Giảm nghèo bền vững nói chung và đặc biệt là giảm nghèo trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng mà huyện Di Linh tập trung thực hiện suốt nhiều năm qua.
Giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS là một trong những hướng đi trọng tâm của huyện Di Linh |
• NHIỀU KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Giai đoạn 2016 - 2020, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững đã được huyện Di Linh triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả ấn tượng. Sau 5 năm thực hiện công tác giảm nghèo đồng bộ, quyết liệt, đến cuối năm 2020, số hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1.038 hộ (chiếm tỷ lệ 2,5%), giảm 7,63% so với năm 2016; trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS là 617 hộ (chiếm tỷ lệ 3,8 %). Số hộ cận nghèo giảm còn 1.718 hộ (chiếm tỷ lệ 4,1%); trong đó, hộ cận nghèo đồng bào DTTS là 802 hộ (chiếm tỷ lệ 5,0%).
Mặc dù có những thời điểm dịch Covid-19 tác động gây ảnh hưởng đến sự phát triển chung của địa phương, song công tác giảm nghèo vẫn được huyện Di Linh nỗ lực thực hiện. Chia sẻ về công tác giảm nghèo, ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh thông tin: Trong năm 2022, UBND huyện đã tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành tốt công tác giảm nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Qua đó đã góp phần nâng cao đời sống, tạo cơ hội cho nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện nhà.
Cụ thể, đến cuối năm 2022, huyện Di Linh còn 1.597 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,9%. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 1.074 hộ, chiếm 6,7%. Số hộ cận nghèo còn 2.268 hộ, chiếm tỷ lệ 5,4%; hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 1.328 hộ, chiếm tỷ lệ 8,3%.
Những thành tích đạt được là đáng ghi nhận, song theo đánh giá của huyện Di Linh, vẫn còn những vấn đề đặt ra trong công tác giảm nghèo đòi hỏi địa phương phải có phương án sớm khắc phục. Đơn cử như việc nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu; chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giải quyết việc làm, tiêu thụ và chế biến sản phẩm, tạo thu nhập cho người dân, hình thành các làng nghề có thể thu hút lao động, nhất là trong lúc nông nhàn. Việc lồng ghép giữa các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo với các chương trình, dự án khác thiếu gắn kết, chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, một số nguồn vốn phân bổ còn chậm, nhất là các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất… dẫn đến việc giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn...
• NHỮNG NHIỆM VỤ ĐẶT RA
Di Linh đặt ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện giảm còn 2,9%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 4,2%. Mức giảm tỷ lệ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo so với năm 2022 từ 20 - 30%. Trong đó, tập trung ưu tiên các tiêu chí về bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh.
Tình hình thực tiễn với nhiều khó khăn đòi hỏi huyện Di Linh phải tiếp tục có các phương án phù hợp để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo.
Để đạt được các mục tiêu trên, huyện Di Linh đã tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khơi dậy quyết tâm giảm nghèo trong Nhân dân, nhất là ý thức tự lực vươn lên của các hộ nghèo. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đến với hộ nghèo, người nghèo; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách dành cho hỗ trợ các mục tiêu giảm nghèo, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với người nghèo như vốn của ngân hàng chính sách, vốn giải quyết việc làm. Huy động các nguồn đóng góp xây dựng Quỹ Vì người nghèo, kịp thời nêu gương, biểu dương những đơn vị, cá nhân tích cực ủng hộ quỹ. Triển khai việc điều tra hộ nghèo công bằng, công khai, minh bạch, phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để đảm bảo chính xác. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, quản lý để nắm chắc kết quả vươn lên của các hộ nghèo, cận nghèo. Đẩy mạnh xã hội hoá việc huy động các nguồn lực ở cộng đồng, tranh thủ các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp để tăng nguồn đầu tư, trước hết là các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh như: hoàn thiện hệ thống cấp điện đến tận các khu dân cư, thôn, bản; đường liên thôn, thủy lợi nhỏ... Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân nói chung và hộ nghèo nói riêng. Hỗ trợ hộ nghèo về kiến thức và kỹ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất hợp lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gắn với giải pháp hỗ trợ vốn, tăng thu nhập bền vững, đồng thời hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh. Đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nghề để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người nghèo. Vận động hộ nghèo sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ; phải dựa vào nguồn tích lũy của hộ nghèo để phát triển và giảm nghèo bền vững. Chính quyền định hướng mục tiêu giảm nghèo cụ thể cho từng thôn, tổ chức đăng ký thoát nghèo đối với các hộ nghèo.
Huyện Di Linh đang thực hiện nhiệm vụ còn lắm gian nan này với phương châm: “Hộ nghèo tự lực vươn lên, cộng đồng giúp đỡ, Nhà nước hỗ trợ”. Giảm nghèo bền vững không phải chuyện “một sớm, một chiều” và khó khăn này chỉ thực sự được tháo gỡ trong sự đồng thuận, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và người dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin