Cần tăng cường chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ

LÊ HOA 06:17, 20/02/2023

Ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng góp 41% GDP, 33% nguồn thu ngân sách và tạo hơn 70% việc làm. DNNVV đã và đang có vai trò là xương sống của nền kinh tế, là động lực thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo. Trong đó, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 28% tổng số DNNVV.

Công ty TNHH Thêu tay nghệ thuật Hữu Hạnh có trên 96% lao động là nữ, kể cả quản lý
Công ty TNHH Thêu tay nghệ thuật Hữu Hạnh có trên 96% lao động là nữ, kể cả quản lý

Riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tính đến cuối năm 2022, các DNNVV do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 33% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Điều này cho thấy, lực lượng doanh nhân nữ đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo khảo sát của ADB, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm tỷ lệ cao trong ngành Dịch vụ và giảm dần khi quy mô doanh nghiệp lớn dần. Có những khảo sát thú vị khác là DNNVV do phụ nữ làm chủ có tỷ lệ lao động nữ cao hơn, nhưng cần ít vốn để tạo ra một việc làm hơn và doanh thu thấp hơn doanh nghiệp do nam giới làm chủ.

Như vậy, DNNVV do phụ nữ làm chủ có vai trò quan trọng đối với giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao vị thế phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên, bản thân các DNNVV do phụ nữ làm chủ gặp nhiều trở ngại trong quá trình hình thành và phát triển, như quy mô còn nhỏ, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp; năng lực quản trị doanh nghiệp và tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế; đặc biệt, phụ nữ làm chủ doanh nghiệp còn gặp nhiều áp lực do phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình… khiến cho DNNVV do phụ nữ làm chủ chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển. 

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh không thuận lợi trong 2 năm 2020 - 2021 do đại dịch COVID-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế. DNNVV do phụ nữ làm chủ càng phải chịu gánh nặng do tổn thất vì đại dịch… Văn bản pháp quy đầu tiên về hỗ trợ phát triển DNNVV do phụ nữ làm chủ được đề cập trong Nghị định 90/2001/NĐCP về trợ giúp phát triển DNNVV, trong đó có nêu “…chú trọng ưu tiên chương trình trợ giúp các DNNVV do doanh nhân nữ quản lý” và được khẳng định lại trong Nghị định 56/2009/NĐ-CP, được thay thế bởi Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017, nhưng chưa có văn bản nào quy định DNNVV do phụ nữ làm chủ được ưu tiên những gì…".

Theo ông Trần Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng ngành Ngân hàng tỉnh Lâm Đồng luôn xác định DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên đầu tư tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồng hành cùng DNNVV, bao gồm cả DNNVV do phụ nữ làm chủ, thời gian qua, ngành Ngân hàng Lâm Đồng đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn, như chính sách ưu đãi về lãi suất, tín dụng, chủ động tiếp cận, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên hỗ trợ cho DNNVV, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19. 

Bên cạnh đó, nỗ lực thực hiện đẩy mạnh Chương trình Kết nối ngân hàng - Doanh nghiệp; duy trì hoạt động của Tổ hỗ trợ doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng trên địa bàn để giải quyết khó khăn, vướng mắc, cũng như kiến nghị của doanh nghiệp. Nhờ đó, vốn tín dụng ngân hàng đầu tư cho khu vực DNNVV đều tăng trưởng qua các năm. Riêng năm 2022, đạt gần 15 ngàn tỷ đồng, với gần 1.500 doanh nghiệp còn dư nợ; trong đó, dư nợ cho vay DNNVV do phụ nữ làm chủ đạt 5.773 tỷ đồng với 488 khách hàng, chiếm 38%.

Vừa qua, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy chương trình cải cách bình đẳng giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện, từ nguồn vốn của Sáng kiến tài trợ doanh nhân nữ (We-Fi), với mục tiêu tháo gỡ các rào cản về tài chính, phi tài chính đối với các DNNVV do phụ nữ làm chủ, cũng như tăng số lượng và nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ… tổ chức diễn đàn “Tăng cường tiếp cận tài chính cho DNNVV do phụ nữ làm chủ” tại TP Đà Lạt. 

Bà Chu Hồng Minh - Giám đốc Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy chương trình cải cách bình đẳng giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương” của ADB, cho biết, cùng với các chính sách hỗ trợ DNNVV, các DNNVV do phụ nữ làm chủ cũng cần được quan tâm hơn, như: có cơ hội tham gia các khoá tư vấn kinh doanh trực tiếp, thiết kế theo nhu cầu riêng của doanh nghiệp; tham gia các khoá học online nhằm nâng cao năng lực quản lý kinh doanh, vượt qua khó khăn, trở ngại của phụ nữ, tiến tới xây dựng định hướng kinh doanh bền vững…