Những năm qua, công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm bền vững được các cấp, ngành chức năng huyện Cát Tiên chú trọng thực hiện. Đây là một trong những giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện Cát Tiên.
Thông qua các lớp dạy và đào tạo nghề, nhiều hộ nông dân huyện Cát Tiên đã xây dựng vườn cây ăn quả đạt chuẩn VietGAP |
• ĐÀO TẠO NGHỀ GẮN VỚI NHU CẦU THỰC TIỄN
Cát Tiên là một huyện thuần nông với diện tích phần lớn được người dân chuyên canh lúa nước và cây điều. Những năm qua, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là chuyển sang canh tác các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao được người dân tích cực thực hiện. Tuy nhiên, so với các địa phương khác trong tỉnh, các vùng chuyên canh cây ăn trái ở Cát Tiên phát triển muộn hơn, kỹ thuật trồng, chăm sóc của người dân cũng còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc tăng cường mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề sơ cấp dưới 3 tháng về sản xuất cho người dân, giúp họ từng bước thay đổi thói quen canh tác theo hướng tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng được huyện Cát Tiên đẩy mạnh thực hiện.
Ông Cao Xuân Nghiêm - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đức Phổ cho biết, tại xã Đức Phổ, nhiều lớp đào tạo nghề nông thôn, nhất là các lớp học nghề trồng cây ăn quả đã và đang mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tham gia các lớp học nghề ngắn hạn, các học viên là nông dân trên địa bàn xã Đức Phổ có các diện tích vườn trồng cây ăn quả được trang bị kiến thức, hướng dẫn thực hành trực tiếp trên vườn cây về kỹ thuật chọn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc một số loại cây ăn quả phổ biến trên địa bàn huyện. Riêng với xã Đức Phổ, nơi có diện tích sầu riêng đang phát triển mạnh, nông dân được đào tạo kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng, đặc biệt là về kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh và phương pháp xử lý kỹ thuật để sầu riêng ra hoa, đậu quả đồng loạt.
Theo ông Cao Xuân Nghiêm, xã Đức Phổ hiện đang là một trong những địa bàn có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất huyện. Lớp học nghề sẽ giúp nông dân trên địa bàn nâng cao kỹ thuật canh tác và chăm sóc các loại cây ăn quả, để từ đó nâng cao năng suất, chất lượng các loại nông sản, đem lại thu nhập cao cho các nông hộ.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu kiếm tìm việc làm và áp dụng có hiệu quả vào việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế của người dân chính là hướng đi được huyện Cát Tiên đã đề ra. Từ đó, công tác đào tạo nghề nông thôn tập trung vào 2 lĩnh vực chính là nông nghiệp và phi nông nghiệp. Sau khi học nghề, kiến thức của người học được áp dụng vào hoạt động sản xuất thực tiễn, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề hàng năm đạt trên 80%.
• ĐẨY MẠNH HƠN NỮA CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ
Ông Nguyễn Bình - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cát Tiên cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nên công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động có nhiều chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành và Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo đã có nhiều cố gắng trong công tác phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; việc tuyên truyền, vận động toàn xã hội tham gia vào công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động đã có sự phối hợp đồng bộ hơn.
Riêng trong năm 2021, các đơn vị huyện Cát Tiên đã tổ chức đào tạo được 3 lớp nghề, với 76 lao động tham gia; trong đó, có 1 lớp nghề đan dây nhựa với 34 học viên, 2 lớp nghề dệt thổ cẩm với 42 học viên. Còn trong năm 2022, huyện Cát Tiên đã tổ chức đào tạo nghề 12 lớp, với 291 lao động tham gia, gồm các nghề như: đan bèo, sửa chữa máy nông cụ, đan dây nhựa, trồng lúa chất lượng cao, trồng cây ăn quả, trồng rau sạch, nuôi heo đen…
Bên cạnh đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cát Tiên cũng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thường xuyên cung cấp thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đến các xã, thị trấn để thông báo rộng rãi cho người lao động tìm việc làm phù hợp. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày hội việc làm tại Trường THPT Gia Viễn với hơn 200 người tham dự. Qua đó, đã giải quyết việc làm trong năm 2022 cho 1.721 lao động, đạt 104,3% so với kế hoạch. Trong đó, lao động làm việc trong huyện có 607 lao động, trong tỉnh có 525 lao động và ngoài tỉnh có 589 lao động.
“Có thể thấy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thay đổi nhận thức và đời sống kinh tế - xã hội của người dân, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và vùng sâu; góp phần giúp các xã hoàn thiện tiêu chí về việc làm, thu nhập và hộ nghèo trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, huyện Cát Tiên sẽ chú trọng tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề, nâng cao trình độ tay nghề; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sau học nghề có cơ hội tìm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội”, ông Bình cho hay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin