Quyết tâm xoá bỏ hủ tục trong đời sống

HOÀNG YÊN 00:57, 24/02/2023

Thời gian qua, xã Tân Thượng (Di Linh) đã nỗ lực xóa bỏ các hủ tục trong đời sống Nhân dân. Đặc biệt, chú trọng xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS).

Vận động tuyên truyền bà con dần bỏ những hủ tục
Vận động tuyên truyền bà con dần bỏ những hủ tục

Xã Tân Thượng có gần 80% đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên sinh sống, trình độ nhận thức không đồng đều, một bộ phận người dân còn bị ảnh hưởng của phong tục tập quán cũ nên một số nếp nghĩ, cách làm còn in sâu trong tiềm thức của Nhân dân như: Lấy nhau trong phạm vi trong 3 đời để duy trì dòng họ, thách cưới cao, tình trạng tảo hôn, không quan tâm đến việc học hành của con cái, người chết để nhiều ngày và tổ chức ăn uống linh đình, tổ chức sinh nhật, kỉ niệm ngày cưới với số lượng khách mời rất đông… Ngoài ra, một số ngành nghề truyền thống như nghề đan lát, điệu múa, lời ca, tiếng hát người bản địa, lễ hội cồng chiêng… lại bị mai một dần không được quan tâm và duy trì, từ đó gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến việc duy trì danh hiệu Gia đình văn hoá, Thôn văn hoá cũng như Xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ năm 2019, xác định các phong tục, tập quán không phù hợp trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tảo hôn… trong vùng đồng bào DTTS sẽ tiếp tục diễn ra gây tốn kém, lãng phí làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khoẻ, môi trường và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; Đảng ủy xã Tân Thượng đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về “xoá bỏ phong tục, tập quán không phù hợp trong tổ chức ma chay, cưới hỏi, sinh nhật và lễ hội trong vùng đồng bào DTTS”. 

Ông K’ Jeo, Trưởng Thôn 2 cho biết, những năm qua, để làm tốt công tác xoá bỏ hủ tục trong đời sống người dân, Chi bộ, Ban Nhân dân thôn đã tổ chức lồng ghép các nội dung tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước xoá bỏ các phong tục, tập quán không phù hợp trong vùng đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên, giữ lại những truyền thống tốt đẹp như trang phục, cồng chiêng, ẩm thực, của đồng bào… Công tác tuyên truyền đã được thực hiện thường xuyên, liên tục với phương châm “mưa dầm thấm lâu, đi từng ngõ, gõ từng nhà” gắn với thực hiện quy ước, hương ước trên địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, thôn cũng đã kịp thời động viên, khích lệ hộ gia đình, cá nhân gương mẫu thực hiện tốt; đồng thời, căn cứ quy ước, hương ước cũng như quy định pháp luật để xử lý các trường hợp vi phạm. Qua đó, nhiều hủ tục trong ma chay, cưới xin được xóa bỏ, cải tiến theo hướng văn minh, tiến bộ, xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, nhiều con em được học hành đến nơi đến chốn, thi đỗ vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học.

Ông K’Ber, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Thượng cho biết, xã Tân Thượng những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên hệ thống cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu của Nhân dân địa phương, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm cho đời sống vật chất, tinh thần cũng như nhận thức của Nhân dân toàn xã nói chung và đồng bào DTTS nói riêng ngày càng được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, khi Nghị quyết chuyên đề về “xoá bỏ phong tục, tập quán không phù hợp trong tổ chức ma chay, cưới hỏi, sinh nhật và lễ hội trong vùng đồng bào DTTS” được triển khai, nên Nhân dân đã chấp hành tốt trong việc thực hiện nếp sống văn minh, nhiều trường hợp trong ma chay, cưới hỏi thủ tục đơn giản, không thách cưới, người chết không còn để nhiều ngày trong nhà; người bệnh được chở đến bệnh viện khám không nhờ thầy mo, thầy cúng tế lễ để mong khỏi bệnh.

Để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của người dân, Đảng ủy xã Tân Thượng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, đẩy lùi các hủ tục. Qua đó, xã tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các luật tục lạc hậu, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bài trừ mê tín, dị đoan, thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí; chỉ đạo các hội, đoàn thể xã phối hợp tổ chức 2 hội thi sân khấu hoá về xoá bỏ các phong tục, tập quán không còn phù hợp trong vùng đồng bào DTTS với 4/4 thôn tham gia… Đồng thời, xây dựng nếp sống văn minh theo hướng đa dạng, sinh động, sáng tạo với các giải pháp khoa học, bài bản và kiên trì, phù hợp với đặc thù đồng bào DTTS. Đưa các nội dung xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh khu dân cư vào các buổi sinh hoạt chi bộ thôn, các hội, đoàn thể ở cơ sở. Ý thức người dân giờ đây đã đổi mới theo chiều hướng tích cực, đời sống tinh thần ngày càng đi lên, họ đã biết chuyên tâm vào lao động sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.