UBND huyện Đơn Dương nhận định một số nguồn gây ô nhiễm chính môi trường tại địa phương, bao gồm: sản xuất nông nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị và khu dân cư tập trung, hoạt động chăn nuôi trang trại và hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoạt động khai thác khoáng sản… Trong đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất rau, hoa, chăn nuôi gia súc đã gây ra nhiều tác động đến môi trường đất, nước, không khí trên địa bàn.
Việc xử lý mùi hôi và các chất thải từ hoạt động chăn nuôi ở một số cơ sở nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn với môi trường |
Nông nghiệp là ngành có nhu cầu dùng nước nhiều nhất trong các ngành kinh tế. Nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa huyện hiện nay hầu hết đều không được thu gom xử lý mà thải trực tiếp vào nguồn tiếp nhận như đồng ruộng, mương nước, hồ, sông, suối... Đây là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm lớn cho môi trường nước mặt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân cũng như môi trường sống và cảnh quan môi trường.
Hiện nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn huyện là rất phổ biến. Khi mưa xuống sự rò rỉ, xói mòn đất sẽ dẫn theo phân bón, hoá chất BVTV tồn động trong đất theo nước mưa chảy tràn, chảy xuống các ao, hồ... Bên cạnh đó, nguồn nước mặt có thể bị ô nhiễm bởi việc đổ các hoá chất BVTV thừa sau khi phun xong, đổ nước rửa dụng cụ sau khi phun thuốc xuống ao, hồ.
Qua rà soát thực tế tại địa phương, hầu hết người dân chưa biết cách xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng cách. Đa số bao gói thuốc BVTV được người dân vứt ngay tại vườn, ruộng, sông, suối ven đường hoặc đốt chung với các loại chất thải khác. Vì thế tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm đến nguồn nước, môi trường đất và sức khỏe con người.
Từ năm 2018 đến nay, UBND huyện đã cấp kinh phí thực hiện lắp đặt 700 bể chứa vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng và 7 kho chứa tập trung tại 7 xã, thị trấn. Năm 2022, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện, UBND các xã, thị trấn tiến hành thu gom bao bì thuốc BVTV từ bể chứa về kho lưu chứa và chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý 7,9 tấn.
Tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện là 20.300,32 ha, trong đó diện tích đất trồng cây hàng năm là 16.469,32 ha; diện tích đất trồng cây lâu năm 3.831,01 ha. Do chưa có hệ thống thu gom và xử lý nên hiện nay phụ phẩm và phế phẩm nông nghiệp phần lớn được lưu trữ tại nguồn và được xử lý thông qua các hoạt động như: chôn lấp trên đồng ruộng, thải bỏ xuống các dòng sông suối hoặc đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Một phần nhỏ chất thải nông nghiệp được thu gom, vận chuyển và xử lý chung với chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rau, củ, quả hiện đã được nhiều hộ chăn nuôi xin về làm thức ăn gia súc, tuy nhiên, hiệu quả chưa cao, mang tính tự phát, chưa được đầu tư hiệu quả.
Cùng với sự phát triển của trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng là vấn đề đáng quan tâm. Hoạt động chăn nuôi làm phát sinh Nitơ oxit (N2O), cùng với các loại khí khác như CO2, CH4,… gây nên hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên. Tuy nhiên, chăn nuôi trên địa bàn huyện chủ yếu là các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi hộ gia đình. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương, trong năm 2022, số lượng hộ gia đình có chăn nuôi gia súc, gia cầm (trang trại quy mô vừa và nhỏ) trên địa bàn huyện là 78 cơ sở. Phần lớn các cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ đã có công trình xử lý môi trường, 80% cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung có hầm biogas, nhưng một số vẫn chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
Dựa trên cơ sở dữ liệu đã phân tích về thực trạng ô nhiễm do tác động từ sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Đơn Dương xác định cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục vận động nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương, pháp luật về bảo vệ môi trường cho mọi tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương, xử lý chất thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Là địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển trồng trọt, huyện Đơn Dương luôn chú trọng tuyên truyền, khuyến khích người dân không lạm dụng việc sử dụng các hóa chất BVTV, phân bón vô cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các hợp tác xã nông nghiệp tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng, thu gom và xử lý thuốc và vỏ thuốc BVTV, xây dựng các bể chứa thu gom vỏ chai, bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng, tránh tình trạng vứt bỏ bừa bãi tại các bờ ruộng, sông, suối, ao, hồ gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, không khí... Hướng dẫn người dân tận thu phế phụ phẩm trồng trọt chế biến làm thức ăn cho gia súc, chất độn trong chăn nuôi,... để nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin