏe, thẩm mỹ…
Tư tưởng Hồ Chí Minh lý luận giáo dục và thực tiễn giáo dục có sự thống nhất hữu cơ, không tách rời nhau. Nghị quyết UNESCO đánh giá: “Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống hàng ngàn năm của Nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.
Theo Hồ Chí Minh, giáo dục có vai trò hết sức to lớn trong việc cải tạo con người cũ, xây dựng người mới. Người nói: “Thiện, ác vốn chẳng phải là bản chất cố hữu, phần lớn đều do giáo dục mà nên”. Giáo dục còn góp phần đắc lực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Bác chỉ ra cần có phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện giáo dục và đối tượng giáo dục. Giáo dục phải căn cứ vào “Trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng tham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng”. Cần có phương pháp tổ chức giáo dục sao cho bảo đảm được sự phù hợp giữa điều kiện, hoàn cảnh giáo dục với đối tượng giáo dục. Người viết: “Công nhân, nông dân bận làm ăn, nếu dạy không hợp với người học, với làm ăn, bắt phải đến lớp có bàn ghế là không ăn thua. Phải tùy theo hoàn cảnh làm ăn mà tổ chức học mới duy trì được lâu dài, mới có kết quả tốt”.
Bác chỉ ra chân lý: “Giáo dục dù trong nhà trường có tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”. Đây là triết lý và quy luật giáo dục gắn bó với ba môi trường: Nhà trường - Gia đình - Xã hội mà hiện nay đang thực hiện.
Nhận thức và thấm nhuần sâu sắc và vai trò giáo dục theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã xác định nhiệm vụ và mục đích cơ bản của giáo dục là “Nhằm xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH), có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát huy tiềm năng của dân tộc và con người Việt Nam, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân, làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức và kỷ luật, có sức khỏe, là những người kế thừa xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên”, như lời dặn của Bác Hồ. Đại hội Đảng lần thứ IX khẳng định: “Phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”.
Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Các kỳ Đại hội Đảng các cấp đều quan tâm chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo phương châm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.
Về mục đích của việc học, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và Nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”; “Học để sửa chữa tư tưởng”; “Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng”; “Học để tin tưởng”; “Học để hành”. Mỗi lứa tuổi, mỗi bậc học có một yêu cầu, một mục tiêu tương ứng. “Đại học thì cần kết hợp với khoa học tiên tiến của cả nước, kết hợp với thực tiễn nước ta để thiết thực giúp cho công việc kiến thiết nước nhà”; Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông, chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế; Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy nhẹ nhàng, vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ người lớn. Phải đặc biệt giữ gìn sức khỏe cho các cháu”. (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, T8, trang 86).
Một trong những tư tưởng lớn của Bác về giáo dục là coi trọng tự học và học suốt đời là tố chất không thể thiếu trong tư duy và trong hành động của con người hiện đại. Người nói: “Về việc học lấy tự học làm cốt”, “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”, “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”, “Phải tích cực học tập, thực hiện lời dạy của Lênin là học, học nữa, học mãi”, vì rằng, “Tình hình thế giới và trong nước luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận, thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập. Nghiên cứu học tập lý luận và kỹ thuật” (Hồ Chí Minh toàn tập, T7, trang 77).
Thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước và tư tưởng học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học không bao giờ cùng của Bác, ngày 09/11/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1315/QĐ-TTg phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam lấy ngày 19/5 hàng năm nhân Ngày sinh nhật Bác để tổ chức lễ trao giải “Học không bao giờ cùng” cho người lớn và sinh viên - học sinh, những tấm gương tự học, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thiện bản thân, đóng góp công ích cho gia đình và xã hội.
Nhân dịp này, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức bình chọn 50 gương mặt tiêu biểu trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh - sinh viên của tỉnh nhà nhằm suy tôn những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua học tập suốt đời theo tấm gương của Bác Hồ. Đây là lần đầu tổ chức, nên chưa bình chọn được nhiều tấm gương tiêu biểu, hy vọng từ lần sau trở đi chúng ta sẽ bình chọn được nhiều tấm gương tiêu biểu hơn nữa trong các tập thể và cá nhân thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin