Chuyển đổi số - Động lực quan trọng cho phát triển nhanh và bền vững

DIỄM THƯƠNG 11:45, 12/10/2024

(LĐ online) - Sáng 12/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024.

Chương trình được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, dự có đồng chí Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đạo diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng
Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng

ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI

Năm 2024, chuyển đổi số quốc gia có chủ đề: "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phân tích một số nét lớn về bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực hiện nay, ngoài vấn đề chiến tranh và xung đột, căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược, Thủ tướng chỉ ra một số xu thế nổi lên có tác động, ảnh hưởng tới mọi quốc gia, mọi nền kinh tế như xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu; kết nối giữa các nền kinh tế, nhất là kết nối hạ tầng, kết nối giao thông, kết nối số; phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Thủ tướng, muốn kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại, sức mạnh bên trong và bên ngoài thì không thể đứng ngoài xu thế chung của thế giới. Thực tế cho thấy đất nước ta đang đi đúng hướng với các trọng tâm về thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng. Trong đó, chuyển đổi số, như chúng ta đã và đang làm, đã mang lại lợi ích rất rõ cho đất nước, cho người dân. Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết về chuyển đổi số nhằm hiệu triệu cả nước tập trung đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số.

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg, theo đó lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao nhận thức của người dân, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

LÂM ĐỒNG- CHUYỂN ĐỔI SỐ VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ

Có thể khẳng định rằng, sau gần 03 năm triển khai Nghị quyết số 12/NQ-TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh; đến nay,  về cơ bản Lâm Đồng đã triển khai công tác chuyển đổi số một cách bài bản, khoa học, sáng tạo, hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận, nổi bật trong đó: Toàn tỉnh hiện có 14 Trung tâm IOC đang được vận hành, khai thác, các sở, ngành, địa phương hoàn thiện các cơ sở dữ liệu để triển khai kết nối, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở của tỉnh.

Lâm Đồng, chuyển đổi số qua giai đoạn đi vào chiều sâu

Đối với Nền tảng số, triển khai, duy trì hoạt động có hiệu quả Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) đã kết nối với 17/17 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành Trung ương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng tỉnh Lâm Đồng và Nền tảng họp trực tuyến được duy trì, vận hành ổn định, kết nối 175 điểm cầu trên địa bàn toàn tỉnh. 

Đối với Dữ liệu số, thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; dữ liệu hộ tịch, đất đai, thông tin người lao động, hồ sơ sức khỏe điện tử, bảo hiểm, giáo dục, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động. Triển khai thanh toán viện phí, học phí, chi trả an sinh xã hội (chi lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp),... không dùng tiền mặt.

142/142 xã, phường, thị trấn đều có Tổ công nghệ số cộng đồng với 2.538 thành viên (đạt 100%), 1.367 tổ CNSCĐ của các thôn/tổ dân phố với 9.287 thành viên. Về cơ bản, cán bộ từ cấp thôn tới cấp tỉnh đã tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức về công tác chuyển đổi số.

Xác định nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2025 và những năm sắp đến Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông mạnh mẽ về chuyển đổi số; làm tốt công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cơ bản, tạo và duy trì thói quen sử dụng công nghệ số cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Huy động, phát huy vai trò trung tâm và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng cả hệ thống chính trị triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số theo phương châm “Toàn dân, toàn diện”.

Tại đầu cầu Hà Nội, ông Trần Huy Đường - Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Langbiang Farm Đà Lạt đã có phát biểu, chia sẻ về chuyển đổi số trong nông nghiệp: "Chúng tôi đang sử dụng gồm: Công nghệ 1.0 như những công đoạn làm bằng tay ví dụ trồng cây, cắt hoa; Công nghệ 2.0 như cơ giới hóa tất cả những gì có thể gồm cắt cỏ, làm đất, vận chuyển, rải phân bón bằng máy, bằng xe tự hành; Công nghệ 3.0 như tự động hóa gồm hệ thống tưới của Israel vận hành đã gần 20 năm nay hay các hệ thống tưới mới của Tây Ban Nha, Việt Nam mới đây; Công nghệ 4.0 như quản trị doanh nghiệp bằng phần mềm chính là SAP của Đức để kết nối toàn bộ các phần mềm thành phần khác như tưới, chấm công, bán hàng… một cách tối ưu và tức thì từ A-Z. Số hóa hệ thống quản trị toàn diện là yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm. Hệ thống tự động hóa chúng tôi đã triển khai lâu rồi, giờ số hóa là xu thế".

Công ty Langbiang Farm do ông Trần Huy Đường sáng lập là một trong các doanh nghiệp đi đầu về chuyển đổi số trong nông nghiệp

Được xem là doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số, hiện công ty có gần 30 ha sản xuất rau, hoa; trong đó, diện tích canh tác hoa 10 ha, với các loại hoa cắt cành giống mới, như cúc tana, salem Mỹ, thủy tiên, như ý...