Huyện Di Linh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, sẵn sàng ứng phó mùa khô hạn nhằm đảm bảo mục tiêu chiến lược về nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra, giữ vững nhịp độ phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống người dân.
Người dân Di Linh cũng chủ động các phương án để đảm bảo nước tưới cho cây trồng mùa khô |
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023, địa phương có trên 1.000 ha lúa, trên 44.000 ha cà phê (người dân đã hoàn thành cho công tác thu hoạch cà phê niên vụ 2022 - 2023 hiện đang bước vào giai đoạn tỉa cành, tạo tán, ủ gốc và tưới nước chống hạn cho cây cà phê), có trên 3.000 ha sầu riêng và trên 2.700 ha bơ, trên 1.700 ha mắc ca trồng xen trong vườn cà phê…
Căn cứ vào bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa (từ tháng 1 đến tháng 6/2023) của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia về việc tình hình khí hậu tiềm ẩn nhiều nguy cơ nắng hạn cục bộ, kết hợp với hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường (mưa, áp thấp, dông, sét... xảy ra trong mùa khô), huyện Di Linh đã chủ động các phương án nhằm kịp thời ứng phó hiệu quả trong mọi tình huống.
Theo đánh giá của UBND huyện Di Linh, nếu tình hình nắng hạn kéo dài và không có mưa, dự kiến trên địa bàn huyện sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ, tại các xã: Gia Bắc, Sơn Điền, Tân Lâm, Đinh Trang Thượng, Tam Bố, Đinh Trang Hòa, Liên Đầm, Tân Nghĩa. Khoảng 2.500 ha cây trồng có thể thiếu nước tưới. Hiện nay, nước sinh hoạt cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân, tuy nhiên, nếu nắng nóng kéo dài, mực nước ngầm và nước mặt tại các sông, suối xuống thấp, thời tiết không có mưa thì nhiều công trình cung cấp nước sinh hoạt nông thôn (giếng đào, giếng khoan, hệ thống nước tự chảy) không đáp ứng đủ nhu cầu, có nguy cơ sẽ xuất hiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại một số địa phương.
Ông Đặng Văn Khá - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 53 công trình thủy lợi, bao gồm 38 hồ chứa nước và 15 đập dâng, chủ động tưới cho 13.242 ha. Bên cạnh đó, Nhân dân đã tự đào 6.238 ao, hồ tưới cho khoảng 9.400 ha cây trồng; tổng số giếng khoan trên địa bàn huyện ước khoảng 3.500 cái, tưới cho 5.250 ha cà phê.
Huyện Di Linh đã kiểm tra, rà soát đánh giá lại toàn bộ hiện trạng hồ, đập; qua đó, có các giải pháp đảm bảo dung tích nước dự trữ các hồ, đập chứa nước đạt công suất tối ưu. Thực hiện vận hành điều tiết nước chủ động, khoa học, hợp lý, đảm bảo việc cân đối lưu lượng nước tại đầu nguồn và cuối nguồn. Xử lý kịp thời các điểm tắc nghẽn, đảm bảo dòng chảy liên tục thông suốt đến hạ lưu nguồn nước. Thông báo cụ thể cho các đối tượng sử dụng nước về lịch trình tưới nước luân phiên giữa các khu vực, các đối tượng cây trồng, đối với từng công trình thủy lợi. Thực hiện giám sát chặt chẽ việc sử dụng nước, điều tiết nước để tất cả các đối tượng sử dụng nước đều được cung cấp nước đầy đủ, hợp lý, và tiết kiệm nguồn nước.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân nạo vét ao hồ và tưới nước tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn nước. Người dân trên địa bàn cũng đã chủ động đào ao, hồ nhỏ, nạo vét khơi thông kênh mương, nạo vét ao, hồ nhỏ để gia tăng nguồn nước tưới. Gia đình ông Hoàng Văn Khải (Thôn 5, xã Tân Châu) đã chủ động đào ao với diện tích khoảng 150 m2 để tưới cho cây cà phê. “Năm nay do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, cà phê con đang thời kỳ phát triển và ra hoa nên gia đình phải tranh thủ thuê thêm nhân công để tưới nước cho cây. Nhưng nếu nắng nóng vẫn kéo dài thì lượng nước ao nhà cũng không đủ để tưới đợt 2, đợt 3”, ông Khải lo lắng. Hay gia đình ông K’Mon (Thôn 3, xã Tân Thượng) có 5 ha đất sản xuất cà phê, trong đó trồng xen 1.000 cây bơ và 300 cây sầu riêng, gia đình cũng đã chủ động đào ao để đảm bảo phần nào nước tưới cho cây trồng trong mùa khô hạn.
Với những dự báo nêu trên, huyện Di Linh đã tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích lúa vụ Đông Xuân, xác định diện tích chưa chủ động và có nguy cơ thiếu nước và xây dựng phương án ứng phó. Trong đó, việc chuyển đổi sang cây trồng có khả năng chịu hạn cao là một phương án được địa phương hướng tới.
Đối với diện tích cây cà phê - cây trồng chủ lực của địa phương, huyện Di Linh khuyến cáo người dân nên thực hiện tái canh trắng đối với vườn cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp giảm bớt chi phí tưới nước, chăm sóc cho những vườn cà phê kém hiệu quả. Đồng thời, địa phương cũng tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích cà phê hiện hữu. Đối với khu vực, diện tích trên đồi cao, các địa phương chủ động sử dụng tổng hợp các biện pháp như tưới tiết kiệm, thực hiện mô hình tưới theo chuỗi bậc thang (từ hồ nước đến các điểm phân phối nước và từ điểm phân phối nước chính đến vườn cà phê). Bên cạnh đó, phát triển các loại cây che bóng, cây trồng xen (bơ, mít) có sức chống chịu với môi trường nắng hạn, giảm sự bốc hơi nước và giữ độ ẩm cho vườn cà phê. Đối với khu vực diện tích không có công trình thủy lợi, các địa phương tiến hành rà soát những vùng sình trũng, những điểm tụ thủy để phát triển đào ao, hồ nhỏ, khoan giếng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin