Do đã bước vào cao điểm mùa khô nên tình hình thời tiết trên địa bàn Lâm Đồng thường diễn biến phức tạp, gây nguy cơ hạn hán, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Cao điểm mùa khô thường khiến nguồn nước nhiều khu vực cạn kiệt, kể cả nguồn nước phục vụ sinh hoạt |
Như mọi năm, UBND tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung nguồn lực để phòng, chống hạn hán có thể xảy ra khi mùa khô bắt đầu vào giai đoạn cao điểm. Ông Nguyễn Hà Lộc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, trong thời gian tới, nếu xuất hiện tình hình nắng nóng kéo dài, hạn hán có khả năng gây ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất. Đối với khu vực ngoài công trình thủy lợi dự báo có khoảng 300 đến 500 ha cây trồng thiếu nước tưới và khoảng 200 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Còn đối với khu vực có công trình thủy lợi về cơ bản sẽ đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, một số công trình nhỏ hoặc hư hỏng sẽ gây thiếu nước tưới cho khoảng 30 đến 50 ha cây trồng.
Trong khi đó, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thông tin, mùa khô năm 2023 trên địa bàn Lâm Đồng sẽ có lượng mưa ở mức bằng và cao hơn so với trung bình nhiều năm. Ghi nhận giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3/2023, tổng lượng dòng chảy trên các sông suối thấp hơn trung bình nhiều năm, gây nguy cơ hạn hán cục bộ tại nhiều địa phương, đặc biệt, tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Tính đến ngày 15/2, dung tích trữ trong các hồ thủy điện, thủy lợi lớn còn khoảng 90% so với thiết kế, mực nước trong hồ thủy lợi phổ biến thấp hơn so với mực nước dâng bình thường từ khoảng 0,2 đến gần 1 m và đối với các hồ thủy điện thấp hơn từ khoảng 0,2 đến 3 m.
Ngoài ra, diện tích cây trồng nằm ngoài khu vực tưới của các công trình thủy lợi vẫn còn khá lớn nên luôn tiềm ẩn khả năng xảy ra hạn hán nếu trời không mưa và nắng nóng kéo dài. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cảnh báo khả năng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra cục bộ ở mức trung bình đến cao.
Đơn cử như tại địa bàn huyện Lạc Dương, theo báo cáo trong năm 2023, diện tích gieo trồng cây hàng năm trong vụ Đông Xuân 2022 - 2023 là 3.419 ha và diện tích cây trồng dài ngày là 6.769 ha. Dự kiến vào cao điểm mùa khô, tình trạng thiếu nước cục bộ sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt tại các thôn Đạ Nghịt, Đạ Nghịt 1, xã Lát và các Thôn 4, 5, 6 xã Đa Sar. Đối với sản xuất sẽ làm ảnh hưởng cục bộ tại các tổ dân phố Bon Đưng I, II, Đăng Gia Dềt B, Đăng Kia, Hợp Thành thuộc thị trấn Lạc Dương, các Thôn 1, 4, 5, 6 và Tiểu khu 118 thuộc xã Đa Sar, các Tiểu khu 120, thôn Đa Ra Hoa và Liêng Bông thuộc xã Đa Nhim.
Hay tại địa bàn huyện Đức Trọng, theo báo cáo năm nay, ngay sau khi kết thúc mùa mưa, cơ bản các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đảm bảo tích đủ nước theo thiết kế. Tuy nhiên, riêng đối với công tác vận hành Nhà máy Thủy điện Đạ Rcao không đảm bảo quy trình điều tiết nước về hạ du dẫn đến khi tích nước ban ngày đã làm hụt (giảm) dòng chảy được điều tiết từ hồ Tuyền Lâm về và dòng chảy sông suối K’Rèn về cống đầu mối Quảng Hiệp có thể gây ra hạn hán cục bộ khu vực hạ lưu tại các xã Hiệp Thạnh, Liên Hiệp, N’Thol Hạ và Liên Nghĩa thuộc khu tưới của kênh Quảng Hiệp. Đối với nước sinh hoạt dự báo có thể xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số khu vực nhỏ lẽ, trên phạm vi hẹp tại các thôn thuộc địa bàn các xã Ninh Gia, Đa Quyn, Tà Hine…
Tương tự, tại địa bàn các huyện Đạ Huoai, Cát Tiên, Đam Rông, Lâm Hà,... dự báo vào cao điểm mùa khô nếu nắng nóng kéo dài đều có khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước đối với sản xuất nông nghiệp xảy ra tại một số địa bàn cũng như tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại một số xã, khu vực.
Để chủ động với các tình huống xấu, ngành Nông nghiệp đã đề xuất UBND tỉnh kế hoạch ứng phó cả giải pháp cấp bách và lâu dài. Trong đó, nhấn mạnh việc các đơn vị, địa phương phải liên tục theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, nắm bắt tình hình sản xuất để kịp thời báo cáo đề xuất lên UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan nhằm đưa ra các chỉ đạo kịp thời, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác chống hạn.
Bên cạnh đó là việc tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Chủ động bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Riêng đối với những khu vực cách xa công trình thủy lợi, khu vực không có công trình thủy lợi, khu vực canh tác dựa vào nước trời, nước hồi quy từ các công trình thủy lợi, khuyến cáo người dân canh tác một cách chủ động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang những cây trồng ít dùng nước, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất...
Theo kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong trường hợp hạn hán xảy ra trên địa bàn tỉnh, đơn vị đề nghị UBND tỉnh xem xét đề xuất các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện các biện pháp công trình với kinh phí trên 120 tỷ đồng. Đồng thời, xem xét bố trí kinh phí để nạo vét, khơi thông cửa cống, dòng chảy công trình thủy lợi… trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí dự kiến gần 52 tỷ đồng nhằm chủ động ứng phó với hạn hán năm 2023.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin